Văn nghệ trong nước
Biến đọc sách thành niềm vui cho trẻ em
14:41 | 04/06/2015

Trẻ nhỏ có định hướng rõ ràng khi đọc một cuốn sách và tiếp nhận theo cách riêng. Cha mẹ không nên áp đặt mà hãy giúp các em nảy sinh nhu cầu tìm hiểu về sách, biến đọc sách thành niềm vui chứ không phải nhiệm vụ...

Biến đọc sách thành niềm vui cho trẻ em

Nhu cầu đọc sách, hướng dẫn con đọc sách và một cộng đồng đọc sách vẫn hiển hiện trong xã hội. TS. Nguyễn Thụy Anh tiết lộ, hơn 200 gia đình đã đăng ký tham gia ngay ngày đầu tiên chị thành lập Câu lạc bộ Đọc sách cùng con. Điều đó cho thấy, nhiều phụ huynh mong muốn cho con sớm tiếp cận với sách, muốn được cùng con đọc sách, song đọc sách cùng con như thế nào để giúp con khám phá, tìm hiểu và đam mê với sách theo cách tự nhiên nhất lại là vấn đề mơ hồ. TS. Nguyễn Thụy Anh giải thích, đọc sách cùng con không có nghĩa là cầm quyển sách đọc hết với con, mà đó là cách dẫn dắt câu chuyện, cách đặt vấn đề, và cả cách “chơi” cùng cuốn sách để lôi cuốn, kích thích trí tò mò cũng như sự hứng thú của con đối với nhân vật, hình ảnh, câu chuyện trong sách. Đồng quan điểm, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ cho hay, “chúng ta đừng nên hiểu “đọc sách cùng con” theo nghĩa đen mà “đọc” ở đây là đưa ra những gợi mở và định hướng”. Việc cha mẹ “dẫn dắt” trẻ khám phá các tình tiết, nội dung trong mỗi cuốn sách hết sức quan trọng bởi nó hình thành cá tính, tư duy và nhân cách rõ rệt ở trẻ. 

Trẻ ở lứa tuổi nào cũng có định hướng đọc sách riêng. Vì vậy, khi đọc sách cùng trẻ, cha mẹ không nên can thiệp quá sâu vào quá trình đọc của con. Trước sự lo lắng của nhiều phụ huynh khi không muốn con mình đọc những cuốn sách có các chi tiết không phù hợp, TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng: “Tôi để ý thấy một cuốn sách cho thiếu nhi có rất nhiều chi tiết, chỉ cần một hình ảnh gây cảm xúc cho trẻ thì sẽ thu hút chúng. Tuổi của các em quan tâm đến điều gì, các em sẽ tiếp nhận điều ấy, thích chi tiết nào sẽ đọc sách thể loại đó. Cho nên khi trẻ đọc những cuốn sách có thể lớn hơn tuổi một chút thì phụ huynh cũng đừng quá lo lắng, bởi trẻ con tiếp thu theo cách của trẻ con”. Có những cuốn sách chúng ta không muốn cho con mình đọc, nhưng thực tế, càng cấm các em càng đọc, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay. Cho nên, “việc giáo dục, hình thành nhận thức cho các em quan trọng hơn là cấm đoán. Với trẻ em, có lẽ giáo dục hiệu quả nhất là không giáo dục gì cả. Đừng cấm đoán mà hãy để mọi việc diễn ra tự nhiên như sự hồn nhiên của các em vậy” - PGS.TS. Lưu Khánh Thơ tiếp lời.

Cha mẹ chính là những người hiểu con cái nên cần quan tâm và biết con thích gì. Hãy biến đọc sách thành niềm vui chứ không phải nhiệm vụ. Hình thành kỹ năng đặt câu hỏi, gợi ý cho trẻ, đặc biệt việc sử dụng sơ đồ tư duy hình ảnh giúp trẻ nhớ được các câu chuyện nhờ các từ khóa cũng cần vận dụng linh hoạt. Khi được hỏi có cần “giao nhiệm vụ” cho trẻ đọc quyển sách mà phụ huynh từng yêu thích không, TS. Nguyễn Thụy Anh đưa ra lời khuyên: đối với việc đọc sách, không nên áp đặt cho trẻ phải giống như mình mà chỉ nên giúp các em nảy sinh nhu cầu tìm hiểu về sách. Ví dụ, cha mẹ có thể đặt ra những câu hỏi về từng chi tiết trong sách, khuyến khích trẻ quan sát, suy nghĩ, để trả lời câu hỏi, khiến trẻ trở nên hào hứng đi tìm lời giải qua những trang sách, hoặc kích thích sự phản biện để cùng thảo luận với con về những điều rút ra từ cuốn sách. “Khi chúng ta đọc có sự chia sẻ và thảo luận một cách nghiêm túc nhưng vui vẻ, con sẽ thực hiện tự nhiên mà không miễn cưỡng. Đặc biệt, một số lời khen đúng lúc và hợp lý khiến trẻ càng tự hào, say sưa, muốn chia sẻ... Đây cũng là khoảng thời gian cha mẹ có thể nói với con được nhiều điều, được giao lưu cảm xúc cùng con, hiểu thêm tâm tư, tình cảm của con”.

Có một sai lầm mà nhiều bậc cha mẹ mắc, đó là bó hẹp cách tiếp nhận sách của trẻ bằng cách thức cổ điển như buộc trẻ phải rút ra bài học sau khi đọc sách. TS. Nguyễn Thụy Anh “rất sợ kiểu đọc khuôn mẫu như ở trường”. Bởi trẻ em vốn có tiềm năng đọc, trong khi đó khuôn mẫu lại khiến đứa trẻ không được tự đọc theo cách riêng để có thể kích thích sự tưởng tượng và nhìn thấy cả những gì văn bản không có. “Vì vậy, các bậc phụ huynh đừng bắt con đọc theo văn bản hoàn toàn mà hãy xem trẻ còn nhìn thấy gì, nghe thấy gì, ngửi thấy mùi hương nào... Đó mới chính là kỹ năng đọc cùng con”.


Theo daibieunhandan

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng