Văn nghệ trong nước
Nét vẽ mới Đông Hồ
09:40 | 06/05/2015

Làng tranh Đông Hồ cuối năm tất bật cho những chuyến hàng đi xa. Nhà nào cũng ngút ngàn hàng. Ô tô rầm rập ra vào. Khác hẳn thời của những con đò chở hàng khua nước bến sông. Nhưng hàng bây giờ không còn là những kiện tranh điệp ấm lòng dân tộc. Hàng dành cho việc tâm linh.

Nét vẽ mới Đông Hồ

Vậy mà ở một góc làng Đông Hồ vẫn có người ngày nối ngày mải mê với nét vẽ ngày xưa. Đó là bà Nguyễn Thị Oanh, người vừa mới được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”.

 

Bà Nguyễn Thị Oanh sinh năm Canh Tý (1960), ngoài năm mươi tuổi mà có ngót năm mươi năm gắn bó với nghề tranh dân gian Đông Hồ. Thời nhỏ cô bé Oanh học theo nét vẽ của mẹ, rồi trở thành lao động phụ của tổ sản xuất tranh trong làng. Những bộ tranh ăn khách bấy giờ như Tứ bình, Tứ quý, Tố nữ, Thạch Sanh, Kiều, Anh hùng dân tộc… được in nét chính, sau đó thợ tranh dùng bút lông vẽ vờn màu hoàn chỉnh. Cách sản xuất kết hợp in tranh với vẽ thủ công. Chỉ những bộ tranh vuông đề tài cổ mới in màu trên nền điệp. Cũng những bộ tranh này nếu phóng to thì lại phải vẽ thủ công. Lớn lên một chút, cô tố nữ Oanh trở thành lao động chính của Tổ tranh. Rồi trở thành con dâu của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, người phụ trách Tổ tranh. Những tháng cuối năm, thợ tranh Đông Hồ cất tranh đi bán khắp các chợ làng trong vùng. Tranh Đông Hồ làm mới làm đẹp cho mỗi nhà dịp Tết đến xuân về. Người làng tranh có thêm thu nhập. Góc hàng tranh lâu dần trở thành nét văn hóa của chợ quê. Cô Oanh gói buộc hàng từ tối hôm trước, đợi đến “nửa đêm giờ tý canh ba” lai hàng xe đạp đi chợ xa. Đường xấu, chặng đường đến chợ mấy lần ngã dúi dụi. Có lần bó tranh rơi vào vũng nước ổ gà ướt nhoe nhoét phai cả màu.

Thời thịnh đạt, tranh Đông Hồ xuất sang thị trường Đông Âu là chính. Đến năm 1990 thị trường Đông Âu đóng băng, nghề tranh đình đốn, Tổ sản xuất tranh không trụ nổi phải giải tán. Đồ nghề mấy lần chuyển chỗ, khi đóng nhờ ở khu trại chăn nuôi, khi tạm nhờ khuôn viên đình làng, nay chuyển hẳn về nhà. Nhìn cảnh làng nghề mai một, nghệ nhân Trần Nhật Tấn có bài viết Thương nhớ một làng tranh. Rồi mấy nghệ nhân tâm huyết bảo nhau làm tranh tại nhà, quyết giữ nghề truyền thống đặc sắc của làng. Năm 1992 nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam bắt đầu tổ chức làm tranh tại nhà. Cô Oanh trở thành lao động chính. Đến năm 1996 nghề tranh có cơ hội phục hồi vì có thị trường mới ở Nhật, Mỹ và Tây Âu. Tranh điệp Đông Hồ trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Danh tiếng tranh của gia đình cô Oanh được nhiều người biết đến. Bảo tàng Dân tộc học đã dành hẳn một khu vực để trình diễn sản xuất tranh dân gian Đông Hồ do gia đình cô Oanh đảm nhận. Cô Oanh còn được phục vụ Hội nghị APEC14, được bà Hillary Clinton đến hỏi thăm và tham quan tranh. Tranh gia đình cô còn được tham gia nhiều liên hoan, lễ hội lớn trong nước như “Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN, “Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội”, “Liên hoan văn hóa các dân tộc Bắc Giang”, “Festival Bắc Ninh”…

Bên cạnh sản xuất tranh truyền thống, hiện nay bà Oanh còn sáng tác thêm nhiều mẫu tranh mới đề tài phong cảnh. Trên cơ sở kinh nghiệm vẽ tranh truyền thống, bà Oanh tự tìm loại màu đen chất liệu tự nhiên là dùng than rơm ngâm hồ để vẽ tranh thủy mặc. Màu đen chất liệu tự nhiên này có độ trầm, ấm, ám ảnh. Bà thích vẽ phong cảnh di tích lịch sử văn hóa quê hương để quảng bá rộng rãi như các tranh Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp, Thủy đình đền Đô, Đình Tranh Đông Hồ, Hội làng…

Bên chiếc bàn mộc để vẽ tranh trong ngôi nhà cổ chứa đầy mẫu tranh, bà Oanh tâm sự, sản xuất tranh truyền thống cũng là một nghề, muốn nghề tồn tại và phát triển thì hàng phải bán chạy. Muốn bán chạy thì cần nhiều yếu tố như phát triển du lịch làng nghề, phòng trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu… Việc bán hàng cũng có cạnh tranh, gia đình làm nghề nào thiếu nhạy bén thị trường sẽ khó tồn tại. Nhưng nghề tranh là văn hóa truyền thống cần bảo tồn, do đó nghề tranh Đông Hồ hiện đang cần có sự giúp đỡ hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Sống được bằng nghề chưa đủ mà phải giàu được bằng nghề thì nghề mới phát triển. Đừng để nghề tranh lâm vào cảnh “thương nhớ một làng tranh” lần nữa.

Theo Phạm Thuận Thành - ĐBND

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng