Nguyễn Văn Tuyên là cái tên có lẽ còn xa lạ với quảng đại quần chúng. Song tên ấy lại là mục quan trọng trong giáo trình các trường âm nhạc.
Khoảng những năm 1923-1925, một bộ phận nghệ sĩ tiên tiến thẩm thấu được âm nhạc phương tây, nghĩ ra việc phổ lời ta cho nhạc tây, trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tới năm 1938, thống đốc Nam kỳ- Pagès tài trợ cho Nguyễn Văn Tuyên một chuyến lưu diễn xuyên Việt đi Huế, Hà Nội, Hải Phòng mục đích truyền bá âm nhạc Pháp gồm những bài hát cổ điển và nhạc nhẹ.
Nguyễn Văn Tuyên lúc bấy giờ là ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng Sài Gòn, năm 1937 từng được giới thiệu hẳn một chương trình riêng trên đài phát thanh ở Sài Gòn.
Ông mày mò sáng tác một số ca khúc được hoan nghênh như Kiếp hoa (thơ Nguyễn Văn Cổn), Bông cúc vàng (thơ Nguyễn Quý Anh), Anh hùng ca. Ông khôn khéo lợi dụng chuyến lưu diễn để giới thiệu những sáng tác mới của mình và biến thành cuộc “vận động cho âm nhạc cải cách”.
Cuộc biểu diễn của ông ngày 9/6/1938 được giới trí thức và âm nhạc Hà Nội đón đợi. Trên báo Ngày nay ra 26/6/1936, Thế Lữ bình luận: “Người ta sốt sắng đến hội Trí Tri như để đón nhận một điều mà người ta thiết tha mong mỏi”.
Nguyễn Văn Tuyên người Huế, sinh 1909, từ nhỏ yêu thích và tự học nhạc tây. Năm 1936 di cư vào Sài Gòn giảng dạy âm nhạc tại trường Lycée Paul Doumer Sài Gòn, là người Việt duy nhất tham gia Hội Ái nhạc.
Chẳng phải Nguyễn Văn Tuyên là người đầu tiên sáng tác ca khúc tân nhạc. Nhưng chỉ khi cuộc biểu diễn của Nguyễn Văn Tuyên xuất hiện và có ảnh hưởng tới công chúng ba miền (cũng theo PGS Nguyễn Thụy Loan), “phong trào sáng tác mới ra công khai, đánh dấu sự ra đời của âm nhạc cải cách”.
Phải nói thêm rằng chính lý do này khiến Nguyễn Văn Tuyên được nhắc tới trong lịch sử âm nhạc Việt Nam với vai trò khai sinh nền tân nhạc, chứ không phải người viết ca khúc tân nhạc đầu tiên.
Còn nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: “Muốn phân tích từng bài hát, từng chủ trương của từng nhóm, từng người làm nên tân nhạc từ cuối thập niên 30 đến giữa thập niên 40 để tìm ra những xu hướng đầu tiên của tân nhạc thì vì tính thời sự của nó, chúng ta phải khởi sự bằng hai trong ba bài hát của Nguyễn Văn Tuyên: Kiếp hoa và Bông cúc vàng”.
Ca khúc của Nguyễn Văn Tuyên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và nhanh chóng nhường đất cho các ca khúc tiền chiến khác.
Theo TPO |