Văn nghệ trong nước
Hát thật, cảm xúc thật!
09:23 | 20/08/2015

Cảm xúc thật của những nghệ sĩ khi cất lên những bài ca đi cùng năm tháng hài hòa vào dàn nhạc làm người xem sống dậy những xúc cảm thiêng liêng.

Hát thật, cảm xúc thật!

2015 là năm chẵn của nhiều dịp kỷ niệm trọng đại: Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9… Để chào mừng những ngày lễ trọng này, đã có hàng chục những chương trình biểu diễn nghệ thuật có quy mô lớn diễn ra. Có những chương trình được truyền hình trực tiếp. Cảm xúc thật của những nghệ sĩ khi cất lên những bài ca đi cùng năm tháng hài hòa vào dàn nhạc làm người xem sống dậy những xúc cảm thiêng liêng.

Trong những chương trình lớn chào mừng kỷ niệm những ngày lễ trọng, gần như 100% bài hát được biểu diễn là những ca khúc ra đời trong sự kiện lịch sử, hoặc đã ghi dấu, ăn sâu vào đời sống nhân dân. Với thế hệ sinh ra trong thời điểm lịch sử của sự kiện thì đương nhiên có cảm xúc rất lớn. Với thế hệ sinh ra sau khi đất nước thống nhất, kinh tế xã hội ngày một phát triển, tuy có những lo toan, trăn trở riêng, có những sở thích và ham chuộng những sáng tác mới, thế nhưng, khi nghe những ca khúc cách mạng, những ca khúc về Tổ quốc thì họ vẫn dâng trào cảm xúc. Tại sao những ca khúc có nhạc điệu đơn giản, ca từ mộc mạc này lại chinh phục người nghe?. Điều này chẳng có gì khó hiểu bởi lẽ ca khúc được viết ra từ sự chân thành của cảm xúc thật của người nghệ sĩ.

Để nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc, giá trị của hòa bình, những năm gần đây nhiều cơ quan, trường học tổ chức lại việc hát Quốc ca trong buổi lễ chào cờ đầu tuần. Dù chưa có tổ chức nào tiến hành điều tra xã hội học, nhưng người viết tin rằng: Nếu như những khúc ca về tình yêu gia đình, tình yêu Tổ quốc, tình bạn, hòa bình, hạnh phúc được cất lên thường xuyên thì có lẽ số tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên sẽ giảm đi rất nhiều.

Đã gọi là ca sĩ thì đương nhiên chất giọng phải hơn người bình thường. Dù vậy, không phải cứ là ca sĩ biểu diễn ca khúc cách mạng, Tổ quốc thì sẽ thu hút được người xem. Và với các nhạc công cũng vậy. Nếu biểu diễn mà cảm xúc hời hợt sẽ không thể chinh phục người xem. Để đảm bảo “an toàn” về cảm xúc của ca sĩ, dàn nhạc, trong một số chương trình lớn, đạo diễn đã chọn giải pháp “hát nhép”.

Trên thực tế, đã có quy định cụ thể về việc cấm “hát nhép”, “nhạc nhép” trong những chương trình biểu diễn nghệ thuật. Điểm d, Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ cấm “Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn”. Thế nhưng, với những chương trình lớn phục vụ những ngày kỷ niệm trọng đại, những chương trình truyền hình trực tiếp, dường như lại có sự “châm chước” của cơ quan chức năng.

Có lẽ chính vì ỷ vào sự châm chước này nên đã dẫn đến sự lười biếng trong lao động nghệ thuật. Và một số lỗi vô ý, gây hậu quả tai hại đã xảy ra. Ví như vụ việc chương trình giao lưu “Khát vọng đoàn tụ” được truyền hình trực tiếp trên VTV1 ngày 27/7, nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thương binh, liệt sĩ, đến dự chương trình có nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vậy mà người thực hiện chương trình lại để cho một đoạn nhạc “nước ngoài” ghi băng sẵn tấu lên vào đúng thời điểm, bối cảnh không phù hợp. Nếu lao động nghiêm túc, có dàn nhạc “sống”, với cả một “kho nhạc” có giai điệu hùng tráng, trang nghiêm, thành kính của các nhạc sĩ tài danh nước ta sáng tác thì thiếu gì mà lại cẩu thả chọn một đoạn nhạc nước ngoài vào. Vì lỗi vi phạm này, Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội (đơn vị thực hiện chương trình) đã bị kỷ luật khiển trách. Hoặc như việc ca sỹ đất mỏ Hồ Quỳnh Hương “thấy tiếng không thấy người” trên sân khấu Carnaval Hạ Long 2014 vào tối 30/4/2014. Đó là người phụ trách kỹ thuật âm thanh cứ “căn” theo giờ ca sĩ đến lượt biểu diễn mà mở file, trong khi thực tế ca sĩ đang bị kẹt xe chưa kịp đến biểu diễn.

Tại sao những chương trình biểu diễn kinh doanh đã dần loại bỏ việc hát nhép, nhạc nhép mà những chương trình nghệ thuật lớn lại không làm được?. Ca khúc không còn lấy được cảm xúc của ca sĩ hay ca sĩ không còn thời gian để thẩm thấu, luyện tập?. Sẽ ra sao nếu cứ đến ngày lễ lớn khán thính giả lại phải thưởng thức món “hát nhép”?. Điều này vừa làm các chương trình nghệ thuật trở nên khô cứng, và nếu sự cố xảy ra thì sự thiêng liêng sẽ bị ảnh hưởng. Ít nhiều khi hát thật, dù ca sĩ bị khản giọng, lỗi nhạc, thì người xem có thể thông cảm được chứ sự cố “kỹ thuật” thì rõ là… bi hài.

Đến dự Đại hội thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” lần thứ VII của Bộ Công an diễn ra ngày 5/8 vừa qua tại Cung Văn hoá - Lao động hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) - một chương trình lớn được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh sóng, khán thính giả có những cảm xúc đặc biệt khi dàn quân nhạc an ninh trình diễn. Mặc dù chương trình truyền hình trực tiếp chỉ diễn ra buổi sáng, nhưng buổi chiều dàn quân nhạc an ninh vẫn tới biểu diễn. Sự nghiêm túc trong chương trình có ý nghĩa chính trị lớn này đã tạo cho người dự cảm giác trang nghiêm, trân trọng.

Giá như ở chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện lớn nào người nghe cũng được thưởng thức giọng hát thật, cảm xúc thật của ca sĩ, của dàn nhạc thời điểm đó thì hay biết bao. Chẳng lẽ một điều dễ như thế lại không làm được.

Mong lắm thay!.

Theo Từ Khôi - Langvietonline

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng