Văn nghệ trong nước
Trường quay điện ảnh: Cần quá mất rồi! (24/04/2009)
14:33 | 24/04/2009
Thời điểm này, Dự án phục hồi, nâng cấp, cải tạo trường quay Cổ Loa đang triển khai ở giai đoạn 1. Vẫn còn ngổn ngang, dang dở và hoang tàn nhưng đã có không ít đoàn làm phim rậm rịch tìm đến để “thuê”, mượn mặt bằng dựng bối cảnh, trong đó có đoàn phim Trần Thủ Độ với kế hoạch dựng một bối cảnh ngoại trên diện tích 5 ha.
Trường quay điện ảnh: Cần quá mất rồi! (24/04/2009)
Phim trường nước ngoài- ảnh mang tính minh hoạ

Điện ảnh -truyền hình đều khát trường quay

Vẫn biết  làm phim không thể thiếu trường quay nhưng từ nhiều năm nay Điện ảnh VN vẫn làm phim trong điều kiện “vác máy chạy rông”. Đơn cử như cảnh quay Bác Hồ ở Bắc Bộ Phủ (phim Hà Nội mùa Đông năm  46), đoàn phim phải tìm kiếm mãi mới chọn được một phòng ở Bệnh viện K; Căn hộ của gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (phim Đừng đốt) được dựng trên cơ sở hoang tàn của một khu nhà ở khu tập thể Kim Liên vừa giải tỏa để phá dỡ  xây mới; đoàn phim Chớp mắt cùng số phận  thì chạy về tận Nam Định để thực hiện những cảnh phố phường Hà Nội cách nay 40 năm... Trong nhiều trường hợp, bối cảnh đi “mượn”  thường không đáp ứng được yêu cầu như mong muốn.

So với điện ảnh, phim truyền hình không quá phức tạp về bối cảnh nhưng cơn “khát” trường quay xem ra còn trầm trọng hơn vì số lượng phim sản xuất hằng năm ngày càng tăng, gấp vài chục lần phim truyện nhựa. Để đối phó với việc thiếu trường quay, các đoàn phim giao phó việc mượn bối cảnh cho các bầu diễn viên, hoặc các diễn viên mà khán giả đã quen mặt. Những người này tận dụng sự “nổi tiếng” để năn nỉ, mượn điểm quay.  Nhưng chỉ sau ngày quay thứ nhất, chủ nhà đã chán ngấy đoàn làm phim vì bị “làm phiền”.  Không có tiền đi thuê bối cảnh khác, lại  bị áp lực “tiến độ” thúc giục nên phần lớn các đoàn phim trong những trường hợp “sắp bị đuổi” này phải ứng tác bằng cách chỉ những thành phần phải quay mới vào bối cảnh, còn lại kéo ra góc đường đứng chờ như một gánh hát rong. Cũng có nhiều trường hợp, đoàn phim phải dừng quay hoặc cắt bớt nội dung, chỉnh sửa câu chuyện trong kịch bản vì không còn bối cảnh để quay...

Khắp nơi rộn rạo kế hoạch xây phim trường

Để giải cơn khát trường quay, một số doanh nghiệp tư nhân đã xoay xở vào cuộc. Nghệ sĩ Chánh Tín bạo dạn  huy động 1 triệu USD xây dựng trường quay nội với diện tích 2.000m2 tại Khu công nghiệp Tân Thới Nhất (quận 12, TP.HCM). Công ty cổ phần Trí Việt khởi công xây dựng trường quay trên diện tích 10 ha với số vốn đầu tư ban đầu là 20 triệu USD. Công ty Gia đình Việt  có dự án  trường quay nội và ngoại cảnh trên diện tích 2 ha.  Công ty  CJ Media cùng 3 đối tác khác vừa khánh thành một phim trường ngoại cảnh rộng 15.000m2, nội cảnh rộng 4.000m2 nằm trên địa bàn quận 9 và 2 phục vụ cho việc làm phim truyền hình của Hãng Vifa. Ở phía Bắc, Công ty Mesa đã đưa vào sử dụng một khu phim trường  quay tại Mỹ Hào (Hưng Yên) gắn liền với sự lên sóng của bộ phim Những người độc thân vui vẻ. Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW thì khai trương khu trường quay 300m2 đạt tiêu chuẩn quốc tế chuyên phục vụ làm phim khoa học. Hãng phim Hoạt hình VN  thì đang triển khai  xây dựng trường quay nội khoảng 200m2, đáp ứng công nghệ làm phim 3D... Ngoài ra,  tại tỉnh Bình Dương, khu Du lịch văn hoá Đại Nam  được xây dựng  với quy mô trên 300 ha nhưng các công trình xây dựng nơi đây  được  quy hoạch chủ yếu phục vụ kinh doanh du lịch nên việc sử dụng bối cảnh phim cũng bị hạn chế. VTV cũng  đang chuẩn bị xây dựng một khu  trường quay  cách Hà Nội gần 20 km với diện tích gần 7 ha, bao gồm 3-4 studio  (1.000 m2/studio)  và hệ thống khu ngoại cảnh gồm bối cảnh  thành phố, nông thôn, phố cổ. Tuy nhiên, để dự án này hoàn thiện và đi vào khai thác sử dụng chắc cũng mất 2-3 năm nữa. Vì thế,  cơn khát trường quay  xem ra còn lâu mới có thể... hạ nhiệt.

Chưa xong... vẫn phải  dùng

10 tỷ đồng đã được “rót” cho giai đoạn 1 cải tạo,  nâng cấp, phục hồi khu trường quay Cổ Loa  xây dựng cách nay hơn 40 năm và đã  “bỏ hoang” nhiều năm không sử dụng. Có tiền, khu trường quay “già cỗi”  cựa quậy cho một cuộc lột xác. Hai nhà công vụ diện tích 200m2  đang được sửa chữa để phục vụ  việc ăn ở của các đoàn làm phim; tháng 5 tới sẽ khởi công sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trường quay Đức;  giải phóng, san lấp mặt bằng trên diện tích khoảng 5 ha để phục vụ việc xây dựng bối cảnh ngoại của đoàn phim Trần Thủ Độ... Vẫn đang rất ngổn ngang, thậm chí vẻ “hoang tàn” vẫn chưa thay đổi là mấy, nhưng nhu cầu sử dụng  trường quay thì  cần lắm rồi. Bất luận khu trường quay nội đang xập xệ, xuống cấp, các đoàn phim vẫn tìm đến. Chơi vơi đến dựng cảnh; rồi Mùa hè lạnh lẽo, Trần Thủ Độ v.v...  Cũng vì thiếu trường quay nên đạo diễn Ngô Quang Hải buộc phải chấp nhận phá dỡ bối cảnh khách sạn  sử dụng cho phim Mùa hè lạnh lẽo  nhưng chưa quay vì đang tìm kinh phí để phim Trần Thủ Độ vào... tiến độ.  Được biết,  Ngô Quang Hải đã chi tiền túi hơn 100 triệu để dựng bối cảnh khách sạn  tại trường quay nội ở Cổ Loa và việc dỡ bỏ bối cảnh cũng đồng nghĩa với... “đi tong” số tiền này. Phải chấp nhận thôi, vì nhiều đoàn phim đang cần trường quay mà Mùa hè lạnh lẽo thì không biết đến khi nào mới bấm máy. Thông cảm với đạo diễn Mùa hè lạnh lẽo, đoàn phim Trần Thủ Độ đã  mua lại  một số vật liệu dỡ ra từ bối cảnh  để tận dụng cho các bối cảnh mới. Trên diện tích đất mà bối cảnh   Mùa hè lạnh lẽo vừa dỡ đi, Hãng phim Truyện 1 đã triển khai xây dựng  2 bối cảnh nội: -  Khu miếu hoang- nơi mà quân  của Quách Bốc trên đường tiến về kinh thành đã nghỉ qua đêm, bắt được Trần Thị Dung và sau đó Trần Thủ Độ đã đến giải thoát Trần Thị Dung và bối cảnh nhà giam trong kinh thành (trên 240 m2) – nơi Trần Thủ Độ  khi lên kinh thành bị tạm giam tại đây. Với 9 phòng giam, một phòng tra tấn, phòng của các cai ngục cùng  hệ thống hành lang ngang, dọc ngầm dưới đất, v.v... được thiết kế một cách công phu, khu nhà giam là một trong những bối cảnh hoành tráng đáp ứng các yêu cầu về tạo hình và không gian diễn xuất của diễn viên mà nếu... mượn bối cảnh chắc chắn không khi nào đạt được. Theo kế hoạch, ngày 2.6.2009 đoàn phim  Trần Thủ Độ sẽ bấm máy 2 bối cảnh nội. Đồng thời triển khai xây dựng bối cảnh ngoại- kinh thành Thăng Long trên diện tích 5 ha đất vừa được giải phóng mặt bằng và san lấp.

Trong lúc đoàn phim Trần Thủ Độ xây dựng bối cảnh và quay thì việc cải tạo, nâng cấp  trường quay Cổ Loa vẫn tiếp tục triển khai. Mới đây, ông Nguyễn Văn Nhiêm, Giám đốc Khu trường quay Cổ Loa đã báo cáo lãnh đạo Bộ VH,TT&DL kế hoạch giai đoạn 2 của Dự án. Theo đó, xin xây 2 trường quay 2.000m2/trường quay; một trường quay 1.000m2; trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng cho trường quay nội; xây dựng nhà điều hành Trung tâm... Song song với kế hoạch cải tạo, phục hồi, xây dựng mới các thiết chế  trường quay, công tác đào tạo  đội ngũ phục vụ trường quay, điều hành nhà công vụ cũng được triển khai trong giai đoạn thực hiện này. 

                                                                                                                         Theo VHO

Các bài mới
Các bài đã đăng