Văn nghệ trong nước
Mang nhạc kịch Broadway về Việt Nam
14:29 | 22/05/2015

Vào xem các vở nhạc kịch mang phong cách Broaway nhiều người bất ngờ khi thấy cái tên Van.B Nguyen. Tìm trên facebook mới biết chắc rằng đó là cô gái Việt tên đầy đủ là Nguyễn Bích Vân.

Mang nhạc kịch Broadway về Việt Nam
Bích Vân trên sân khấu Broaway

Vân kể cô sinh ở Sài Gòn nhưng quê gốc lại là ở ngoài Bắc. Gia đình tuy không ai theo nghề nhạc nhưng lại rất yêu âm nhạc nên ngay từ nhỏ, Vân đã được đắm mình trong những giai điệu âm nhạc du dương, nhất là những giai điện dân ca miền Bắc mà ông nội hay nghe. Thấy Vân có vẻ thích nghe nhạc nên khi Vân vừa tròn 5 tuổi, ông nội mua cho chiếc đàn mandolin. Và âm nhạc đã theo Vân từ đó. Năm 23 tuổi, Vân theo gia đình sang Mỹ định cư và tiếp tục theo học Thanh nhạc tại Nhạc viện Bob Cole thuộc Đại học Cal State Long Beach.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tấm bằng hạng ưu đã khuyến khích Vân đã tới New York để dự tính học tiếp cao học. Và một lần đến với sân khấu Broadway đã làm thay đổi cuộc đời Vân. Vân kể: “Năm 2010 khi đến New York để tìm hiểu những trường đại học để dự thi cao học, Vân đã ghé vào một rạp hát Broadway để xem một vở nhạc kịch. Và Vân đã đắm mình trong không khí của vở diễn với những câu chuyện cổ tích thật đẹp, với những giai điệu âm nhạc tuyệt vời. Lần đầu tiên, Vân cảm thấy mình đã tìm được bến đỗ của nghệ thuật bởi những gì Vân đã học, đã mơ ước đều có ở Broadway”.

Vào học tại Đại học New York University, chọn ngành nhạc kịch Broadway. “Có những lúc mệt mỏi hay gặp khó khăn quá, Vân cũng muốn buông xuôi tất cả, bỏ đi tất cả. Nhưng nhớ lại khi được đứng trên sân khấu, được hóa thân vào nhân vật để cất lên tiếng hát thì Vân lại cảm thấy không có gì tuyệt vời hơn, không có gì hạnh phúc hơn là mình được làm đúng công việc mình yêu thích”- Vân kể lại.

Người gốc Việt hát ở sân khấu Broadway

Kết thúc khóa cao học, Bích Vân được giữ lại trường làm giảng viên. Đây là thời gian Vân có được cơ hội tiếp xúc nhiều với sân khấu Broadway. Ngoài giờ dạy, Bích Vân tham gia thử các vai diễn. Giấc mơ của Vân đã thành hiện thực khi Vân được mời tham gia nhiều vở diễn như “A World Without Harmony”, “Count To Ten”, “The King and I”, “The Musis Man”, “Miss Saigon”, “Phantom of the Opera”… và nhận được nhiều lời khen ngợi.

“Khi được đứng trên sân khấu Broadway, Vân mới nhận ra được một điều khá quan trọng là hình thức của người nghệ sỹ. Nếu vai được viết cho người Mỹ trắng, tóc vàng, thì họ không thể nào chọn mình vào thử vai đó. Đây cũng là những hạn chế với Vân và những người gốc Á khác. Vân chỉ có thể thử vai nào dành cho người châu Á mà thôi, ví dụ như “Miss Saigon”. Cũng từ đó, Vân mới hiểu tại sao rất ít người gốc Á hát ở sân khấu Broadway”- Vân tự hào.

3 năm ở New York đã giúp Bích Vân rất nhiều. Nhưng những vai diễn ở Broadway chưa làm thỏa mãn giấc mơ của Bích Vân. Cô muốn làm nhiều hơn nữa. Bởi thế, khi đang có những thành công ở nơi Thánh Đường âm nhạc thì Vân lại đột ngột quay về Nam Cali. Và cô cũng nói thêm rằng một trong những hướng đi mới của Vân sẽ là phát triển âm nhạc Việt, dòng nhạc đã ăn sâu vào tiềm thức cô từ thủa ấu thơ mà những năm bôn ba với Broadway, cô vẫn chưa có cơ hội để hát trở lại.

 

Khi học về nhạc kịch Broadway tại New York, Vân nhận thấy kỹ thuật nhạc kịch và kỹ thuật hát dân ca của của Việt Nam mình lại có nhiều điểm rất giống nhau. Như vị trí mình đặt âm thanh để hát rất giống nhau. Khi nghe dân ca, giọng rất trong, rất thanh. Cách hát Broadway cũng đòi hỏi chất giọng như vậy, nên nó hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Những luyến láy, những nguyên âm mà mình đẩy lên mũi, kỹ thuật đó cũng rất gần với cách hát của Broadway, cho nên hai cái đó hỗ trợ cho nhau nhiều. Vân nghĩ cách hát này giúp cho cách kia, không phải là một chiều mà cả hai chiều. Bởi vậy Vân luôn mơ có ngày nào tại Thánh đường Broadway sẽ xuất hiện những vở nhạc kịch mang âm hưởng dân ca Việt Nam. Hay thậm chí cả những câu chuyện cổ tích Việt sẽ được lên sân khấu Broadway”. 

 Năm 2015, Vân ra album đầu tay: “Kiếp nào có yêu nhau” gồm 10 ca khúc tiếng Việt đã quen thuộc với khán giả Việt như Nửa hồn thương đau, Cô đơn, Dòng sông xanh, Kiếp nào có yêu nhau... Để làm mới những ca khúc đã quen thuộc với khán giả, Vân chọn phong cách thể hiện pha trộn giữa nhạc nhẹ và bán cổ điển. Được phát hành cả ở thị trường Mỹ và Việt Nam, Vân mong muốn khán giả đón nhận album đầu tay như một sự tri ân của một người con đất Việt. Nhưng vượt lên trên điều đó, Vân muốn đưa chất… Broadway vào với âm nhạc Việt.


Theo Trọng Thịnh - Tiền Phong

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng