Văn nghệ trong nước
Nhà văn Đinh Hoàng Anh: Thử nghiệm "trình diễn" truyện ngắn
15:04 | 23/04/2009
Lâu nay, ở Việt Nam, độc giả yêu văn chương chỉ mới nghe và tận thưởng những buổi trình diễn thơ hay thơ trình diễn (poetry performance) chứ chưa bao giờ (dù chỉ là nghe) đến cái gọi là trình diễn truyện ngắn. Tuy nhiên, vào 15h30’ ngày 28/4/2009 tới đây, truyện ngắn Cõi sống và cõi chết sẽ được tác giả của nó là nữ tiến sĩ toán học Đinh Hoàng Anh phối hợp với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây trình diễn tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (Số 501, đường Kim Mã, Hà Nội). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đinh Hoàng Anh - người đầu tiên ở Việt Nam tự tin đứng ra tổ chức sự kiện này...
Nhà văn Đinh Hoàng Anh: Thử nghiệm

Cuộc thể nghiệm đầu tiên đã bắt đầu

* Đầu tiên, xin chị có thể cho biết lý do để chị quyết định tổ chức cuộc trình diễn truyện ngắn?
 
- Tôi biết Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và có ý định ra mắt tập truyện ngắn Những giấc mộng đời người của tôi ở đó. Nhưng nghe nói, tổ chức một buổi ra mắt sách tại đây thường chỉ là giới thiệu về tác giả, sau đó một vài nhà phê bình lên đọc những nhận xét về tác phẩm được giới thiệu. Tôi thấy như vậy thì sẽ không thú vị lắm, vì rằng theo như tôi, người xem họ đâu có quan tâm nhà phê bình đọc như thế nào, mà cái họ muốn biết là về tác phẩm.
Giống như trước đây tôi từng tổ chức làm đêm thơ kết hợp với hội họa, việc mang truyện ngắn ra trình diễn cũng hoàn toàn xuất phát từ những ngẫu hứng, từ ý tưởng muốn thể nghiệm cái mới và sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật với nhau.

* Về không gian để trình diễn truyện ngắn trước công chúng, chị sẽ kết hợp các loại hình nghệ gì với nhau? Tính khả thi mà những hình thức trình diễn đó mang lại?

- Trình diễn truyện ngắn lần này, chúng tôi sẽ kết hợp với âm nhạc ngẫu hứng và kịch hình thể. Ngoài chương trình chính, chồng tôi - họa sĩ Thái Tĩnh sẽ tổ chức một cuộc trưng bày nhỏ gồm tranh và những phác thảo đồ họa để giới thiệu bằng hình ảnh 23 truyện ngắn trong tập Những giấc mộng đời người. Qua trình diễn, tôi hy vọng người xem sẽ được hưởng thụ một không gian, cảm xúc nghệ thuật thực sự hay ít nhất là một điều gì chứ không phải chỉ nghe giới thiệu về tác giả, còn tác phẩm họ nên tự mua mà đọc.


* Đây có vẻ như cũng là một hình thức để “quảng bá” tác phẩm, gây tò mò?

- Khi đem truyện ngắn trình diễn mục đích của tôi không phải là quảng cáo với người đọc chính truyện ngắn của mình mà là thông tin thông qua truyện ngắn đó về con người, về tâm hồn, mang cảm xúc đến nhanh hơn với độc giả, người xem. Tôi quan niệm, âm nhạc, văn học hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng chỉ là một cách truyền đạt thông tin. Vấn đề là làm sao đó để truyền tải thông tin một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất thì nên nghiên cứu để làm và làm cho tốt.

* So với thơ thì chị có nghĩ hình thức trình diễn cho truyện ngắn trước công chúng có thể hiện được hết khả năng sáng tạo của các nhà văn?

- Tất nhiên là có thể rồi. Nhưng thể hiện như thế nào và mang lại kết quả ra sao lại là chuyện khác. Hiện nay, kết hợp các loại hình nghệ thuật đương đại để làm một cái gì đó mơi mới mang lại rất nhiều thú vị. Với tôi cũng vậy, tất cả các loại hình nghệ thuật trong cuộc trình diễn lần này phải phối kết hợp nhuần nhuyễn, từ hình ảnh, âm thanh, ánh sáng cho đến “người diễn xướng”, không cái nào trội hơn cái nào. Đặc biệt, vì đây là cuộc trình diễn dành cho truyện ngắn nên yếu tố truyện là chính chứ không phải là trình diễn. Trình diễn chỉ là phần “phụ họa cho truyện” nhằm có được “nét mới” trong việc giới thiệu tác phẩm đến độc giả, chứ không phải cái quyết định đến chất lượng của truyện được trình diễn. 

Chỉ là cuộc “làm văn thể nghiệm”

* Việc đặt vấn đề trình diễn truyện ngắn, chị có nghĩ rằng thể loại này rồi đây có thể đến với công chúng một cách ồn ào như ca nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác không?
 
- Như ban đầu tôi đã nói, cuộc trình diễn truyện ngắn lần này tôi làm chỉ dựa trên ý tưởng muốn thể nghiệm cái mới bằng một phương pháp mới, coi đây là “một cuộc chơi nghệ thuật” nhằm đem đến “cảm giác lạ” cho người xem, chứ không dám khẳng định sau cuộc trình diễn lần này, rồi đây truyện ngắn có thể đến với công chúng một cách ồn ào như ca nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác.

* Đến thời điểm này, ở Việt Nam, chị là người đầu tiên “tự tin” tổ chức trình diễn truyện ngắn. Theo chị “thể nghiệm mới” kiểu này có nên có trong danh sách các hoạt động nghệ thuật cần được hỗ trợ phát triển?

- Tôi không quan tâm tôi là người đầu hay cuối “vẽ” ra cái gọi là trình diễn truyện ngắn lần đầu tiên tại Việt Nam, mà chỉ biết rằng mình làm nghệ thuật rất vô tư. Trước đến nay tôi chỉ toàn làm thơ, đây là lần đầu tiên “làm văn xuôi thể nghiệm bằng phương pháp mới” mà thơ không thể truyền tải hết. Và tôi cho rằng, viết văn mình hướng đến đại chúng chứ viết văn để rồi nhà văn lại đọc thì có lẽ chẳng cần thiết. Để nuôi dưỡng và phát triển truyện ngắn hoặc cổ vũ trình diễn truyện ngắn ở nước mình thì cần rất nhiều người tham gia, làm nhiều việc cụ thể, có chiều sâu hơn, qua đó cung cấp đến độc giả những thông tin cần thiết mà tác giả muốn gửi gắm. Nghĩa là về lâu dài, tôi nghĩ nhiều người sẽ có những cuộc thể nghiệm mới hơn, hiệu quả và thành công hơn....

* Xin cảm ơn chị!

                                                                                                                    Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng