Văn nghệ trong nước
Văn hóa phi vật thể như một suất ăn theo
09:24 | 22/04/2009
Sẽ là một tổn thất to lớn, thể hiện một tầm nhìn hạn hẹp, một thiếu sót không gì biện minh được của hệ thống pháp luật, nếu lần này việc xếp hạng và cấp bằng công nhận cho di sản văn hóa phi vật thể bị từ chối bởi bất cứ lý do gì.
Văn hóa phi vật thể như một suất ăn theo
Nhã nhạc cung đình Huế- di sản văn hoá được UNESCO công nhận. Ảnh: Như Ý

Bên trọng, bên khinh

Người ta chỉ xây dựng một cái đình, cái miếu, cái tháp khi họ có nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tôn vinh thần tượng. Và cái đình chỉ có giá trị là cái đình đích thực khi nó là nơi thờ cúng. Mất đi chức năng đó, nó chỉ còn là một gian nhà, như có thời đình chỉ là nhà kho chứa phân đạm của hợp tác xã hoặc trở thành lớp học. Vì vậy, sự ra đời và tồn tại của khá nhiều loại hình văn hóa vật thể có nguồn gốc văn hóa phi vật thể (VHPVT).

Trong nền văn hóa Việt Nam, Văn hóa phi vật thể chiếm một tỷ trọng chủ đạo, phản ánh toàn bộ lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha, lưu giữ những biểu hiện độc đáo, những tinh hoa của bản sắc văn hóa dân tộc. (GS Tô Ngọc Thanh)


Tuy nhiên, về chính sách pháp luật, VHPVT bị đối xử không công bằng. Luật Di sản văn hóa năm 2001 chỉ có 11/74 Điều cho di sản VHPVT, và chỉ nêu như một khẩu hiệu chung chung như: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện…” (Điều 17)”, “Nhà nước có chính sách và tạo điều kiện…” (Điều 21), “Nhà nước và xã hội bảo vệ phát huy…” (Điều 22)…

Nghị định số 92/2002/NĐ-CP của Chính phủ cũng chỉ nêu đầu việc, không hướng dẫn cá nhân, cơ quan nào có trách nhiệm và phải làm những gì.

Trong dự thảo sửa đổi 2009, sự thay đổi đôi chút về câu chữ không hề cải thiện được gì cho vị trí phải có của VHPVT, vai trò của các nghệ nhân.

Một số kiến nghị

Tôi đề nghị, trong chương Những điều khoản chung Luật Di sản văn hóa cần bổ sung vai trò và giá trị lịch sử cũng như vai trò hôm nay của di sản VHPVT, hoặc có một mục trong chương dành riêng cho di sản VHPVT, coi như quan điểm lý luận xuyên suốt cho những điều khoản sau đó.

Đề nghị đưa vào Luật việc xếp hạng và cấp bằng công nhận di sản VHPVT như đối với văn hóa vật thể. Năm 2001, khi chuẩn bị dự thảo luật, tôi cũng đề nghị xếp hạng và công nhận các di sản VHPVT nhưng không được chấp nhận, với lý do việc này quá phức tạp. Nhưng nếu thế, thì sao UNESCO lại có thể xét di sản VHPVT toàn thế giới để chọn ra những kiệt tác, trong đó có Nhã Nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam?

Xếp hạng và cấp bằng công nhận là biện pháp khẳng định giá trị của di sản VHPVT, cấp cho nó một cơ sở lý luận và pháp lý để chọn lọc và có kế hoạch bảo vệ và phát huy. Đây cũng là cơ sở để Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chọn lựa các loại hình đề nghị Chính phủ cho làm hồ sơ trình UNESCO xét đưa vào danh sách các di sản văn hoá đại diện hoặc di sản phải bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Đồng thời, điều này cũng là để tương thích với Luật Sở hữu trí tuệ của nước ta, trong đó Điều 14 nói rõ Luật đó bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về văn học nghệ thuật dân gian của nhân dân các dân tộc Việt Nam. Văn học nghệ thuật dân gian là một lĩnh vực quan trọng trong di sản VHPVT.

Nếu lần này việc xếp hạng và cấp bằng công nhận cho di sản VHPVT bị từ chối bởi bất cứ lý do gì thì đó sẽ là một tổn thất to lớn và thể hiện môt tầm nhìn hạn hẹp, một thiếu sót không gì biện minh được của hệ thống pháp luật.

Tôi đề nghị vẫn giữ từ “Nghệ nhân” vì từ này thể hiện “một danh xưng”. Cụm từ “có tài năng xuất sắc…” trong dự thảo quá dài và quá cụ thể. Nó là lời thuyết minh về khả năng chứ không phải là một danh xưng. Người ta không nói “người dạy học” thay cho “nhà giáo”, “người nhảy múa, ca hát, đóng vai..” thay cho “nghệ sĩ”.

Nhưng điều quan trọng hơn là Luật phải ghi rõ ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm thi hành việc tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân.

Hồ sơ ca trù được bổ sung đầy đủ trình UNESCO

Chiều 20/4, Bộ VH - TT&DL chính thức thông báo, ca trù được đề nghị UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Hồ sơ về ca trù được Bộ VH - TT&DL gửi tới UNESCO ngày 13/3. Sau đó, UNESCO yêu cầu phía Việt chỉnh sửa và bổ sung các tư liệu cần thiết. Ngày 15/4, bộ hồ sơ chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của UNESCO đã hoàn thành và được gửi đi.

Lê Thoa

                                                                                                                     Theo ĐV

Các bài mới
Các bài đã đăng