Văn nghệ trong nước
Nhà văn Thuận: Tôi không lôi kéo độc giả bằng chuyện đời tư
21:51 | 03/05/2009
Trở về Việt Nam để giao lưu với độc giả Hà Nội, tác giả của Paris 11 tháng 8, Made in Vietnam, Chinatown, Vân Vy đã chia sẻ cùng phóng viên Báo Người Lao Động về chuyến đi đặc biệt cũng như những quan điểm của chị về nghề nghiệp, gia đình
Nhà văn Thuận: Tôi không lôi kéo độc giả bằng chuyện đời tư

- Phóng viên: Điều gì đã khiến chị trở lại Hà Nội và nói chuyện viết về Hà Nội với sinh viên?

- Nhà văn Thuận: Sống ở nước ngoài nên tôi hầu như không biết tác phẩm của mình được độc giả trong nước đón nhận ra sao. Lần về Hà Nội này, mục đích chủ yếu của tôi, qua các cuộc giao lưu, không phải là nghe khen hay chê mà là thẩm định trình độ của giới trẻ hiện nay.

“Chủ đề” là từ mà tôi rất ngại. Trong sáng tác, tôi không thích nghĩ tới nó một chút nào, bởi viết theo chủ đề tức là tự hạn chế vào một phạm vi nhất định. Sau này, khi đi giao lưu với độc giả, vấn đề lại có vẻ bị đảo ngược: tôi bắt buộc phải tìm một chủ đề để khoanh vùng cuộc nói chuyện, lý do chủ yếu có lẽ vì tôi có tật nói lan man, từ chuyện này sang chuyện khác mà không kìm được, thấy cái gì cũng quan trọng như nhau, tưởng nói cũng như viết, không cần theo một chủ đề nào cả. Cuối cùng, buổi gặp gỡ ở Khoa Viết văn Trường Đại học Văn hóa khiến tôi hài lòng nhất, vì đã không bị chủ đề nào kè kè bên cạnh.

- Viết về Hà Nội, với chị, là một thách thức. Và chị đã vượt qua thách thức ấy như thế nào để những tác phẩm của mình không lọt thỏm giữa rất nhiều cuốn sách khác?
 
- Nhiều tác giả vì quá yêu Hà Nội mà khiến Hà Nội “nhỏ” lại, Hà Nội của họ đông cứng trong hoài cổ, của bún ốc thơm thơm mùi bỗng rượu, của phủ Tây hồ bàng bạc sương khói, của cầu Thê Húc e lệ hồ Gươm... Cái núi kỷ niệm này ôn đi ôn lại mấy chục năm cũng chẳng hết, qua bao nhiêu miệng con người vẫn nguyên xi tròn trịa. Tôi lại có quan niệm khác, rằng văn chương trước hết phải mang tính cá nhân; và hiện thực trong sáng tác của tôi là cái mà chỉ tôi mới “nhìn” thấy, chỉ ngôn ngữ của tôi mới thể hiện được: Made in Vietnam là Hà Nội của mấy ngàn buồng tắm giống nhau như những giọt nước đầy đủ cả vòi hoa sen lẫn bình nóng lạnh được bày bán ở phố Hàm Long; Chinatown là Hà Nội của khu Hàng Buồm năm 1979; Paris 11 tháng 8 là Hà Nội của nhà máy giày vải Yên Viên, ngày mồng 8 tháng 3, ban giám đốc và 10 cán bộ nữ chủ chốt lên tặng hoa hồng trắng cho 500 nhân viên cũng toàn nữ là nữ...

- Đọc văn chị, người ta thấy sự tự trào, nhưng đôi khi cảm giác sự tự trào ấy không đi đến nơi đến chốn, không đủ đô. Chị  nghĩ sao, đó có phải là vì chính chị đã tiết chế nó lại?

  - Tôi không biết thế nào mới là “đến nơi đến chốn”, thế nào mới là “đủ đô”. Văn chương là vô hạn và khách quan. Tự trào của tôi không thể giống như tự trào của người khác.

- Nhiều người viết thường kéo những vấn đề riêng của mình vào cuốn sách, và nhờ đó độc giả thấy “vào” hơn. Chị thì sao, có phần nào cuộc sống của chị trong những cuốn sách đã và sẽ ra mắt độc giả?

- Tôi không hiểu từ “vào” mà bạn dùng ở đây có ý nghĩa như thế nào? Kể chuyện đời tư để lôi kéo độc giả không thuộc về phạm trù văn chương, nên nó không khiến tôi quan tâm.

- Chị thường đặt kế hoạch rồi ép mình vào bàn viết. Ép như thế có phải là một cách làm cho mình chuyên nghiệp hơn?

- Tôi nghĩ chuyên nghiệp, trong bất cứ ngành nghề gì cũng là  làm việc không phụ thuộc vào cảm hứng. Một bác sĩ chuyên nghiệp không cần đợi lòng thương người trỗi dậy mới choàng  vội áo blouse ra khám cho người bệnh. Một nhà thơ chuyên nghiệp không cần đợi trăng thanh, gió mát, hoa nở mới khoanh chân nảy ra ý tứ một bài thơ... “Ép mình” vào bàn là một trong những cách để viết trở thành mối quan tâm thường trực của tôi.

- Dịch, với chị có phải là một ngả rẽ? Ngả rẽ này có làm chị hứng thú như khi sáng tác không?

- Tôi không tự cho mình là dịch giả chuyên nghiệp. Thỉnh thoảng tôi có dịch thì cũng chỉ theo cảm hứng. Thế nên, đó không thể là một “ngả rẽ”.

- Phụ nữ viết văn thường là những người đa đoan, điều này có đúng với trường hợp của chị? Sẽ như thế nào nếu một nhà có hai người cùng làm nghệ thuật và cùng nổi tiếng, cùng cá tính?

- Một trong những mục đích của văn chương là đi tìm bản chất sự việc. Nhà văn, vì thế, có cái nhìn đa chiều về hiện thực. Cuộc sống nội tâm phức tạp không chỉ là đặc tính của phụ nữ mà của cả nam giới viết văn. Như mọi văn nghệ sĩ, chúng tôi luôn hướng tới tư tưởng tự do. Nhưng trong một xã hội chưa cởi mở thì phụ nữ tự do bao giờ cũng bị lên án là đa đoan. May mắn của tôi là được sống cạnh một nghệ sĩ (chồng nhà văn Thuận là họa sĩ Trần Trọng Vũ - PV), vì thế nếu cơm không may bị khê thì cái nồi cũng không bị ném ra cửa; nếu mặc áo quá mỏng thì cũng chỉ được nháy mắt trêu đùa mà thôi.

- Bố chồng chị, nhà thơ Trần Dần, ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp, cách viết cũng như cách sống của chị?

- Khó có thể chỉ rõ nhân cách và văn cách của Trần Dần đã để lại nơi tôi những gì. Tôi tiếp xúc với ông chủ yếu qua tác phẩm. Những huyền thoại mà người ta vẫn kể về ông, tôi không quan tâm lắm. Để hiểu Trần Dần thì người thường hay người thân cũng chẳng có cách nào khác là đọc chính sáng tác của ông.

- Chị quan niệm thế nào về hạnh phúc?

- Hạnh phúc của một phụ nữ viết văn đòi hỏi nhiều thứ, là hạnh phúc của hai người gộp lại: hạnh phúc của một phụ nữ và hạnh phúc của một nhà văn. Thế nên tìm được đã khó, giữ được lại khó hơn nhiều. Nói thế thôi, chứ hạnh phúc có lẽ là một quan điểm rất mâu thuẫn, có những khi sung sướng vì một lý do rất vớ vẩn, có những khi đầy đủ mọi bề mà vẫn thấy chưa thỏa nguyện. Mỗi con người là một câu đố tiềm ẩn, càng đi sâu càng thấy không thể tìm được câu trả lời. Cá nhân tôi không phải là trường hợp ngọai lệ. “Tôi không hiểu được bản thân”, “Tôi không hiểu mình thích gì”, “Tôi không tự lý giải hành động của chính tôi”... đã từ lâu là những câu nói thông dụng, không còn khiến ai bị sốc.

                                                                                                                  Theo NLĐO

Các bài mới
Các bài đã đăng