Văn nghệ trong nước
Văn chương không đo bằng vùng miền
22:05 | 03/05/2009
Qua gần nửa năm (từ ngày 1/8/2008), tỉnh Hà Tây được “ghép” vào Hà Nội, nhưng Chi hội Nhà văn Hà Tây vẫn chưa sáp nhập xong với Hội Nhà văn Hà Nội.
Văn chương không đo bằng vùng miền
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Quanh câu chuyện này, xuất hiện nhiều dư luận mà nổi lên là “Hội Nhà văn Hà Nội coi khinh nhà văn Hà Tây” (?!). Tiền Phong đã trao đổi với Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Thưa anh, gần đây việc sáp nhập Chi hội Nhà văn tỉnh Hà Tây cũ với Hội Nhà văn Hà Nội có những vướng mắc. Anh có thể nói rõ những vướng mắc này là gì?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (PXN): Thực ra, chuyện cũng chẳng có gì mà ầm ĩ. Tỉnh Hà Tây để nhập vào Hà Nội thì các cơ quan dân chính đảng, các hội ngành đoàn thể bên kia phải/bị chuyển về bên này. Văn nghệ cũng thế thôi.

Chỉ có điều, Hội Nhà văn Hà Nội có thiếu sót là đã tiến hành chậm việc tổ chức sáp nhập hai bên, để anh chị em ở Chi hội Văn học Hà Tây (thuộc Hội Văn nghệ Hà Tây) sốt ruột. Tâm trạng đấy cũng là điều dễ hiểu. Giờ thì xong rồi.

Nhiều hội viên ở Hà Tây bức xúc, cho rằng mình đang bị “bỏ rơi”, thực chất việc này ra sao?

PXN:
Tôi nghĩ, thực chất đó chỉ là tâm trạng nhất thời của anh chị em hội viên văn học Hà Tây thôi. Đang yên đang lành có một Hội đàng hoàng, một chi hội hẳn hoi, đùng một cái bị giải tán, bị sáp nhập, lại chẳng thấy bên được sáp nhập có động thái gì với mình thì cảm giác bơ vơ thấy như bị “bỏ rơi” là đúng rồi.

Nhưng cũng phải nghiêm khắc mà nói, tâm trạng đó của anh chị em phía Hà Tây vừa qua nếu có “bốc” lên là do mấy bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Hà Nội, trên một tờ báo.

Anh Bằng Việt phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ban chấp hành, trước các hội viên Hà Nội và Hà Tây, trước báo chí và dư luận về những thông tin anh đã đưa ra.

Được biết, về cách thức, qua 5 tháng cấp trên mà cụ thể là Hội LHVHNT Hà Nội vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể sáp nhập ra sao. Đến nay việc này thế nào, với vai trò của mình, các anh có tham mưu, đề xuất gì với cấp trên không?

PXN: Thật ra, Hội LHVHNT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn chung việc sáp nhập cho các hội chuyên ngành của mình. Căn cứ vào đó, mỗi hội chuyên ngành sẽ làm theo cách của mình, tùy theo tình hình mỗi hội.

Thực ra, sáp nhập ở đây chủ yếu là kết hợp ban chấp hành của mỗi chi hội ở Hà Tây vào ban chấp hành của mỗi hội ở Hà Nội, chứ còn về mặt hội viên thì anh chị em đã vào hội nào thì vẫn ở hội đó thôi, nghiễm nhiên là hội viên, chỉ có bỏ tên Hà Tây, thay bằng tên Hà Nội.

Ngày 24/4/2009, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã có cuộc họp với Ban chấp hành Chi hội Văn học Hà Tây.

Cuộc họp nhất trí thông qua phương án bổ sung hai (02) ủy viên ban chấp hành từ phía Hà Tây vào ban chấp hành (gồm 6 người) của phía Hà Nội.

Nhà thơ Lê Thanh Ứng (nguyên chi hội trưởng) do bận việc không dự họp nhưng đã có ý kiến không tham gia ban chấp hành mới này.

Hai ủy viên bổ sung được bầu ngay tại cuộc họp là nhà văn Lê Trung Tiết (nguyên chi hội phó) và nhà thơ Nguyễn Trung Sơn.

Các ủy viên còn lại của Ban chấp hành Chi hội Văn học Hà Tây sẽ tham gia vào các hội đồng bộ môn của Hội nhà văn Hà Nội.

Như tôi đã nói trên, trong việc sáp nhập này, Hội Nhà văn Hà Nội có thiếu sót là làm chậm. Giờ thì xong rồi. Ngày 20/4/2009, chúng tôi đã họp ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, bàn kế hoạch thực hiện tiếp lộ trình sáp nhập và đã thông qua phương án kết hợp hai ban chấp hành.

Cuộc họp mới nhất vào ngày 24/4/2009 cũng đã thống nhất việc tổ chức cuộc gặp mặt 53 hội viên văn học ở Hà Tây vừa chuyển về Hội Nhà văn Hà Nội vào ngày 5/5/2009 tại Hà Đông để ra mắt ban chấp hành và lắng nghe ý kiến anh chị em. Chúng tôi cũng đã bàn việc thay thẻ hội viên mới nhân có cuộc sáp nhập này. 

Tại cuộc họp, cả hai bên cũng đã nghe nhà thơ Bằng Việt giải trình về “vụ” phỏng vấn trên báo liên quan đến việc sáp nhập khiến dư luận xôn xao.

Về tiêu chuẩn, chất lượng hội viên, Hội Nhà văn Hà Nội khá đề cao, nay đứng trước việc sáp nhập, có sự rà soát, thêm bỏ hay không? Không biết từ đâu, nhiều nhà văn thuộc chi hội Hà Tây cho rằng, Hà Nội “khinh” nhà văn Hà Tây?

PXN: Hội viên ở Hà Tây về Hà Nội vẫn là hội viên. Chất lượng hội viên là do chất lượng trang viết quyết định, chứ không phải do cái danh hội viên mang lại.

Hội Nhà văn Hà Nội thời gian qua luôn coi trọng chất lượng hội viên ở mỗi kỳ kết nạp, tuy vẫn chú ý đến mặt phong trào chung. Và mỗi người viết khi vào hội đều ý thức được mình qua trang viết để xứng danh là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Mà tôi nghĩ, hội viên ở đâu cũng vậy thôi. Người nào nghĩ đến cái sự “khinh, trọng” ở đây như anh nhắc trong câu hỏi, thì theo tôi, người đó đã không tôn trọng mình, không tôn trọng đồng nghiệp, không tôn trọng những người cầm bút Hà Nội, Hà Tây. Văn chương đo bằng văn chương, không phải đo bằng vùng miền.

Hai nơi làm việc của Hội, hai báo - tạp chí “Người Hà Nội” và “Tản Viên Sơn” như hiện nay sẽ được giải quyết như thế nào? Nhiều đơn vị ngành khác, như Đài truyền hình chẳng hạn, có phân ra Hà Nội 1, Hà Nội 2, bên Hội Nhà văn có mô hình như thế không?

PXN: Những việc anh hỏi đó là thuộc thẩm quyền của Hội LHVHNT Hà Nội, tức là Hội to ấy. Còn Hội Nhà văn Hà Nội chỉ là hội chuyên ngành, đến một văn phòng làm việc riêng của hội còn chưa có, nói chi đến những cơ ngơi này nọ.

Nhưng ta cũng có quyền hy vọng, giờ đây Hà Nội đã có thêm địa dư Hà Tây thì Hội Nhà văn Hà Nội, cũng như các hội chuyên ngành khác, sẽ được Hội to cho thêm diện tích. Biết đâu đấy!

Còn những vấn đề gì khác lấn cấn quanh chuyện tách nhập này không, thưa anh?

PXN: Tôi nghĩ là không. Hoặc giả là có, nhưng tôi không biết.

Xin trân trọng cảm ơn anh.

                                                                                                                       Theo TPO

Các bài mới
Các bài đã đăng