Văn nghệ trong nước
Nhiều học giả nước ngoài tới Hà Nội nghiên cứu về 'Truyện Kiều'
08:48 | 10/08/2015

16 học giả từ các quốc gia sẽ tới Việt Nam tham dự hội thảo về đại thi hào Nguyễn Du cùng tác phẩm nổi tiếng của ông, tổ chức ngày 8/8.

Nhiều học giả nước ngoài tới Hà Nội nghiên cứu về 'Truyện Kiều'
"Truyện Kiều" - ấn bản kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du do NXB Trẻ thực hiện.

Đại thi hào Nguyễn Du không chỉ là tượng đài lớn của văn chương Việt, mà còn là danh nhân văn hóa thế giới. Đến nay Truyện Kiều - tác phẩm nổi tiếng nhất của ông - được dịch ở 30 quốc gia, trong đó tiếng Pháp (trên 15 bản dịch), tiếng Anh, tiếng Hán (trên 10 bản dịch), tiếng Nhật (năm bản dịch). Vì thế, cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du cũng như tác phẩm Truyện Kiều được tìm hiểu khắp nơi trên thế giới. Nhiều học giả nước ngoài sẽ mang nghiên cứu của mình tới hội thảo "Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại".


Các tham luận cho thấy giới học giả nước ngoài quan tâm đến Nguyễn Du trên nhiều phương diện khác nhau. Học giả Nhật đặt ra vấn đề về hành trình sáng tạo của Nguyễn Du qua tập Bắc hành tạp lục. Học giả Nga nghiên cứu con người và tác phẩm qua góc nhìn điện ảnh. Một số học giả khác bàn đến việc chuyển dịch tác phẩm sang nhiều không gian văn hóa, ngôn ngữ khác... Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - đánh giá: "Các tham luận quốc tế cung cấp cái nhìn đa diện về Nguyễn Du. Ngoài việc khẳng định, tôn vinh tài năng và đóng góp của đại thi hào, đây là dịp giúp giới học thuật Việt Nam tiếp cận phương pháp nghiên cứu nước ngoài".

Bên cạnh sự tham gia của giới khoa học quốc tế, hội thảo nhận hơn 100 tham luận từ các học giả trong nước. Chương trình sẽ chia làm hai tiểu ban, với hai chủ đề lớn: thân thế sự nghiệp Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều. Ở tiểu ban thứ nhất, cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Du được bàn qua ba vấn đề: Cuộc đời sáng tạo Nguyễn Du qua tập thơ Bắc hành tạp lục; thời gian sáng tác Truyện Kiều; nhận thức thực tại của Nguyễn Du qua tác phẩm. Tiểu ban thứ hai bàn luận tới Truyện Kiều qua những khía cạnh: Văn bản Truyện Kiều được viết như một quá trình sáng tạo, chứ không phải sự mô phỏng; nội dung tư tưởng của tác giả trong Truyện Kiều. Trong đó, vấn đề tư tưởng của Nguyễn Du được chọn làm trọng tâm, bởi theo nhiều nghiên cứu, đại thi hào không chỉ là một nhà thơ, mà còn là nhà tư tưởng tầm vóc.

Hội thảo "Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại" được tổ chức vào ngày 8/8 tại Hà Nội. Đây là hoạt động do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du.

Theo Lam Thu - Vnexpress

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng