Văn nghệ trong nước
Vũ Thụy Ngọc Tuyền: Cần xây dựng công chúng tiềm năng cho nhạc cổ điển
22:49 | 03/05/2009
Cuộc thi hát thính phòng - nhạc kịch lần IV-2009 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức từ ngày 24 đến 28/4/2009 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia (Hà Nội). TP.HCM có 7 thí sinh tham dự và đã giành 2 giải Ba trong số 8 giải chính thức của cuộc thi.
Vũ Thụy Ngọc Tuyền: Cần xây dựng công chúng tiềm năng cho nhạc cổ điển
Vũ Thụy Ngọc Tuyền

Vũ Thụy Ngọc Tuyền (giải Ba), hiện công tác tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM, là ca sĩ đã tạo nhiều ấn tượng với khán giả trong live show rock - giao hưởng Unlimited Symphony vào tháng 8 năm ngoái tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, TP.HCM. Ngọc Tuyền hiện nay là một trong những solist chính của Nhà hát, cô cũng được xem là một trong các gương mặt trẻ với giọng soprano hàng đầu của dòng nhạc thính phòng - nhạc kịch tại TP.HCM hiện nay. TT&VH đã có cuộc trò chuyện cùng Ngọc Tuyền sau khi cô trở về từ cuộc thi.

* Ngọc Tuyền đã chuẩn bị như thế nào cho cuộc thi này, những bài bản dự thi là những bài nào?

- Giống như tất cả các thí sinh khác, khi đã quyết định tham dự cuộc thi thì phải chuẩn bị kỹ càng về bài vở, tinh thần cũng như về sức khỏe. Vòng 1 Tuyền chọn 3 bài theo quy định: aria Nữ hoàng đêm tối của W.A.Mozart làm bài chính để chinh phục ban giám khảo cũng như khán giả, vì đây là một aria khó đối với tất cả những người có giọng nữ cao, để trình diễn nó, đòi hỏi nhiều bản lĩnh và kỹ thuật. Ở vòng 2, cuộc thi quy định 4 bài, 2 bài Việt Nam và 2 bài nước ngoài, Tuyền đã hát romance Villanelle của Eva Dell’Acqua, Nhớ anh giải phóng của Lư Nhất Vũ - Lê Giang, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi và bài cuối cùng là tác phẩm đặc sắc Doll song của Offenbach. Doll song cũng là bài Tuyền chọn để chinh phục mọi người bằng tất cả khả năng của mình và đã trình diễn rất hiệu quả, khán giả xem Tuyền biểu diễn bài này họ rất thích thú. Qua cuộc thi này, Tuyền nghe được nhiều giọng hát hay mới, học hỏi được nhiều điều ở các bạn, năm nay các bạn thí sinh dự thi tương đối đồng đều, bài vở có sự chọn lựa kỹ càng.

* Là thí sinh ở TP.HCM đoạt giải, Ngọc Tuyền có sự so sánh, nhận xét gì về lực lượng hát thính phòng - nhạc kịch của TP.HCM với các nơi khác như Hà Nội, Huế?

- TP.HCM có 2 thí sinh đoạt giải trong tổng số 10 giải thưởng, đó cũng là tín hiệu đáng mừng. Theo Tuyền ở TP.HCM không thiếu những giọng hát tốt, nhưng để theo dòng nhạc này đòi hỏi thời gian học tập, môi trường rèn luyện chuyên môn tốt, giáo viên hướng dẫn tốt, sự rèn luyện bền bĩ và lòng đam mê. Qua cuộc thi này cho thấy, có thể lần sau TP.HCM và Huế sẽ có nhiều nhân tố mới nổi trội hơn nữa.

* Ngọc Tuyền có suy nghĩ gì về tình hình âm nhạc hiện nay ở TP.HCM nói chung và thính phòng - nhạc kịch nói riêng?

- Ở TP.HCM, âm nhạc rất đa dạng và phong phú với rất nhiều thể lọai, đối với âm nhạc cổ điển, nó vẫn có lượng khán giả riêng của nó, bằng chứng là hằng tháng vẫn có khán giả đến với chương trình biểu diễn định kỳ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM để thưởng thức âm nhạc cổ điển.

* Ca sĩ thính phòng - nhạc kịch để thành danh cần rất nhiều thời gian học tập rèn luyện (khác với nhạc nhẹ), nhưng cuộc sống không được xã hội ưu đãi (ít nhất là về mặt kinh tế). Là người trong cuộc, Ngọc Tuyền có thể tâm sự những điều thật nhất mà mình suy nghĩ?

- Mặc dù học hát thính phòng không dễ thành công, nó đòi hỏi thời gian rèn luyện lâu dài, nhưng cũng có nhiều bạn vẫn đang say mê học tập tại Nhạc viện TP.HCM. Tuyền nghĩ, nếu mình say mê với nghề, bằng sự lao động nghiêm túc thì không nghề nào phụ mình cả, Tuyền đang rất say mê với dòng nhạc này và nếu rèn luyện tốt, Tuyền sẽ được sở hữu giọng hát lâu dài, sẽ làm việc với đam mê của mình lâu dài hơn.

* Để thính phòng - nhạc kịch TP.HCM phát triển vững mạnh, theo Ngọc Tuyền, nó cần những điều kiện gì?

- Là một trong những người yêu thích và đang theo đuổi dòng nhạc này, Tuyền rất mong muốn nó được phát triển hơn nữa, được công chúng quan tâm hơn. Đó cũng là điều mà những người làm công tác âm nhạc trăn trở nhiều; những người đang làm âm nhạc cổ điển như chúng tôi đang cố gắng rất nhiều để đem âm nhạc cổ điển đến với mọi người, nhưng để nó phát triển vững mạnh chắc phải cần một thời gian lâu dài và sự quan tâm đúng mức. Theo tôi việc đưa âm nhạc cổ điển vào các trường học cũng rất quan trọng, nó tạo thói quen thưởng thức âm nhạc cổ điển và xây dựng lực lượng công chúng tiềm năng cho loại hình nghệ thuật này.

                                                                                                                 Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng