Văn nghệ trong nước
Góp bàn thêm về "Nhiếp ảnh chân thực"
14:50 | 09/09/2015

Tôi đã có xem bài viết “Nhiếp ảnh chân thực?” của tác giả Hoài Quân. Không phải là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhưng tôi có học qua về kỹ thuật nhiếp ảnh, thỉnh thoảng cũng có vác máy ảnh lang thang giải tỏa stress; Cũng không làm nghề chỉnh sửa ảnh, nhưng kỹ thuật Photoshop tôi cũng có vọc vạy qua. Với vốn kiến thức của mình và góc nhìn vấn đề, quan điểm của tôi về nghệ thuật nhiếp ảnh có vài chỗ không đồng nhất với ý kiến tác giả Hoài Quân. 

Tác giả Hoài Quân viết: 

“...Thay vì ngồi làm mẫu hàng giờ, nay, chỉ cần ngồi trước máy ảnh, “tách”, thế là xong một bức chân dung giống mình như hệt!”. Và Tác giả bàn tiếp ở dòng dưới: “Ranh giới giữa hội họa và nhiếp ảnh chính là ở đấy…”

Có lẽ tác giả Hoài Quân đã có sự nhầm lẫn giữa hai trường phái “ảnh tư liệu” và “ảnh nghệ thuật” chăng? Chỉ có ảnh tư liệu mới cần đến tính chân thực cao. Còn ảnh nghệ thuật thì được phép hư cấu. Tất nhiên hư cấu của ảnh nghệ thuật không phải do sử dụng photoshop, mà sự cho phép ấy nằm trong phạm vi sử dụng kỹ thuật số. Và cuộc thi mà tác giả Hoài Quân phê phán có tiêu đề là “Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ 2015”, chứ không phải liên hoan ảnh tư liệu?

Theo tôi được biết, nói chung cho tất cả các cuộc thi ảnh nghệ thuật đều có thể lệ rõ ràng và giống nhau:

- Ở một mức độ vừa phải, có cho phép sử dụng phần mềm Photoshop, cụ thể như có thể dùng lệnh Cut để hiệu chỉnh khuôn hình bức ảnh cho phù hợp; sử dụng lệnh Expotsure để ổn định màu sắc của bức ảnh; Sharpen để làm sắc nét bức hình; lệnh Repair để xóa bỏ một vài chi tiết phụ không mong muốn, ví dụ như cắt bỏ bịch rác trên bức ảnh bãi cát vàng phẳng mịn; hay xóa đi một vài tờ quảng cáo trên con phố rơi dày lá thu vàng thơ mộng, vv...;

- Và thể lệ cuộc thi không hề quy định là được phép cắt ghép hình ảnh từ bức ảnh này qua bức ảnh kia như tác giả Hoài Quân phản ánh. Cũng không được phép dùng Photoshop (và các phần mềm xử lý ảnh khác) để vẽ méo thành tròn, tròn thành vuông?

- Thể lệ cuộc thi cũng yêu cầu người tham gia dự thi phải gửi file gốc của ảnh dự thi tới ban tổ chức để kiểm tra tính chân thực. Những ai có trình độ kỹ thuật Photoshop đều biết, mọi bức ảnh khi qua xử lý kỹ thuật đều bị phần mềm ghi lại dấu vết. Dấu vết ấy được ẩn đằng sau bức hình và người chấm thi chỉ cần đúp chuột phải để xem lịch sử bức ảnh thì sẽ phát hiện ngay ra ảnh có lắp ghép hay không? Có vẽ méo thành tròn hay không?

Thể lệ là phải theo chung, huống hồ chi “Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ” là một cuộc thi có tính chất truyền thống, tất yếu thành phần ban giám khảo ít nhiều phải có uy tín, có kinh nghiệm chấm thì ở nhiều cuộc thi khác mới được mời tới?

Tác giả Hoài Quân viết:

“...Phải chăng, nghệ sĩ  nhiếp ảnh đã bất lực, không thể nào tự tin với chiếc máy ảnh cùng tấm phim, file ảnh gốc để nói lên rung cảm của mình trước cuộc đời? Họ không đủ tài năng, sự kiên nhẫn cùng sức lực, vật lực để chụp một bức ảnh hiện thực như nó vốn có mà đành phải can thiệp lớn bằng Photoshop?”

Đây là một nhận xét chủ quan và có phần xúc phạm các nghệ sĩ nhiếp ảnh tham gia cuộc thi. Tôi sẽ gửi vào đây 4 hình ảnh tuy không xuất sắc để có thể dự thi, nhưng lại đủ để bàn về cách nhìn nhận và phân biệt hai phương pháp chụp bằng sử dụng kỹ thuật số, hay là dùng phần mềm xử lý ảnh Photoshop để lắp ghép?

 

Bốn bức ảnh này chụp cùng một địa điểm và thời điểm. Tôi xin cam đoan  đây là hình ảnh tự nhiên, không qua xử lý Photoshop.

- Bức số 1: Chụp ở chế độ Auto, tức cứ mở máy ảnh là chụp, không sử dụng đến các lệnh KTS của máy ảnh. Tất nhiên ảnh chỉ sử dụng làm tư liệu được thôi chứ không thể gọi là ảnh nghệ thuật được, vì nó chỉ ghi lại hiện trạng chứ không có chút nghệ thuật nào.

- Bức số 2 & 3: tôi chuyển chế độ màu tùy chọn, độ tương phản tùy chọn, độ nét tùy chọn, màn hình trập 2”. Kết quả dòng nước phun lên bông hơn, mềm mại hơn, ánh đèn lấp lánh hơn và màu sắc lung linh. Với kiểu chụp này, bạn không thể để chế độ chụp liên tục, mà chỉ có thể chụp phơi sáng từng ảnh một.

- Bức thứ 4: tôi vẫn giữ nguyên chế độ chụp như ảnh 2 & 3, nhưng ngay lúc bấm máy đã có một cơn gió vô tình tạt ngang và tôi đã kịp nháy đúng thời điểm gió tung nước lên, khiến cho bức hình giống như bức họa. Ai bảo là không chân thực? Tôi chụp ảnh chứ có vẽ ảnh, hay Photoshop ảnh đâu? Còn cơn gió ngang qua làm lung lay dòng nước cũng là khoảnh khắc có thật cơ mà?

Người không quen chụp ảnh kỹ thuật số khi nhìn vào sẽ cho là bức ảnh số 2, 3, 4 của tôi không hiện thực, là Photoshop. Còn tôi thì dám thách đố ai có thể Photoshop được bức hình khoảnh khắc số 4 của tôi? Bởi đơn giản, khoảnh khắc gió thổi chỉ xảy ra một lần, cơn gió đến sau sẽ thổi luồng khác đi, cho nên lần bấm máy sau vài giây thôi đã cho đường nét khác đi, làm gì có bức thứ hai để lắp ghép? Đó là chưa nói đến hiệu ứng sắc màu và những tia nước li ti dễ gì photoshop được?

Bàn về kỹ thuật Photoshop. Không phải cứ có ảnh trong tay là có thể sửa cho đẹp hơn được. Có những bức hình đẹp hơn sau xử lý, nhưng không hiếm những bức hình không thể xử lý nổi bằng photoshop. Nếu nghĩ Photoshop có thể biến bất kỳ con quạ nào cũng có thể thành công được thì hết sức nhầm lẫn.

Bàn về nhiếp ảnh kỹ thuật số cũng vậy. Để chụp ảnh tư liệu, bạn chỉ cần nhanh tay máy chớp lấy khoảnh khắc, cho dù cái ảnh đó nhôm nhoam cả rác rưởi càng tốt, càng được cho là giàu tính hiện thực. Nhưng để chụp ảnh nghệ thuật, đòi hỏi nhiều thứ: nào là phương pháp sử dụng các hiệu ứng ống kính; hiệu ứng ánh sáng của trời đất; cảm xúc và con mắt  nghệ thuật của người cầm máy để biết đặt góc máy phù hợp; ngoài ra còn phải có chút cơ duyên may mắn nữa mới gặp được những khoảnh khắc hiếm hoi trong đời. Và mục đích hướng tới của nhiếp ảnh nghệ thuật là phải làm chìm bớt các chướng ngại vật xung quanh bức ảnh để đối tượng chính được nổi bật.

 

 

Như thế nào được gọi là chân thực?

Cái chân thực trong ảnh tư liệu là sự chân thực trần trụi của đời sống, trần trụi của lịch sử. Còn chân thực trong ảnh nghệ thuật nó nằm ở phần linh hồn của bức ảnh. Bởi thế một bức ảnh nghệ thuật phải được đặt tên chủ đề. Nếu chủ đề là “nét vẽ công trình” thì chỉ cần xác định đối tượng làm nên nét vẽ mà thôi, bối cảnh không liên quan có thể dùng kỹ thuật số để làm mờ vừa phải hay mờ hẳn ngay khi tác nghiệp. Thậm chí người chụp ảnh cũng có quyền xóa một vài chướng ngại vật gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ bức ảnh. Tất nhiên một bức ảnh sẽ được đánh giá cao khi lồng được hai giá trị nghệ thuật và tư liệu làm một.

Lại bàn về “sự rung cảm”. Thật là một khái niệm trừu tượng khó bàn. Tôi thích dân ca, bạn thích nhạc trẻ; tôi thích tranh Bùi Xuân Phái; bạn thích tranh Nguyễn Tư Nghiêm. Nghĩa là ai thích gì sẽ rung động nấy. Khi bước vào phòng triển lãm mà bạn đã có định kiến trước trong đầu rằng những bức tranh kia đẹp là nhờ Photoshop thì tất nhiên không còn rung cảm được nữa. Ngược lại, những người có chút ham mê chụp ảnh nghệ thuật sẽ thích thú săm soi xem tác giả ngồi đâu, góc nào và thời điểm nào, dùng phương pháp nào, để chộp được khoảnh khắc hai cái cần cẩu cong cong châu vào nhau. Thích thú săm soi đồng nghĩa với ít nhiều đã gửi cảm xúc vào đó. Nghĩa là khi tác giả Hoài Châu không có sự rung cảm với những bức ảnh trong phòng trưng bày, thì vẫn còn những người khác rung cảm, bởi cảm nhận nghệ thuật mỗi người một khác. Vậy có là vội vàng hấp tấp chăng khi dùng cảm xúc cá nhân để phủ quyết?

Xin nói một lời công bằng cho Photoshop. Có một lần tôi nhận giúp khôi phục, chỉnh sửa gần 500 bức ảnh cũ của hai gia đình cô dâu chú rể là bạn đồng hương. Có những bức ảnh quá cũ, quá hoen ố, phải thay toàn bộ hình nền. Sau đó thì đem ảnh đã xử lý làm thành một clip để dùng chiếu trong đám cưới. Phía thông gia là người Anh và bà mẹ chồng đến từ phương Tây xa xôi ấy đã vừa xem vừa khóc trước màn hình. Vậy thì ai bảo Photoshop là không còn tính chân thực chứ? Nếu không còn tính chân thực thì làm sao người mẹ còn rung cảm để có thể khóc? Thiết nghĩ, ảnh còn tính chân thực hay không? Còn giữ được cảm xúc nghệ thuật hay không? Điều đó hoàn toàn nhờ vào khả năng cảm thụ nghệ thuật lồng ghép trong trình độ kỹ thuật của người xử lý Photoshop.

Bàn về sức lao động của người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Chụp ảnh tư liệu thì có thể để chế độ chụp hàng loạt, còn chụp ảnh nghệ thuật thì phải bấm may từng cái, phải căng mắt căng óc tính toán chi li thời điểm bấm máy. Chỉ cần run tay một chút, lệch góc máy một vài độ, chậm ngón tay bấm một vài giây là đã có thể chuyển từ thành công sang thất bại. Bấy nhiêu cũng đủ để không nên vội vã kết luận: “...Họ không đủ tài năng, sự kiên nhẫn cùng sức lực, vật lực để chụp một bức ảnh hiện thực như nó vốn có mà đành phải can thiệp lớn bằng Photoshop?”.

Có lẽ cần phải định nghĩa lại “tính chân thực” của bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật ở góc nhìn rộng mở hơn. Chứ ảnh nghệ thuật mà đòi hỏi phải để cả rác rưởi để đảm bảo tính chân thực thì nghệ thuật có còn?

Theo Văn Hóa Nghệ An

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng