Văn nghệ trong nước
Văn Cao với Đội danh dự Việt Minh
09:34 | 11/09/2015

háng 10/1944, nhạc sĩ Văn Cao sáng tác bài “Tiến Quân Ca” tại 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội. Tháng 11/1944, ông tự tay viết bài “Tiến Quân Ca” lên đá in trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc Lập. Một tháng sau khi báo phát hành, Văn Cao từ cơ sở in bí mật (tại làng Bát Tràng) trở về Hà Nội.

Văn Cao với Đội danh dự Việt Minh
Nhạc sĩ Văn Cao.

Vài ngày sau, Văn Cao gặp lại Vũ Quí báo cáo tình hình công việc. Vũ Quí rất vui:

- Văn làm tốt lắm. Báo Độc Lập tuy thuộc đảng Dân chủ nhưng vẫn là tờ báo của Mặt trận Việt Minh nên cậu và Thi vẫn phải phụ trách biên tập và ấn loát. Sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới. Nạn đói hoành hành khắp nơi. Lòng dân vô cùng phẫn nộ và căm thù khi phải chịu cảnh áp bức bóc lột "một cổ hai tròng" của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật. Khả năng bọn chúng sẽ hất cẳng nhau để giành quyền cai trị. Như vậy sẽ có lợi cho chúng ta.

Cần phải chuẩn bị lực lượng, thành lập các đội vũ trang, các đội tuyên truyền tại các địa phương, khi thời cơ đến chúng ta sẽ kêu gọi quần chúng nhân dân vũ trang khởi nghĩa cướp chính quyền. Liệu Văn có thể đứng ra thành lập một đội dược không?

-  Được chứ anh. Từ lâu tôi đã muốn được làm một công việc cụ thể, được cầm súng tham gia vào một đội vũ trang, một công việc mạo hiểm có thể hy sinh…

-  Mình biết. Và mình tin Văn. Có điều, đội của Văn không phải là đội vũ trang thông thường, nhiệm vụ của đội chủ yếu làm công tác trừ gian và bảo vệ an toàn cho các đội viên tuyên truyền tại các nơi công cộng…Công việc nguy hiểm, yếu tố bí mật - cảnh giác phải đặt lên hàng đầu. Mình sẽ trực tiếp giao nhiệm vụ cho Văn. Đội trừ gian của Văn có tên là Đội danh dự Việt Minh.

Đội danh dự Việt Minh được thành lập vào cuối tháng 12/1944 tại căn gác nhỏ của Văn Cao ở 45 phố Nguyễn Thượng Hiền. Những đội viên trong đội đều do Văn  Cao tuyển chọn. Đa số là những người bạn hoạt động với ông ở Hải Phòng. Văn Cao thường xuyên tổ chức những khóa huấn luyện ngắn ngày cho đồng đội của mình về võ thuật, sử dụng vũ khí và kỹ năng hóa trang... (Văn Cao học võ từ năm 9 tuổi. Thời trai trẻ ở Hải Phòng, Văn Cao đã nhiều lần lên võ đài thi đấu và biểu diễn võ thuật).

Đội danh dự Việt Minh của Văn Cao hoạt động rất hiệu quả ở Hà Nội và Hải Phòng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, Nhật nắm quyền cai trị. Thành lập chính phủ bù nhìn do Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Bọn Quốc dân đảng cấu kết với Nhật ra sức chống phá Mặt trận Việt Minh. Chúng thành lập tổ chức Đoàn thanh niên Đại Việt đặt trụ sở tại phố Nhà Thờ do tên Võ Văn Cầm chỉ đạo.

Nhiều cơ sở cách mạng của chúng ta tại Hà Nội và Hải Phòng bị lộ, nhiều cán bộ Việt Minh bị Nhật bắt đều do những tên Việt gian bán nước chỉ điểm. Để ngăn chặn tối đa những tổn thất cho ta, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ như: viết thư cảnh cáo, gặp trực tiếp răn đe… Văn Cao cùng đồng đội đã khống chế, vô hiệu hóa và cảm hóa được nhiều tên Việt gian chỉ điểm.

Với Văn Cao việc phải trừ khử một người là điều ông không hề muốn. Nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, vì sự sống của muôn người nên bắt buộc ông phải ra tay tiêu diệt những tên Việt gian ngoan cố. Ta có thể hiểu ông qua những câu thơ ông để lại: "Giữa sự sống và cái chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống/ Tôi chọn sự chết".

Trong Văn Cao có hai con người. Con người của nghệ thuật và con người làm cách mạng. Nhiều người muốn tìm hiểu phần con người thứ hai của ông. Nhất là những sự kiện mọi người gọi là "thành tích phi thường" ông đã làm trong thời gian phụ trách Đội trừ gian. Ông thường né tránh và ít khi nhắc đến.

Có lần ông tâm sự với tôi: "… Bố đã từng giết một con người… Ông ta nhìn vào họng súng, nhìn bố với đôi mắt ngơ ngác như muốn hỏi - Sao lại giết tôi. Cho đến giờ, bố vẫn bị ám ảnh vì đôi mắt ấy…".

Có hai vụ việc do đích thân Văn Cao thực hiện mà ông và những người đồng đội gặp nhau thường hay nhắc đến:

1- Vụ Võ Văn Cầm tại Hà Nội

Võ Văn Cầm là một tên cầm đầu tổ chức Thanh niên Đại Việt, có trụ sở đóng tại phố Nhà Thờ. Cầm thường xuyên tụ tập lũ tay chân cùng hiến binh Nhật gây rối, vây bắt các cơ sở cách mạng của ta. Mặc dù đã bị cảnh cáo nhiều lần, nhưng Cầm vẫn vô cùng hung hăng ngoan cố.

Đầu tháng 4/1945, Văn Cao  được giao nhiệm vụ trừng trị Võ Văn Cầm. Do tính chất quan trọng của vụ án, ông Lê Trọng Nghĩa (được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về phụ trách đảng Dân chủ) điều đồng chí Phạm Văn Mẫn (sau này là Đại tá, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Công an) về hỗ trợ Văn Cao. Hai người thay nhau mật phục gần trụ sở của Cầm. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, sau nhiều ngày điều tra, Văn Cao đã nắm được quy luật đi lại của Cầm.

Võ Văn Cầm có một cô vợ bé ở chợ Mơ. Mỗi lần về thăm vợ, hắn thường đi xe kéo, còn tên Ba Mai làm bảo vệ đạp xe đi cùng. Tuyến đường đi của hắn từ trụ sở qua Hàng Trống xuôi Bà Triệu đến Nguyễn Du rẽ lên Phố Huế rồi về chợ Mơ. Theo kế hoạch, Mẫn bám theo Cầm từ trụ sở, một đồng đội của Văn Cao là Đ.H.I đón ở góc phố Bà Triệu. Khi Cầm đi qua Đ.H.I cũng bám theo, còn Văn Cao sẽ đợi trước cửa hàng thuốc Phố Huế gần chợ Hôm.

Khi nhận được tín hiệu của Mẫn, Văn Cao sẽ tiến lên trực tiếp bắn Cầm. Mẫn và Đ.H.I có nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ Văn Cao rút lui. Tuy nhiên đã xảy ra một bất ngờ mà Văn Cao không lường trước được. Đ.H.I mới được Văn Cao đưa vào hoạt động nên khi cùng Mẫn bám theo Cầm đến đầu chợ Hôm, do muốn lập công, Đ.H.I đã tự ý vượt lên bắn Cầm bằng khẩu Bronin khiến Mẫn không kịp trở tay. Đ.H.I bắn trượt, Cầm hoảng sợ chui xuống gầm xe. Đ.H.I đạp xe chạy. Tên Ba Mai rút súng định đuổi theo bắn Đ.H.I nhưng Mẫn đã kịp thời bắn chết Ba Mai.

Vụ án không thành công nhưng cũng gây chấn động tại Hà Nội khiến bọn Việt gian hoảng sợ không dám hung hăng như trước.

2 - Vụ Đỗ Đức Phin tại Hải Phòng

Đỗ Đức Phin nguyên là giáo viên, hắn giỏi tiếng Nhật nên thường mở lớp dạy tiếng Nhật tại nhà. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Đỗ Đức Phin ra làm thông ngôn cho Nhật và trở thành một tên tay sai đắc lực. Là dân Hải Phòng nên hắn quen biết nhiều và thông thuộc mọi ngõ ngách trong thành phố.

Sau một thời gian ngấm ngầm điều tra các cơ sở cách mạng của ta, cuối tháng 6/1945, được Phin chỉ điểm, Nhật tổ chức một chiến dịch truy quét các cơ sở cách mạng của ta trong thành phố. Hàng loạt các cán bộ cách mạng bị bắt. Các cơ sở của ta trong thành phố gần như mất trắng. Trần Liễn, một người bạn và là đồng đội của Văn Cao chạy thoát lên Hà Nội báo cáo tình hình ở Hải Phòng cho Văn Cao biết và đề nghị Văn Cao về Hải Phòng trừ khử Đỗ Đức Phin.

Văn Cao giao nhiệm vụ cho Trần Liễn về Hải Phòng tổ chức theo dõi quy luật của Đỗ Đức Phin. Được phép của cấp trên, Văn Cao xuống Hải Phòng. Trước khi vào thành phố, Văn Cao vào một cơ sở của ta trong làng Do Nha. Văn Cao hóa trang thành một ông lão, mượn xe đạp vào thành phố. Những người thân trong gia đình cùng bạn bè khi tiếp xúc, không ai nhận ra ông. Văn Cao yên tâm về khả năng hóa trang của mình.

Ông về nhà Doãn Tòng ở Lạc Viên là nơi ông vẫn thường lui tới mỗi khi về Hải Phòng. Tại đây những người bạn cũng là đồng đội của Văn Cao đều đã có mặt. Trần Liễn báo cáo cho Văn Cao về địa điểm Đỗ Đức Phin thường lui tới hàng ngày. Đó là một tiệm hút thuốc phiện tại góc phố Phan Bội Châu, gần Vườn hoa đưa người. Văn Cao lên kế hoạch hành động và phân công việc cụ thể cho từng người.

Hôm sau đến giờ hành động thì Đức Dược hớt hải đến báo không tham gia được vì gia đình bên Thủy Nguyên có việc gọi về. Văn Cao lấy lại của Dược khẩu Bronin bình thản đút vào túi áo măngtô. (Dược là người được phân công chặn cửa cầu thang bảo vệ cho Văn Cao). Doãn Tòng lấy xe đạp đèo Văn Cao đến hết đường Cát Cụt, Văn Cao xuống xe bảo Doãn Tòng trở về.

Văn Cao sang đường, qua Vườn hoa đưa người. Thấy Trần Liễn ngồi ở hàng nước vỉa hè góc phố ra ám hiệu an toàn. Văn Cao trong vai một ông chủ thầu, râu tóc gọn gàng, kính râm mũ phớt bình thản đi dạo phố. Đến góc phố Phan Bội Châu, liếc mắt nhìn sang tiệm thuốc phiện thấy chiếc xe đạp dựng vỉa hè trước cửa tiệm.

Bên này đường, chú bé Trần Khánh 14 tuổi đang nhảy lò cò (Trần Khánh sau này là ca sĩ nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam), Văn Cao hiểu rằng Đỗ Đức Phin đang hút trên căn gác hai.

Văn Cao lách cửa vào, bình tĩnh lên gác. Đứng đầu cầu thang nhìn vào phòng, Văn Cao xác định được Đỗ Đức Phin nằm hút sát tường trên sập, mặt hướng ra cửa. Tên bảo vệ ngồi dưới chân Phin, quay lưng lại nên không nhìn thấy Văn Cao. Vài ba người khách cũng đang nằm hút xung quanh. Văn Cao rút khẩu côn tiến vào:

- Tất cả nằm im! Tôi là người của Việt Minh tuyên bố xử tử tên Việt gian bán nước Đỗ Đức Phin làm tay sai cho Nhật, chống phá Cách mạng, có nhiều tội ác với nhân dân…

Tên bảo vệ của Phin giật mình quay lại. Nhìn thấy khẩu súng trong tay Văn Cao vung lên, hắn sợ hãi chui tọt vào gầm phản. Văn Cao chĩa súng vào mặt Phin quát:

- Đỗ Đức Phin! Mày đã biết tội chưa?

Đỗ Đức Phin ngóc đầu dậy, đôi mắt ngơ ngác nhìn họng súng chĩa vào mình rồi lại nhìn Văn Cao như muốn hỏi: Sao lại giết tôi? Văn Cao bóp cò. Một tiếng  cạch khô khốc vang lên. Súng bị hóc đạn. Văn Cao không một chút bối rối. Ông bình tĩnh nhét khẩu côn vào bụng rồi móc túi áo măngtô rút khẩu Bronin vẩy 2 phát đạn găm vào ngực Đỗ Đức Phin. Bắn xong, Văn Cao bình tĩnh xuống gác lách cửa ra, nhảy lên xe đạp hòa vào dòng người đi ra thành phố.

 

Cuộc mít tinh của 20 vạn đồng bào tại Nhà Hát Lớn ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

3 - Những ngày tháng Tám

Ngày 17/8/1945, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức một cuộc mít tinh lớn của viên chức Hà Nội tại Quảng trường Nhà hát Lớn nhằm mục đích biểu dương lực lượng, kêu gọi nhân dân phản đối Mặt trận Việt Minh. Nắm được tình hình đó, Thành ủy Hà Nội đã quyết định phá cuộc mít tinh của viên chức chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim biến thành cuộc mít tinh của ta, kêu gọi quần chúng nhân dân Hà Nội ủng hộ Cách mạng, ủng hộ Mặt trận Việt Minh vũ trang giành chính quyền.

Đội  danh dự Việt Minh của Văn Cao cũng được giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho những cán bộ của ta trong đội tuyên truyền, vô hiệu hóa những phần tử quá khích… Khi cuộc mít tinh của chính phủ bù nhìn vừa mới bắt đầu, một đội viên trong đội của Văn Cao là Phạm Đức đã nhanh chóng trèo lên ban công tầng hai của Nhà hát Lớn buông một lá cờ đỏ sao vàng lớn cùng với ông Trần Lâm (sau này là Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam). Sau đó Phạm Đức chạy xuống cướp micrô và hát “Tiến Quân Ca”.

Hàng nghìn người dân trước quảng trường reo hò, đồng thanh hát vang bài “Tiến Quân Ca” và hô vang những khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh. Cuộc mít tinh của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đã hoàn toàn thất bại và biến thành cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của ta.

Ngày hôm đó Văn Cao bị ốm, ông phải giao vũ khí cho đồng đội của mình. Nhưng ông vẫn cố gắng đến để chứng kiến. Hòa trong dòng người trước Quảng trường, nhìn lá cờ đỏ "sao vàng phấp phới" buông từ ban công Nhà hát Lớn xuống và “Tiến Quân Ca” vang lên như một trái bom. Nước mắt Văn Cao trào ra. Chung quanh Văn Cao hàng ngàn giọng hát cất lên. Trên tay áo của mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay cho những băng vàng bẩn thỉu của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

Ngày 19/8, tại Nhà hát Lớn, trước hàng ngàn quần chúng nhân dân, giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, Văn Cao đã chỉ huy dàn đồng ca thiếu niên tiền phong hát vang bài “Tiến Quân Ca”.

“Tiến Quân Ca” như một hồi kèn xung trận, đồng hành cùng quần chúng nhân dân nổi dậy cướp chính quyền góp phần làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử.

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, hàng chục vạn người dân Thủ đô đã hát vang bài “Tiến Quân Ca” trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay dưới bầu trời xanh lộng gió. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mấy ngày sau, theo chỉ thị của trên, Văn Cao bàn giao lại vũ khí, Đội danh dự Việt Minh của Văn Cao giải thể.

Văn Cao lại trở về với công việc làm báo.

Theo Văn Thao - ANTG

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng