Việc xác định ảnh báo chí có được chỉnh sửa hay không hoặc ảnh báo chí có cần nghệ thuật hay không là điều không dễ dàng đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh hiện nay. Bởi, trong thời đại phát triển của công nghệ số, ranh giới giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật vừa rõ ràng nhưng đôi khi lại rất mong manh.
Mấy ngày qua, đã có nhiều ý khiến tranh cãi xung quanh tính chân thực của thể loại ảnh báo chí trong bức ảnh Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác của cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính đã từng tham dự Visa pour I’Image Perpignan 2014 - festival nhiếp ảnh báo chí lớn nhất thế giới tổ chức hằng năm ở thành phố Perpignan, miền Nam nước Pháp. Không những thế, vào giữa tháng 4.2015 vừa qua, Ban tổ chức Visa pour I’Image Perpignan tiếp tục giới thiệu triển lãm này tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Bức ảnh Bộ đội đu dây của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính một lần nữa được chọn in poster chính cho triển lãm. Tuy nhiên, trong một lần gặp gỡ phỏng vấn nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính tại nhà riêng, nhiếp ảnh gia người Đan Mạch Jorn Stjerneklar đã được xem cuốn sách ảnh Khoảnh khắc của Đoàn Công Tính in năm 2001 và ông phát hiện ở trang thứ 162, bức ảnh Bộ đội Trường Sơn đu dây khác hẳn bức ảnh ông thấy tại festival Visa pour I’Image Perpignan 2014. Và ông đã hỏi tác giả tại sao hai bức ảnh lại có sự khác nhau như vậy, và đã được nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính giải thích rằng do phim gốc bị hư nên ông đã đem đến phòng lab nhờ họ dùng kỹ thuật photoshop để tạo thêm phông nền là thác nước để hoàn chỉnh bức ảnh.
Trước sự việc này, nhiều ý kiến cho rằng đã là ảnh báo chí phải tôn trọng tối đa sự thật, không được làm sai lệch bất cứ chi tiết nào.
Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Việt Văn đã chia sẻ tại một cuộc hội thảo về nhiếp ảnh rằng, nếu đặt câu hỏi “ảnh báo chí có cần nghệ thuật không” sẽ là câu hỏi thừa, bởi lẽ nghệ thuật nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng, của con mắt nhìn và nó nằm trong nghệ thuật thị giác. Bởi vậy, dù là ảnh báo chí hay ảnh nghệ thuật thì ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người xem vẫn nằm ở các yếu tố thị giác: ánh sáng, màu sắc, đường nét, bố cục. Vấn đề là tính nghệ thuật trong ảnh báo chí đóng vai trò như thế nào? Ở đây phải xác định rõ sức mạnh và đặc trưng của ảnh báo chí là tính thông tin. Vì thế, nếu đó là một sự kiện tức thì xảy ra đòi hỏi phóng viên phải bấm máy ngay thì các yếu tố thuộc về bố cục và tạo hình ở đây sẽ tùy thuộc vào phản xạ đã “ăn” vào máu người chụp. Tuy nhiên, với một bức ảnh ghi lại một sự kiện nổi bật, thì trong trường hợp này có ảnh mới là quan trọng. Bức ảnh không cần đẹp mà cần thông tin.
Việt Văn cũng đưa ra một ví dụ về bức ảnh đoạt giải ảnh báo chí năm 2013 do Tập đoàn World Press Photo (WPP) tổ chức, trong đó bức ảnh của nhiếp ảnh gia Paul Hansen (Thụy Điển) chụp mấy người đàn ông ướt đẫm nước mắt đang bồng thi thể hai em nhỏ Palestine thiệt mạng do tên lửa Israel phóng vào dải Gaza đã làm xúc động hàng triệu người. Tuy nhiên, sự tranh cãi bùng lên khi chính tác giả ảnh đã thừa nhận có “xử lý” ảnh. Paul Hansen đã dùng phần mềm máy tính để từ bức ảnh “thô” (file gốc) tạo ra nhiều bản copy có độ tương phản ánh sáng khác nhau, sau đó trộn tất cả những bản copy lại thành một bức ảnh duy nhất, có độ nét cao và màu sắc mạnh mẽ hơn. Việc trộn này sẽ giải quyết làm rõ chi tiết trong phần tối và góp phần làm không khí ảnh kịch tính hơn. Tuy nhiên, việc làm này của nhiếp ảnh gia Paul Hansen đã làm giải thưởng lớn của ông bớt “lung linh” hơn.
Bức ảnh Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác của cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính đang gây tranh cãi Ảnh Internet
Nhà nhiếp ảnh Mai Nam cũng cho rằng, nhà nhiếp ảnh chụp ảnh coi như đi lấy tài liệu theo một ý tưởng nào đấy, rồi sắp xếp, lắp ghép và điều chỉnh bằng kỹ thuật photoshop để cho ra một tác phẩm theo ý muốn mà không cần thời cơ bấm máy. Rõ ràng là tính làm chứng, tính tư liệu, tính khoảnh khắc của nhiếp ảnh đã không còn nữa. Những bức ảnh như vậy đã không còn khác mấy với tác phẩm hội họa. Vì vậy, chấp nhận ảnh photoshop là một thể loại ảnh nghệ thuật, nhưng nhiếp ảnh nghệ thuật truyền thống vẫn giữ nguyên giá trị của nó, bởi sáng tạo một tác phẩm theo phương pháp phóng sự truyền thống bao giờ cũng có giá trị xã hội cao, vì nó được ghi lại trong khoảnh khắc của cuộc sống thực, ngoài giá trị nghệ thuật của nó, nó còn là một tư liệu lịch sử có giá trị lâu dài.
Có thể thấy, có rất nhiều bức ảnh đã như một lời nhắc nhở về sự tàn khốc của chiến tranh để chúng ta thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và tự do. Trong những ngày này, đến với Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội, công chúng Thủ đô sẽ được chiêm ngưỡng 50 bức ảnh trong di sản đồ sộ về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam do Hãng thông tấn Mỹ AP giới thiệu. Trong số 50 tác phẩm đang được trưng bày, có những tác phẩm từng giành giải thưởng Pulitzer, và cũng là những hình ảnh thế giới nhớ nhất về cuộc chiến này. Như bức ảnh của phóng viên Eddie Adams chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng trưởng Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, dùng súng lục bắn vào đầu Nguyễn Văn Lém, người bị tình nghi là Quân giải phóng trên một con phố Sài Gòn vào thời điểm đầu cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968; hay bức ảnh em Kim Phúc bị bỏng bom napalm năm 1972 của phóng viên Nick Út; tấm hình của Malcolm Browne chụp nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963...
Khi xem những bức ảnh tại cuộc triển lãm này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhận định: “Tin và ảnh của Hãng AP trong những năm chiến tranh đã góp phần giúp dư luận Mỹ và quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, giúp tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước sau chiến tranh. Bộ sưu tập ảnh của những phóng viên ảnh xuất sắc nhất của AP đã ghi lại những khoảnh khắc, những thảm kịch đối với đất nước và người dân Việt Nam một cách chân thực và ấn tượng. Những bức ảnh này như một lời nhắc nhở chúng ta về sự tàn khốc của chiến tranh để chúng ta thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và tự do”.
Theo Minh Hà - báo VH