Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo
Không hiểu sao mỗi khi nghĩ về các nhà văn, nhà báo – những người cầm bút, đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc – Kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954) và Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) là trước mắt tôi lại hiện lên những vầng sáng. Ấy là thứ ánh sáng “hắt từ hè phố ra từng mảng ánh sáng vuông vắn” nơi Hàng Ngang, Hàng Đào mùa năm 1946 mà Trần Đăng (Phóng viên báo Quân đội Nhân dân) gọi là “thứ ánh sáng phù hoa” trong tác phẩm “Một lần đến Thủ Đô” nổi tiếng của ông... Ấy là thứ ánh sáng huyền ảo của “Sắc cầu vồng” trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Trọng Định (phóng viên báo Nhân Dân): “Trước những cơn mưa ẩm ướt! Đột nhiên một sắc màu cầu vồng”... Và ấy là: “cái vầng sáng” của nhớ thương, vẫy gọi trong thơ Lê Anh Xuân: “ Cái vầng sáng bồi hồi nhớ thương ấy! Cứ đêm đêm thao thức gọi ta về”...
Người ta nói những vầng sáng kia là vầng sáng của trí tuệ, của tài năng; là cái thế của ngòi bút; là sự gắn bó của niềm tin và là nhân cách của những người làm báo cách mạng. Gọn lại, tức là cái tài năng và lý tưởng của người cầm bút.
Còn nhớ cách nay hơn 60 năm, khi cuộc kháng chiến chống thức dân Pháp còn đang trong giai đoạn khó khăn ác liệt nhất, Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc lớp báo chí kháng chiến mang tên Huỳnh Thúc Kháng tại ấp Bờ Rạ (xã Tân Thành, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Bờ Rạ giờ đã nẵm gọn trong lòng hồ Núi Cốc mênh mông và tươi đẹp - địa chỉ lý tưởng của du lịch “về nguồn”, về với ATK, Thủ đô kháng chiến những năm chưa xa...
Về dự lớp có 42 người (3 nữ), trong đó có những tên tuổi sau này như: Đạo diễn Bành Châu, đạo diễn Trần Vũ; các nhà văn, nhà thơ: Hữu Mai, Từ Bích Hoàng, Hải Như; các nhà báo Lý Thị Trung, Mai Cương, Thép Mới, Trần Kiên, Mai Thanh Hải...
Trần Đăng phóng viên báo QĐND, “người văn nghệ binh thứ nhất ngã xuống trên chiến trường”
Ngay trong buổi khai giảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, đã đọc diễn văn, nói rõ: “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả” (Theo xã luận Báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày 12/9/1949 tại Việt Bắc). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các học viên. Thư có đoạn viết:
“1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.
2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì:
3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy:
4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì:
5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và:
6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.
Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây:
Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều.
Không biết giữ bí mật.
Đôi khi đǎng tin vịt.
Hay dùng chữ Tàu quá, và nhiều khi dùng không đúng. Hoặc là in nhem nhuốc, luộm thuộm, hoặc là vì "mỹ thuật" mà cắt một bài ra hai ba đoạn, khó đọc.
Tin tức chậm.
Tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì viết dài và in chữ to. Tờ báo không vui vẻ. Muốn viết bài báo khá thì cần:
1. Gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.
2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người.
3. Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít vǎn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu.
4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Nghe nói có ba cô đến học viết báo, đó là một điều đáng mừng cho báo chí ta. Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng! (Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5. tr.625, 626)
Mục tiêu của lớp học mang tên một nhà yêu nước, một trí thức lớn năm ấy được Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ nêu ra thật giản dị. Âý theo tôi là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, là câu chuyện “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” – một vấn đề thời sự mà hôm nay chúng ta vẫn thường ngày nhắc tới. Ấy là “những đức tính căn bản cho một ký giả”: “gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ”; “gần gụi dân chúng”, “ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài” và “nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát”...
Rồi cũng chỉ sau khi Lớp báo chí mang tên cụ Huỳnh - lớp học về báo chí đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam khai mạc được ít tháng, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa-Thái Nguyên) diễn ra một sự kiện trọng đại đối với giới báo chí Việt Nam (ngày 21/4/1950). Đó là Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam), mở ra một trang sử mới cho giới thông tin, báo chí Việt Nam. Mục đích tôn chỉ của Hội Những người viết báo Việt Nam ngay từ khi mới ra đời là nhằm góp phần đưa kháng chiến đến thành công, đồng thời đề ra nhiệm vụ lâu dài: Phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng ấy quán xuyến mọi hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam hơn 60 năm qua.
Thực tiễn hoạt động báo chí cách mạng nước ta từ ngày lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng khai giảng (6 năm 1949) đến nay đã khẳng định vai trò quan trọng và những đóng góp tích cực của báo chí trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Đúng như lời khẳng định của Bác Hồ: “ Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa...”. ( Hồ Chí Minh toàn tập - tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia - 2000, tr.616)
Năm 1997, Nhà xuất bản Chính trị quốc ra mắt bạn đọc trọn bộ 2 tập cuốn "Thời gian và nhân chứng” của Giáo sư Hà Minh Đức. Bộ sách gồm 30 hồi ký của nhà báo có tên tuổi trong làng báo Việt Nam từ trước và cả sau lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng như: Thanh Châu, Trần Bạch Đằng, Hà Đăng, Hồng Hà, Thanh Hương, Trần Kiên, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Thành Lê, Hồng Lĩnh, Hiền Nhân, Hữu Ngọc, Hoàng Tùng, Phan Quang, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Minh Vỹ... Tác giả của công trình, Giáo sư Hà Minh Đức tâm sự: “ Công tích kinh nghiệm của các anh chị rất lớn. Đã đến lúc các thế hệ kế tiếp cần tìm hiểu học tập những kinh nghiệm quý báu mà các anh chị để lại. Nhiều nhà báo chỉ đóng góp cho Thời gian và nhân chứng một đoạn đường, một vài khoảnh khắc trong dòng chảy xiết cùa cuộc đời hoạt động báo chí, nhưng như thế cũng đã rất đáng trân trọng...”. Giáo sư viết tiếp: “Các anh chị chưa thể đủ làm nhân chứng cho cuộc đời này và cũng không thay thế được hàng ngàn, vạn người có mặt ở chiến trường, hậu phương, thành thị, làng quê, biên giới, hải đảo đã tham dự vào những sự kiện chính trị, xã hội, nhưng các anh, các chị là những nhân chứng đáng tin cậy. Với nhiệm vụ và chức năng của nhà báo, các anh, chị đã có mặt trên tất cả các trận tuyến của cách mạng, của cuộc sống và đã hoàn thành trách nhiệm của mình” (Hà Minh Đức – Thời gian và nhân chứng , tập 2 – Nxb Chính trị Quốc gia, 1997. tr 8, 9)
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925 – 2015), nhớ về những năm tháng khai mở Lớp báo chí mang tên nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, đọc lại những dòng kỷ niệm hồi ức, kỷ niệm của những nhà báo gạo cội của báo chí cách mạng kháng chiến qua ngòi bút của một vị giáo sư khả kính, những người làm báo, viết báo hôm nay không khỏi bồi hồi nhớ về những lời dạy bảo chân tình của Bác Hồ cùng những kinh ngiệm đựoc rút ra từ cuộc đời làm báo trong bão lửa chiến tranh và đói nghèo một thuở của các bậc làm báo lão thành.
Âý là những câu hỏi Bác Hồ đã từng đặt ra từ tháng 8 năm 1953 khi tại một lớp chỉnh đảng, những câu hỏi mà suốt đời của người viết báo phải nằm lòng: “viết cho ai ?”, “viết để làm gì ?” và “viết cáí gì?” (Hồ Chí Minh toàn tập, sdd, tập 7, tr117, 118). Trong thư gửi cho lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng năm ấy, Bác viết rất rõ “ Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng.”... Và Người nhấn mạnh: “ Muốn viết bài báo khá thì cần: 1. Gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người. 3. Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít vǎn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu. 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...”
Trong cuộc chạy đua thông tin, hiện nay, báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả phải xây dựng được niềm tin với công chúng. Bạn đọc là sống còn đối với báo chí. Bạn đọc và công chúng quyết định sự tồn tại của nhà báo. Hiện báo chí ta đang mất dần công chúng, đó là một thực tế. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Đó là lời dặn ân cần của Bác Hồ với giới báo chí; đồng thời cũng là một thông điệp từ Lớp báo chí đầu tiên của nước Việt Nam mới mang tên Huỳnh Thúc Kháng gửi đến báo chí hôm nay.
Sinh thời, nhà báo lão thành Hoàng Tùng trong một cuộc trò chuyện với Giáo sư Hà Minh Đức đã nói đến cái thế của ngòi bút là cái thế chính nghĩa, chân lý của tinh thần bảo vệ độc lập, tự do và nhân quyền (Thời gian và nhân chứng. sdd, tr 447). Ông nổi tiếng không chỉ là tác giả của những bài xã luận bình luận trên các tờ Sự Thật, Nhân Dân và Tạp chí Cộng Sản mà còn là người chủ trương phát hiện các nhân tố mới, nhân rộng điển hình tiên tiến là cách làm truyền thống, mang lại nhiều thành quả cho báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà báo lão thành Hà Đăng cho biết nhà báo Hoàng Tùng đã chỉ đạo cán bộ, phóng viên Báo Nhân dân đi vào cuộc sống, viết về các nhân tố mới, điển hình mới, từ đó phát hiện sớm những nhân tố đầu tiên của đổi mới. Vào những thời điểm có tính bước ngoặt, nhà báo Hoàng Tùng đã xông thẳng vào những vấn đề đang còn nhiều tranh cãi, chưa ngã ngũ.
Điển hình là vào năm 1979, khi dân tìm cách bung ra sản xuất, trong xã hội và đang đang le lói những ánh sáng đổi mới đầu tiên, cũng là lúc diễn ra tranh cãi gay gắt về phương thức tiến lên, nhà báo Hoàng Tùng đã viết những bài xã luận đăng trên báo Nhân Dân "Nhiệt tình cách mạng và quy luật khách quan" và "Động lực tinh thần và lợi ích vật chất" gây chấn động dư luận. Báo Đảng với sự tiếp sức của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng đã sôi nổi cổ vũ nhiều phong trào hành động cách mạng như Thanh niên "Ba sẵn sàng,"Phụ nữ "Ba đảm đang," "Đại phong" trong nông nghiệp; "Duyên hải" trong công nghiệp, "Ba nhất" trong quân đội.
Đó là bài học gần dân.
Hữu Thọ là một nhà báo lão luyện, tác giả của hơn hai chục cuốn sách, trong đó có những cuốn nổi tiếng như “Những ngày chưa xa”, “Người hay cãi”; “Theo bước chân đổi mới”; “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”...
Làm sao để “mỗi tờ báo là một ao ước của nhân dân” luôn là trăn trở của ông. Trả lời câu hỏi của phóng viên Phùng Nguyên (báo Tiền phong): “Với tư cách một bạn đọc, ông có nhận xét gì về báo chí hiện nay?” ông nói: “Đọc báo bây giờ thông tin phong phú hơn, đa dạng hơn nhưng thông tin không nhiều chiều. Nhiều tờ báo chủ yếu nói chuyện trên xuống, chủ yếu phổ biến, giải thích, quán triệt, ít chú ý chiều dưới lên, phản ánh chính sách trong thực tế, phản ánh lòng dân, chỉ có chiều tung, ít có chiều hoành. Mạng xã hội phát triển nhanh hơn, đa dạng hơn đặt ra vấn đề báo chí hiện nay có khả năng chi phối xã hội không? Nếu không thông tin nhanh, mở rộng thông tin nhiều chiều, xông vào những vấn đề bức xúc của xã hội thì không thể chi phối, hướng dẫn dư luận xã hội. Tôi quan sát ở quầy báo, cùng với việc cổ vũ nhân tố mới, nhận thấy bạn đọc thích những tờ báo dám chống tiêu cực và phản biện. Nếu làm được như thế thì mỗi tờ báo là một “ước ao của nhân dân” như Bác Hồ nói (Tiền Phong 21/6/2012).
Nhà báo Hữu Thọ viết: “Làm báo trung thực, công bằng, đúng mực thì sẽ được tin cậy; sự tin cậy của xã hội là phần thưởng cao quý nhất đối với người làm báo" (Trong sách “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc" – Nxb Giáo dục, 2001).
Đó cũng là bài học gần dân...
Và còn nhiều lắm, nhiều lắm những nhà báo, những tác phẩm báo chí gần dân khác. Điều này lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 80 năm qua đã ghi.
Thế đấy, để có một nền báo cách mạng, một tủ sách về nghề báo đồ sộ và sáng đẹp viết đất nước, nhân dân trong những năm nửa sau thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI những người cầm bút chân chính thế hệ nối tiếp thế hệ đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, trăn trở, thăng trầm; nhiều khi không chỉ có “lao tâm khổ tứ” mà còn phải đánh đổi bằng chính tuổi trẻ và xương máu của mình. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của họ là sản phẩm của một lịch sử tất yếu và khắc nghiệt. Họ chỉ là một mảnh nhỏ, một góc hẹp, một giọt nước mong manh, nhưng qua đó cũng có thể thấy hiện lên, sâu thẳm cả cuộc chiến tranh anh hùng và đau đớn cùng những tháng năm bắt đầu đổi mới với biết “bao nhiêu là bỡ ngỡ, dằn vặt, khó khăn giống như một cuộc lột vỏ da non mới mọc chưa lành, một cái gì chạm phải cũng nhỏ máu” (nói theo cách nói của nhà văn Nguyễn Đình Thi) mà dân tộc ta đã phải cắn răng đi qua để có được hôm nay.
Và như thế, những vầng sáng mà những nhà báo liệt sĩ nói tới năm nào thực sự đã trở thành những vầng sáng để chúng ta vượt lên, đi tới.
Thập Tam trại, đầu mùa hè năm 2015
Theo NGÔ VĨNH BÌNH - VNQD