Văn nghệ trong nước
“Dặm dài đã qua” - Hồi ức đau thương của chiến binh 12 tuổi
15:02 | 28/04/2009
12 tuổi - đối mặt với ma tuý, giết người, với những cuộc chiến đẫm máu… hồi ức của Ishmael Beah về cuộc đời chiến binh của mình trong “Dặm dài đã qua” đã gây bàng hoàng cho hàng triệu độc giả trên thế giới.
“Dặm dài đã qua” - Hồi ức đau thương của chiến binh 12 tuổi

Chiến tranh như thế nào qua đôi mắt của một người lính trẻ thơ? Làm thế nào để trở thành một kẻ giết người? Phải ngừng mọi thứ lại thế nào đây? Vấn đề “lính trẻ em” là đề tài rất được giới phóng viên nhà báo, và những tiểu thuyết gia quan tâm. Họ đã phải vất vả để có thể tìm hiểu và tưởng tượng ra cuộc đời của chúng diễn ra như thế nào.

Thực tế chưa có một người nào từng kinh qua những trải nghiệm địa ngục trần gian ấy mà còn sống sót để kể lại. Ishamael Beah đã may mắn sống sót và kể lại mọi chuyện như một hồi ức đau thương, một lời tố cáo chân thực và một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho toàn thế giới.

“Dặm dài đã qua - Hồi ức một chiến binh trẻ em” (tên gốc A long way gone - Memoirs of a boy soldier) - một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2007 do báo Times bình chọn vừa ra mắt độc giả Việt Nam.

Từ cầm súng…

Cuốn sách kể lại một câu chuyện về cuộc đời chiến binh của cậu bắt đầu từ năm 12 tuổi. Bị cuốn hút theo cơn lốc nội chiến của vùng , Beah lang thang từ làng này đến làng nọ trong một quốc gia bị chia cách bởi sự thiếu suy nghĩ và tàn sát lẫn nhau giữa nhóm những người nổi loạn chống đối và quân đội.

Cậu gia nhập quân đội khi mới 12 tuổi và bắt đầu một cuộc sống triền miên với ma túy và giết người. Đó như việc hàng ngày cậu phải làm cho tới khi 15 tuổi. Ishmael nhanh chóng bị cuốn vào mặt đen tối của cuộc chiến, nơi thật khó phân định người tốt – kẻ xấu. Cũng chẳng lường trước được khi nào cậu sẽ bước qua cái ranh giới mong manh ấy và trở thành một kẻ sát nhân máu lạnh sẵn sàng xả súng giết hại một người vô tội nào đó? Câu hỏi ấy thật nhức nhối và đau đớn.

Sau đó, cậu bị đưa vào một trung tâm hồi phục nhân phẩm được bảo trợ bởi UNICEF và các tổ chức phi chính phủ. Khi anh trở về sống tại thủ phủ của như một công dân bình thường, Beah làm việc với tư cách là người đại diện cho trung tâm này. Năm Beah 17 tuổi, chiến tranh bùng nổ bao phủ khắp thành phố này, cậu quyết định lên đường chạy trốn sang Hoa Kỳ, và sống ở đó cho tới nay.


Những chuyện kể chân thực,
đầy đau thương trong "A long way gone" đã gây bàng hoàng cho
hàng triệu độc giả trên thế giới


Cuốn sách mô tả chân thực lại những âm mưu lợi dụng sự ngây thơ vô tội của trẻ em và lôi chúng vào tham chiến. Họ cho chúng hít ma túy và dạy chúng dùng súng AK- 47s, dạy chúng cách bắn giết người. Có thể nói trẻ em cũng trở thành một chọn lựa để đào tạo thành lính chiến đấu.

….Đến cầm bút

Bằng những trải nghiệm của chính bản thân mình, Ishamael đã kể lại quá khứ đau thương đó như một minh chứng cho những mặt trái ẩn đằng sau mỗi cuộc chiến. Theo thống kê, trong hơn 50 biến cố xung đột đang xẩy ra trên toàn thế giới hiện nay, có tới khoảng 300,000 “lính trẻ em”. Và Ishmael Beah đã từng là một trong những người  lính trẻ em này.

Hiện nay, tác giả đã 26 tuổi và đang là thành viên của hội đoàn nhân quyền bảo vệ và giáo dục trẻ em Human Rights Watch Children’s Division Advisory Committee. Những gì trải qua từ năm 12 tuổi - bị ép buộc tham gia vào cuộc chiến tranh ở Sierra Leone, bị trói buộc bằng ma túy và sau đó tham gia vào những cuộc chiến đẫm máu… là nguồn tư liệu sống quý giá cho cuốn sách “Những dặm dài đã qua”.

Bằng lối viết rõ ràng, rành mạch của một người rất có tài văn chương, cuốn hồi ký A Long Way Gone như đã được định trước để trở thành một câu chuyện lưu danh lịch sử ghi nhận những vấn đề ẩn sâu sau mỗi cuộc chiến và những số phận bi thảm của những người lính trẻ em trong các cuộc xung đột đẫm máu trên toàn thế giới.

Khoảng 50% cuốn sách ghi lại quá trình Beah cố gắng thoát khỏi sự khốc liệt của cuộc nội chiến. 16% của cuốn sách ghi lại thời gian hai năm trong quân đội chính phủ của cậu bé. Nó được khắc họa bằng những hình ảnh chân thực và ác liệt: Beah nhắc lại những lần huấn luyện sử dụng vũ khí, trận chiến đấu đầu tiên (sát cánh bên cạnh và chống lại những binh lính “trẻ con” khác như cậu), những lần hút hít, và cảm giác hoàn toàn thiếu thốn sự cảm thông giữa đồng loại. Cậu miêu tả chân thực về cái chết của những người bạn, về những niềm vui giấu giếm, nỗi cáu giận nuốt vào trong…

Cuốn hồi ký của một cậu bé 12 tuổi, từng cầm súng trong một cuộc nội chiến ở châu Phi, từng làm bàng hoàng hàng triệu độc giả thế giới đã được Công ty Phát triển văn hóa Đại Việt mua bản quyền và tổ chức dịch sang tiếng Việt, Công ty Đông Đô và NXB Văn hóa - Thông tin phối hợp phát hành. Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Hồ Quang chuyển ngữ vừa ra mắt độc giả Việt .

                                                                                                                 Theo VnMedia

Các bài mới
Các bài đã đăng