Sáng 18/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930 - 1975.
Theo đó, sau gần 2 năm phát động với hàng trăm tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn và trao 3 giải A, 13 giải B, 26 giải C và tặng thưởng cho 38 tác phẩm.
Cụ thể, Ban tổ chức đã trao 3 giải Nhất cho: Tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” (tác giả Trầm Hương); Kịch “Nhiệm vụ hoàn thành” (tác giả Xuân Đức); Kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” (Kịch bản: Nguyễn Thị Tuyết Minh, Tổng đạo diễn: NSND Phạm Anh Phương).
Bên cạnh đó, còn có 13 giải B, 26 giải C, tặng thưởng cho 38 tác phẩm ở nhiều lĩnh vực: văn học, điện ảnh, sân khấu, múa, hội họa... Tiêu biểu trong số đó là các tác phẩm: Trường ca “Bão không đến từ biển” (Trần Anh Thái), Phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ” (Chu Lai), Hợp xướng “Đội du kích Hoàng Ngân” (Ngô Quốc Tính), Tác phẩm sơn mài “Mẹ và người lính” (Trịnh Hoàng Tân)...
Ngoài ra, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã lựa chọn được 5 tác phẩm về tề tài kháng chiến và cách mạng liên quan đến chiến trường Lào, Campuchia đề nghị trao Giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ V tại Campuchia; Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã lựa chọn được một số tác phẩm trưng bày tại các cuộc Liên hoan khu vực trong năm 2013, 2014; Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam đã lựa chọn được một số tác phẩm gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch dàn dựng phục vụ cho các ngày lễ lớn của đất nước năm 2015…
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, điều đáng ghi nhận ở cuộc thi là ngoài văn nghệ sĩ là hội viên các hội tham gia còn có một số tác giả cao tuổi, có vốn sống, gắn bó với cách mạng và kháng chiến cũng tích cực viết tác phẩm gửi dự thi hoặc kể lại dưới dạng hồi kí, hồi ức cho các nhà văn ghi; cung cấp ảnh tư liệu, chuyện kể cho văn nghệ sĩ.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho biết: “Về chất lượng nội dung các tác phẩm dự thi nhìn chung là đáng mừng, có nhiều tiểu thuyết, kịch bản sân khấu khai thác mảng đề cách mạng và kháng chiến có chiều sâu, về tâm lí, tính cách nhân vật đặt ra những vấn đề lí tưởng, nhân cách, thân phận con người… thuyết phục người đọc. Bên cạnh đó, các tác phẩm Hồi ký có nhiều tác phẩm có giá trị ghi lại chân xác các sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Nhiều tài liệu lần đầu công bố, có giá trị lịch sử”.
Theo Song Nguyên - Langvietonline