Văn nghệ trong nước
Nhà văn 8X gây choáng váng với tiểu thuyết “Cây nước mắt”
08:18 | 29/06/2015

Ngoài việc đã được chuyển thể thành phim, “Cây nước mắt” của nhà biên kịch trẻ 8X Huệ Ninh còn gây choáng váng với khối kiến thức đồ sộ của một người trẻ sinh ra trong thời bình ở đất Bắc, lại tái hiện sâu sắc câu chuyện đầy nhân văn về cuộc tình cặp đôi Pháp - Việt và nỗi thống khổ của những phu phen cao su thời kỳ kháng chiến chống Pháp. 

Nhà văn 8X gây choáng váng với tiểu thuyết “Cây nước mắt”

Vào ngày 26/6/2015 tới đây tại Hà Nội, Nhà biên kịch trẻ Huệ Ninh sẽ giới thiệu tiểu thuyết “Cây nước mắt” dày 718 trang đến với độc giả. Tác phẩm từng đoạt Giải thưởng A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2011. 

Tiểu thuyết gửi gắm một thông điệp về tình yêu, chỉ có tình yêu trong sáng, chân thành, không vụ lợi mới khiến cho con người trở nên cao đẹp, đủ nghị lực vượt qua những bão giông của cuộc đời và cùng nhau quay về một hướng. Chính vì thế, “Cây nước mắt” đã được chuyển thể thành phim truyện truyền hình 35 tập với tựa đề gốc của tác phẩm, do Hãng phim Truyền hình TPHCM và Hãng phim Cửu Long hợp tác sản xuất, dự kiến phát sóng vào tháng 7/2015. 

“Cây nước mắt” kể về chuyện tình lãng mạn, éo le giữa ông chủ người Pháp và cô phu cao su người Việt. Chuyện bắt đầu vào thời điểm những năm 40 của thế kỷ trước và kết thúc bằng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. 

Tác phẩm là một bức tranh hiện thực sinh động, thấm đẫm máu, nước mắt, kể về nỗi thống khổ của những phu phen cao su thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chế độ lao động hà khắc, bị bóc lột tàn tệ, con người không khác gì con vật, có khi chỉ là thứ đồ chơi trong tay những tên chủ đốn cùng bọn xu cai tàn bạo. Nhưng nổi lên vẫn là tinh thần yêu nước, gắn kết với nhau để chiến đấu cho chính nghĩa của những phu phen trong hoàn cảnh khốn cùng ấy. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả để hướng đến tương lai tươi sáng. 

Tiểu thuyết của nhà biên kịch Huệ Ninh thể hiện cái nhìn đa chiều với hiện thực lịch sử, không cực đoan chủ nghĩa. Tác phẩm đã làm nổi bật hình tượng của lực lượng tiến bộ người Pháp, yêu chuộng hòa bình. Đó là lực lượng đối trọng với các thế lực đen tối thời bấy giờ. Khẳng định chân lý, tình yêu luôn có tiếng nói chung, bất chấp mọi ranh giới, rào cản. 

“ Đây là một trong số ít người trẻ viết về cuộc cách mạng Việt Nam từ trước năm 1945 đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Là tác phẩm văn học nghệ thuật quy mô hiếm hoi về ngành cao su Việt Nam. Là tác phẩm ít ỏi viết về tình hữu nghị Việt - Pháp, khai thác những nét văn hoá, tính cách con người Pháp ”, Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng đánh giá tác phẩm. 

 

  Ảnh minh họa

  Kyo York và Linh Chi đảm nhận vai chính trong phim


Tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim truyện truyền hình 35 tập với tựa đề gốc: “Cây nước mắt”, do Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS) và Hãng phim Cửu Long hợp tác sản xuất. Đạo diễn Phan Hoàng và Xuân Hiệp. Dự kiến phát sóng vào tháng 7/2015 trên Đài truyền hình HTV. Phim có sự tham gia diễn xuất của Kyo York, Hồng Ánh, Linh Chi, Quách Tĩnh… 

Nguyễn Thị Huệ Ninh là một cây bút trẻ có bút lực dồi dào. Cô từng xuất bản Tập truyện ngắn “Kho báu” - NXB Thanh Niên, năm 2005; Tập truyện ngắn “Huyền thoại biển” - NXB Lao Động, năm 2006; Tập truyện ngắn “Hạnh phúc giản đơn” - NXB Văn học, năm 2008; Tập sách chuyên luận nghiên cứu: “Tiếp thu giá trị văn học dân gian để viết kịch bản phim truyện truyền hình Việt Nam”, đạt giải “Cánh diều bạc” của Hội điện ảnh Việt Nam, năm 2013.

Theo Mạnh Trần - Vnmedia

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng