Văn nghệ trong nước
Nhạc kịch mà không phải nhạc kịch
18:55 | 04/05/2009
Làng nhạc dạo này rộ lên tin các ca sĩ hăm hở lấn sân nhạc kịch nhưng có đúng nghĩa nhạc kịch hay không thì còn phải bàn.
Nhạc kịch mà không phải nhạc kịch
Mỹ Lệ- Đức Tuấn hát trong chương trình “Mỹ Lệ in Symphony”

Vậy mà không phải vậy

Từng có ít nhất một vở nhạc kịch, Chuyện sân trường với sự góp mặt của Đàm Vĩnh Hưng, Nguyên Vũ, Khổng Tú Quỳnh, Yến Trang...

Trong live show Mỹ Lệ in symphony, Mỹ Lệ thể hiện một số aria trích trong các vở nhạc kịch nổi tiếng như Khúc hát nàng Solvig’s, Carmen...

Đáng kể nhất là Đức Tuấn khi quyết tâm lấy nhạc kịch làm hướng đi mới bằng live show nhạc kịch Music of the night  tháng Tám tới, với sự chỉ huy của nhạc trưởng danh tiếng Paul Bateman và 60 nhạc công dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TPHCM.

Song, thông tin về những dự án, chương trình nhạc kịch gần đây không khỏi gây ngạc nhiên, hoài nghi cho người trong nghề.

Nếu là nhạc kịch đúng nghĩa, hiện ở Việt Nam chỉ có ba nơi có thể đảm đương, là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TPHCM. Mà đấy là lý thuyết còn, để biến thành hiện thực, để có một vở nhạc kịch dù nhỏ, ra mắt công chúng là cả công phu luyện tập trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm.

Chưa tính chuyện nghệ sĩ để được đứng trong hàng ngũ diễn viên góp mặt, kể cả hát hợp xướng, cũng phải học hành bài bản không dưới tám năm tại trường nhạc chuyên nghiệp (bốn năm trung cấp và bốn năm đại học), phải luyện tập hàng ngày.

Không học không thể hát, vì nhạc kịch không dùng micro để kích âm, mà phải từ chính khoảng vang của sự cộng hưởng âm thanh có từ kỹ thuật hát. Cùng với đó là luyện diễn xuất.

Trong nhạc kịch, bên cạnh hát, nói, phải có cả diễn, mỗi nghệ sĩ ra sân khấu đều phải hoá thân vào một nhân vật. Một điều bất di bất dịch nữa, phải xác định được anh thuộc loại giọng nào.

Không phải cứ hát cao là tenor, thấp là bass, mà còn phụ thuộc vào sắc thái, âm lượng, âm vực (hát trong khoảng âm vực nào mới đạt)... Từ đó gắn vào các vai phù hợp. Chẳng hạn, thường giọng nam cao (tenor) và nữ cao (soprano) đảm nhận vai chính.

Chính vì những nỗ lực vượt bậc qua hơn chục năm mà Bích Thuỷ đạt thành tích trong thi cử, đồng thời được chọn thể hiện vai Nữ hoàng đêm tối trong nhạc kịch Cây sáo thần của Mozart công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tháng 9/2006; và giành một lúc hai vai Ginda trong nhạc kịch Rigoletto của Verdi và Konstaze trong nhạc kịch Vụ bắt cóc thành Serail công diễn năm đêm tại Seoul- Hàn Quốc tháng 10/2006.

Song, ngay cả Bích Thuỷ cũng chỉ dám nghĩ tới một đêm nhạc thính phòng với các aria và romance, chứ nói tới việc tự dựng một vở nhạc kịch (bỏ qua yếu tố tài chính) e khó, bởi đó là việc của một tập thể có chuyên môn - mà Bích Thủy chỉ là một mắt xích.

Thế thì, liệu các ca sĩ chuyên hát nhạc nhẹ, trữ tình, có đảm đương được những vai diễn với cả một quá trình diễn tiến tâm lý nhân vật trong một vở nhạc kịch? Quá trình ấy lại phải thể hiện bằng nhiều aria với kỹ thuật khó để khoe hết chất giọng của người hát?

Phải nói toạc ra, đây không phải nhạc kịch thực thụ. Đơn giản, nếu là nó thì các ca sĩ sẽ bơi trong nhạc kịch để rồi chìm nghỉm.

Thế thì là gì?

Trên thế giới có xu hướng khai thác chất liệu âm nhạc đại chúng như pop, rock... vào nhạc kịch. Từng có thành công bất ngờ ở Anh Quốc. Song, đó là những nhà hát và nghệ sĩ opera chuyên nghiệp, chưa thấy nghệ sĩ âm nhạc đại chúng dựng nhạc kịch.

Việc làm của các ca sĩ nhạc nhẹ, trữ tình ở ta có lẽ là hướng đi tiên phong. Nhưng phải nói toạc ra, đây không phải nhạc kịch thực thụ. Đơn giản, nếu là nó thì các ca sĩ sẽ bơi trong nhạc kịch để rồi chìm nghỉm.

Có lẽ cụm từ “nhạc kịch” mới xuất hiện kia là cách đặt tên tạm. Người viết chưa tận xem Chuyện sân trường song, qua những thông tin đọc được, có thể thấy đây là một vở kịch bằng âm nhạc thực hiện theo mô-típ bộ phim âm nhạc dành cho teen- High school musical, có vẻ hot tới mức đưa nhân vật chính Zac Efron lọt vào danh sách “Những người tạo được ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới” mà Time vừa công bố. Nếu bê nguyên mô-típ ấy đưa lên sân khấu, mới chỉ được gọi là kịch âm nhạc.

Gọi là nhạc kịch hiểu theo nghĩa kịch có hát - không sai nhưng tên gọi như vậy sẽ gây nhầm lẫn với dòng nhạc kịch vốn đóng đinh trong lòng công chúng hơn nửa thế kỷ qua.

Ở Việt cũng có một dòng tương tự (kịch có hát, hát nói và thoại) đó là các vở chèo, tuồng, cải lương... Gần đây giới chuyên môn gọi chung dạng này với cái tên rất hợp lý: Kịch hát truyền thống.

Nên chăng “nhạc kịch” của các ca sĩ nhạc nhẹ, trữ tình gọi bằng cái tên khiêm tốn hơn: kịch hát. Nhưng kể cả như thế, cũng chỉ được gọi nếu những vở “nhạc kịch” kia đủ yếu tố gồm có tuyến thoại nhân vật, vừa có nói vừa có hát.

Nếu không sẽ chỉ là những vở thanh xướng kịch trong trường hợp có nhiều giọng hát, nhiều vai và một dàn hợp xướng phụ họa nhưng không có tính kịch, hành động sân khấu và đối thoại. Còn trong trường hợp chỉ có các ca khúc nối tiếp nhau thì chỉ là những liên ca khúc mà thôi.

                                                                                                                                                                                            Theo TPO

Các bài mới
Các bài đã đăng