Mới cách đây 4 ngày, nhà báo lão thành Hữu Thọ còn chống gậy đến dự Đại hội Hội Nhà báo VN lần thứ 10 tại Cung Hữu nghị ở thủ đô Hà Nội. Hôm đó, sau khi đại hội kết thúc thành công, lãnh đạo TP.Hà Nội đã tổ chức cuộc gặp thân mật tất cả các đại biểu dự đại hội.
Ngồi cùng, tôi xoa vào cái đầu gối của bác Hữu Thọ vốn bị đau nặng từ mấy năm trước do một tai nạn. Nhà báo Hữu Thọ nắm tay tôi, cười lạc quan: “Đã khá hơn trước rồi”. Và câu chuyện của chúng tôi càng lúc càng sôi nổi về những vấn đề thời sự của đời sống báo chí. Niềm vui đan xen bao điều trăn trở.
Trong cuộc đời làm báo và làm công tác tư tưởng, tuyên giáo của mình, tôi không có may mắn được làm cấp dưới trực tiếp của nhà báo HữuThọ, nhưng thực sự ông đã lặng lẽ in đậm dấu ấn như một người hướng dẫn trực tiếp, như một người thầy thật sự đối với bản thân tôi. Đó không chỉ là bằng những bài phóng sự điều tra nổi tiếng về nông nghiệp và nông thôn mấy chục năm trước đây khi đất nước còn mày mò để tìm kiếm cách thức vượt qua lề lối làm ăn cũ bằng chủ trương khoán hộ. Đó không chỉ là hàng trăm bài báo dưới chuyên mục “Chuyện làm ăn” rất ấn tượng trên Báo Nhân Dân. Đó không chỉ là các tác phẩm báo chí được chọn lọc in trong 20 tập sách của ông. Đó còn là những cuộc trao đổi, đối thoại nghề nghiệp của ông với các thế hệ làm báo trên mọi miền đất nước...
Hữu Thọ nổi tiếng trước hết thông qua các tác phẩm báo chí. Cái chất Hữu Thọ thể hiện rõ nét trong cách chọn đề tài - vốn là những việc nằm trong trung tâm sự chú ý của dư luận nhưng không dễ lý giải; trong cách phân tích, lập luận, mà ở đó tinh thần đối thoại và tính thuyết phục được đặt lên hàng đầu. Đồng nghiệp quý trọng nhà báo Hữu Thọ ở đức tính cần cù, bền bỉ, tinh thần tiên phong, phẩm chất sáng tạo, bản lĩnh của người cầm bút, của người lãnh đạo báo chí và của người làm công tác tư tưởng văn hóa. Phẩm chất nhà báo của ông được thể hiện rõ nét không chỉ khi ông là người cầm bút, mà còn cả khi ông làm công tác tư tưởng tuyên giáo, vốn không dễ vượt qua sự khô khan, giáo điều cứng nhắc. Đó chính là khả năng nắm bắt hơi thở của đời sống xã hội, sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
Khi đã ở cương vị Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Trợ lý Tổng bí thư, ông vẫn giữ phẩm chất của một nhà báo. Đó là tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Hữu Thọ nổi tiếng với câu nói “Mắt sáng - lòng trong - bút sắc”, vốn sau này được lấy làm tên một quyển sách của ông. Cả cuộc đời lao động báo chí của mình, ông đã hành động theo tinh thần đó.
Những ngày này 70 năm trước, Hữu Thọ là một trong những người đã tham gia vào cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân tại thủ đô Hà Nội. Cuộc đời của ông trọn vẹn là cuộc đời của một người chiến sĩ cách mạng, cuộc đời của một người cầm bút kiên cường chiến đấu vì lý tưởng, vì nhân dân.
Nhà báo Hữu Thọ qua đời vào lúc 7 giờ 40 phút sáng qua (13.8), hưởng thọ 84 tuổi. Ông nguyên là Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ nhiệm Khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 7, 8; Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội các khóa 9, 10; nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) từ 1995 - 2001; nguyên Trợ lý Tổng bí thư (2001 - 2006).
Ngoài 8 giải nhất do Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng với tư cách là nhà báo, ông còn được giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim VN lần thứ nhất (1970), Bằng Danh dự và Huy chương Vàng của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ). Ông cũng nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất... Theo thông báo của Ban Chấp hành Trung ương, tang lễ nhà báo Hữu Thọ được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp cao. Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ hôm nay (14.8) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu lúc 10 giờ 30 phút cùng ngày; Hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn Vũ; an táng tại nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội.
|
Theo Hồ Quang Lợi (Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội) - TN