Văn nghệ trong nước
Tiêu gì cho thời gian để sống
14:38 | 18/05/2015

Cái tên Tiêu gì cho thời gian để sống nghe rất Hoàng Việt Hằng. Dường như đến một độ tuổi nào đấy, Hoàng Việt Hằng cũng như mỗi chúng ta cảm thấy không thể tiêu phí thời gian, để thời gian đi qua một cách vô tư, oan uổng mà đã đến lúc phải tiêu cái “quỹ thời gian” như thế nào để khỏi phải nuối tiếc với chính mình. Ý thức được điều đó, Hoàng Việt Hằng đã “lập trình” những dự định sáng tác và đã dốc mình trên “trang giấy trước đèn”, tự tin và tâm huyết lướt phím để các trang viết liên tiếp đến tay người đọc…

Nói đến Hoàng Việt Hằng là nói đến đi và viết. Đi để thâm nhập, tích lũy vốn sống, đi để quan sát, thức nhận và phát hiện những điều mới mẻ, những vui buồn, được mất trong cuộc đời và thế giới quanh mình. Có thể nói “xê dịch” là lẽ sống, đã cung cấp năng lượng thôi thúc sự sáng tạo nơi chị. Và viết là đồng cảm với phận người, là quá trình đối thoại với cuộc sống để tìm ra chính mình.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chứng kiến và trải nghiệm những đổi thay của thủ đô trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, dễ nhận ra các trang viết của Hoàng Việt Hằng thường gợi nhớ Hà Nội một thời… Kí ức như một chất liệu kiến tạo nên tác phẩm, như chất keo kết dính quá khứ và hiện tại. Bất cứ một tín hiệu nào của hiện tại cũng đưa tác giả về với niềm hoài nhớ, với dĩ vãng đầy ắp thân thương của tình mẫu tử giản dị mà nồng ấm. Hình ảnh người mẹ, người lưu giữ văn hóa truyền thống và cũng là người truyền lại tinh hoa văn hóa ẩm thực cho con cháu thật sự gây ấn tượng với người đọc (Mẹ vẫn ngồi ở phía sân sau, Cánh đào chưa phai Tết xưa). Tôi thích những trang ngòi bút tác giả “chạm” đến chuyện bếp núc, ăn uống. Có lần, Hoàng Việt Hằng nói với tôi, chị thích đi chợ. Đi chợ với chị là cơ hội để kỉ niệm về những phiên chợ Tết thời tem phiếu với các loại thực phẩm, rau quả “sạch” ùa về. Đi chợ cũng đem lại sự thư thái với người phụ nữ sau khi đặt dấu chấm hết một bài viết để rồi có được thời gian làm ấm căn bếp nhà mình. Trong tản văn của Hoàng Việt Hằng món ăn không đơn thuần là sự no mà chứa đựng tinh thần và tình cảm trong đó. Văn hóa ẩm thực quấn quyện trong không gian, thời gian mang đậm chất kinh kì, tưởng chừng có thể nhìn thấy, ngửi thấy và cảm thấu đến tận cùng. Món ăn thành miền hồi nhớ, gắn chặt tình người, tình quê hương xứ sở. Người mẹ đã dạy con gái cách pha chế món ăn, từ món mặn đến món ngọt, không bằng lời suông mà bằng “người thật, việc thật” như mục “Món ngon mỗi ngày” trên truyền hình Hà Nội hằng đêm. Sau này lập gia đình, món ngon từ mẹ đã thấm dần vào máu, con gái đã “tề gia vén khéo” và cứ mỗi khi nấu ăn lại “bỗng nhớ mẹ những món ăn vẫn hiện theo mùa”. Có người con trai đã lấy vợ ở riêng mà cuối tuần vẫn “trốn vợ” về với mẹ để làm bát cơm nguội nấu nồi gang với cá kho trám đen “như ăn tiệc”, thức món mà các cô dâu thời hiện đại “bó tay”. Con gái đã nhớ như in lời mẹ: “Bố con  không rời được mẹ vì các loại trà sen, trà ngâu, trà cúc do tay mẹ hái, mẹ phơi, mẹ sao trà” (tr.12). Trong tâm cảm của tác giả, “Cái vị Tết xưa cứ như những tài sản vô giá luôn bảo tàng trong tim ta, không ai xóa đi cho được” (tr.33). Điều ấy lí giải vì sao các nhân vật nữ trong tản văn của Hoàng Việt Hằng dù đã thành đạt, có một cuộc sống giàu sang nơi đất khách vẫn luôn bị ám ảnh bởi mùi vị quê nhà và vì sự nhớ nhung ấy đã buông bỏ tất cả để trở về quê hương tìm lại bình an, êm ả.

Tản văn Hoàng Việt Hằng có không ít trang viết gây thiện cảm với người đọc bởi sắc màu của thiên nhiên, cây cỏ, và bởi cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Gần đây, người ta nói đến sinh thái học văn hóa, chú ý đến sự hiện hữu của thiên nhiên trong văn học mà lâu nay con người đã xem nhẹ vai trò của nó. Trong tản văn của Hoàng Việt Hằng, hình ảnh của cỏ cây, hoa lá, núi non, sông biển không chỉ hiển lộ ở cách đặt “tít” mà còn hiển thị ở tần số xuất hiện văn bản và ẩn ngầm sau con chữ là cảm xúc, nỗi niềm của người viết: Nỗi buồn hoa mía, Cây cơm vàng, Hoa sen tàn còn gương sen, Giọt giọt hạt ngô vàng, Chim le le lẻ bạn, Phố và cây Hà Nội, Biển nhìn sóng xóa đi, Mùa bạc hà, ngưu tất trổ hoa, 21 giờ bay chỉ nhìn hoa cúc chi, Phía dưới chân núi là mùi lá. Với Hoàng Việt Hằng, “Đời người như một chiếc lá ấy. Một nửa phơi lên ánh mặt trời, một nửa chiếc lá thì giấu dưới mặt đất” (tr.90) và theo cách nghĩ ấy, chị luôn đau đáu vào nửa chiếc lá giấu dưới mặt đất, tìm thấy ở mặt khuất ấy thế giới nội cảm của con người, đặc biệt ở nhân vật nữ và ở chính mình. Khi may mắn có được chuyến đi Ấn Độ, đặt chân lên nước bạn, tác giả không náu mình trong khách sạn mà len chân trong bụi và những chiếc xe kéo để có được khoảnh khắc ngồi “vớt mặt trời trên sông Hằng” đầy ảo diệu. Là một người năng động, cứ có dịp là Hoàng Việt Hằng lại trên từng cây số. Khi đặt chân lên miền núi phía Bắc, theo thói quen của mình, Hoàng Việt Hằng ngước nhìn trần bếp người Mông, thấy “giọt giọt hạt ngô vàng” đã đọng lại ở chị “khoảnh khắc kì diệu nhất đời tôi”. Từ khoảnh khắc ấy chị liên tưởng đến sự đoàn tụ sau li tán của những cặp vợ chồng trẻ nơi rẻo cao thời mở cửa đầy biến động. Lúc đặt chân tới biển Cửa Tùng, tác giả như hòa mình với biển trời và con người Quảng Trị. Thời gian thăm viếng những chứng tích một thời bi tráng nơi đây là “thời gian lữ khách tiêu dao không uổng phí cho những ngày có ích nhất trần gian”. Đan xen trong bộn bề các vấn đề về nhân tình thế thái, người đọc không khỏi trầm tư, xúc động khi bắt gặp trong các trang viết của Hoàng Việt Hằng “mùi hoa dứa dại thơm ngào ngạt vào lúc khuya”, “vườn mía tím rời rợi ven sông Đáy”, “cây muồng hoa vàng đứng vắt cành sang cây muồng hoa phớt hồng”. Một Hà Nội mùa nào cũng có vị cây để nhớ: từ cây sấu già tróc vỏ ở đường Phan Đình Phùng, cây hoa sữa tỏa hương vào tháng mười trên đường Bà Triệu, cây sưa trên đường Đại Cồ Việt nở rộ hoa vào giữa tháng ba đến cây lộc vừng bên hồ Gươm, cây bằng lăng hoa tím bên hồ Ba Mẫu… Sự hiện diện của thiên nhiên là một trong yếu tố làm dịu cuộc sống tất bật thường ngày, giúp giải tỏa áp lực, sự quá tải trong đời sống tâm lí con người đương đại. Phải chăng vì thế mà nhân vật phụ nữ trong tản văn Hoàng Việt Hằng đã vượt 21 giờ bay để nhìn hoa cúc chi nở dưới mưa phùn, để được sống chậm, được nhâm nhi ngụm trà hoa cúc sau thời gian dài dặc xa quê. Là một nữ họa sĩ “trốn lên sườn núi Chè, kết bạn với ao quê, đồng mùa, rơm rạ và khói bếp chỉ để vẽ” và để “cô đơn gói lại cô đơn”. Ở đây, người đàn bà vẽ đã tựa vào thiên nhiên và nó đã giúp chị “đi tiếp, tìm kiếm ra một giá trị sống khác ngày hôm qua” (tr.141).

Không khó nhận ra trong tác phẩm của Hoàng Việt Hằng màu sắc tự truyện. Qua các trang viết, nổi bật ở Chim le le lẻ bạn, tôi hình dung ra được một người phụ nữ âm thầm hứng chịu nỗi nhọc nhằn của thân phận trong đời sống thường ngày để tồn tại. Là phụ nữ, chị thích làm nội trợ, được chồng nuôi, không phải lo cơm áo gạo tiền. Nhưng ước muốn thường tình ấy lại như né tránh chị, buộc chị phải rẽ ngang vào địa hạt văn xuôi vốn không phải sở trường của một nhà thơ để viết, để mưu sinh. Các tập văn xuôi gồm tiểu thuyết, tản văn của chị lần lượt trình diện làng văn, như một cơ duyên, nghề đã chọn chị. Phải chăng trong nỗi bất hạnh của Hoàng Việt Hằng cũng tiềm ẩn sự may mắn khi chị là vợ của một nhà văn đã thành danh ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đã từng biên tập truyện ngắn của chị một cách nghiêm khắc và cũng đã động viên chị đến với những sáng tác mới phù hợp hơn với tạng viết của chị. Cảnh sống giản đơn gần như là “vô sản” của đôi vợ chồng sống bằng nghề viết, và khi chồng lâm bệnh nặng chị phải viết báo nuôi con thay anh, cho thấy với những gì đã có hôm nay, Hoàng Việt Hằng đã phải nỗ lực vượt lên chính mình đến nhường nào để hàng ngày vẫn “cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng chữ nặng tình yêu thương con người” (tr.75). Nước mắt vẫn chảy ngược, Ngọn khói nhà quê, Rớt bão thêm một lần nữa tô đậm cái tôi tác giả, một cái tôi đầy ưu tư và nỗi niềm mà cũng đầy tự tin và bản lĩnh trong đời sống và đời viết.
Có thể nói, ẩn sau những dòng tạp bút là tâm hồn của nhà thơ nữ giàu trải nghiệm và nhân ái. Là người đã trải qua sự “chênh chao của số phận” nên Hoàng Việt Hằng dễ đồng cảm với những phận người phiêu dạt, “nhỏ bé”. Trong nền kinh tế thị trường ồ ạt đô thị hóa, sự phân tầng giàu nghèo đang được coi là “vấn nạn nóng hổi” thì người viết không thể làm ngơ trước những con người ở đáy cùng của xã hội. Trong tản văn Hoàng Việt Hằng hiện diện những con người thiệt thòi, yếm thế nhưng lại thấm đậm chất người, như người đàn ông dị tật, sống độc thân, hơn bốn mươi năm làm nghề liệm xác. Người đàn ông tưởng chừng lì lợm, âm thầm ấy biết sẻ chia với người khác, biết sưởi ấm cho một người đàn bà đau đớn, đơn độc. Hoàng Việt Hằng thường đi ven sông Hồng, làm quen với những người phụ nữ trồng thuốc nam, tìm thấy ở họ nét đẹp giản dị mộc mạc của các loài cây thuốc quý bạc hà, ngưu tất. Đó là người đàn bà không lưu danh tên tuổi đã cứu rỗi bao đứa trẻ bị bỏ rơi trên sông và luôn hết lòng cưu mang trẻ mồ côi với tâm niệm sống ở đời chẳng tham lam làm gì, đun bếp khi cơm chín thì rút lửa, cơm cháy có ăn được đâu. Một kiểu “triết lí củi lửa” của người thất học bình dị mà ý nghĩa. Đó còn là tấm lòng của người đàn ông vớt rác ven hồ với người đàn bà có thời làm ở nhà máy diêm, họ tìm thấy ở nhau sự đồng điệu về cảnh ngộ và tâm hồn. Đọc những trang viết trĩu nặng nhân tình của Hoàng Việt Hằng, người đọc không khỏi bùi ngùi, rưng rưng theo từng thân phận…
Trong cấu trúc thể loại, tản văn Hoàng Việt Hằng có sự phối trộn giữa tự sự và trữ tình. Từ những điều mắt thấy tai nghe đã dung chứa thế giới nội tâm, cảm xúc của chủ thể viết một cách trực tiếp nhất. Tác giả gọi cuốn sách của mình là tản văn nhưng người đọc vẫn bắt gặp một số bài viết nghiêng về “tin tức buổi chiều”, phóng sự hay một câu chuyện kể. Trong bút pháp thể hiện, bên cạnh những trang viết nghiêng về tâm trạng, nỗi niềm cũng nên gia tăng sự hài hước, dí dỏm là một trong những gia vị tạo nên sự mặn mà, ý vị của tác phẩm. Người đọc cũng mong muốn những vấn đề hiện hữu trong tản văn của tác giả giàu tính khái quát và đa nghĩa hơn. Nối tiếp ba cuốn tản văn trước đây của Hoàng Việt Hằng, Tiêu gì cho thời gian để sống đã lưu dấu ấn cá nhân mang đậm cảm thức văn hóa của người viết với một thể văn đang giành được thiện cảm của đông đảo người đọc hiện nay

Theo Bích Thu - Văn nghệ Quân đội

 

 

 

 

                                      

Các bài mới
Các bài đã đăng