Văn nghệ trong nước
Trò chuyện với Romeo và Juliet trên sân khấu Việt
09:31 | 06/05/2009
Vở kịch kinh điển Romeo & Juliet được mang từ Anh sang biểu diễn trên sân khấu một nhà hát cũ kỹ của TP.HCM. Khán giả có món lạ để thưởng thức còn người trong nghề xem, học hỏi nghệ sĩ bạn làm nghệ thuật như thế nào trong điều kiện hạn chế.
Trò chuyện với Romeo và Juliet trên sân khấu Việt
Đôi diễn viên Dan Wilder và Rachel Lynes trên sân khấu Nhà hát Kịch TP.HCM

Nhà hát kịch TNT, Anh quốc đã có buổi biểu diễn đầu tiên vở kịch nổi tiếng Romeo & Juliet tối 5/5 trên sân khấu Nhà hát Kịch TP.HCM trong chuyến lưu diễn 10 ngày tại Việt Nam. Các thành viên của đoàn có buổi gặp gỡ với báo giới trước giờ công diễn.

Đã có rất nhiều diễn viên thể hiện xuất sắc hình ảnh đôi tình nhân Romeo và Juliet nổi tiếng từ hàng trăm năm qua. Anh, chị có gì để làm mới những nhân vật quen thuộc này?

Diễn viên Rachel Lynes (vai Juliet): Tôi không quan tâm các diễn viên khác đã làm gì. Tôi chỉ đến với nhân vật bằng những gì thật nhất của mình, bằng cách của chính tôi.

Dan Wilder (vai Romeo): Câu chuyện tình nổi tiếng của Romeo và Juliet đã đi qua tôi để tôi hóa thân, chứ không phải tôi tiếp cận vai diễn để thể hiện, để diễn.

Để đạt được điều đó, hẳn phải mất nhiều thời gian?

Rachel Lynes: Khi diễn vai Juliet, tôi cố gắng nghe lại chuyện tình yêu đầu đời của mình để có cảm xúc diễn. Mối tình đầu luôn mang đến một cảm giác khác lạ của người mới biết yêu. Tôi luôn cố gắng thả mình vào hành trình của một thiếu nữ 14 tuổi trong suốt hơn hai giờ của vở diễn.

Dan Wilder: Chúng tôi mất 4 tuần để tập luyện và gần như ngày nào cũng phải biểu diễn. Romeo là vai diễn ấn tượng nhất chứ chưa phải là vai để đời của tôi. Tôi đã đóng nhiều vai, nên nhiều khi quên mất... mình là ai.

ĐD Lê Quý Dương, người mời đoàn TNT sang biểu diễn:

Doanh thu bán vé chúng tôi đã thu được khoảng 5.000 euro. Những chương trình như thế này sẽ thu lại dần khoảng cách giữa ta và bạn. Đây có thể chưa phải là vở Romeo & Juliet hay nhất, nhưng đó là một cách làm, một cách diễn. Chúng ta xem để tham khảo rằng trong một không gian nhà hát như thế, trong điều kiện như vậy, nghệ sĩ nước bạn sẽ làm, sẽ diễn như thế nào.

Nhà hát TNT là một trong những đoàn nghệ thuật lưu diễn nhiều nhất thế giới. Cuộc sống của anh, chị có bị đảo lộn?

Rachel Lynes: Đi lưu diễn nhiều nên tôi rất nhớ London , nơi tôi có rất nhiều bạn bè ở đó. Nhưng tôi còn trẻ, chưa có ràng buộc gì nên cuộc sống cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
 
Dan Wilder: Năm ngoái tôi đóng vai Hamlet cũng trên sân khấu Nhà hát TNT, năm nay tôi vào vai Romeo. Hai năm rưỡi qua tôi chỉ sống ở khách sạn, tôi sống một cuộc sống nhanh và tự do. Đi lưu diễn nhiều, tôi như trở thành công dân của thế giới, chứ không chỉ còn là một công dân Anh nữa.

Những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ có trở thành rào cản để vở diễn đến với công chúng của các nước mà đoàn đi qua?

Natalia Campbell (vai nhũ mẫu): Ngôn ngữ kịch trong vở Romeo & Juliet của Shakespeare dùng nhiều tiếng Anh cổ, ngay cả người Anh cũng không hiểu. Nhưng chúng tôi thể hiện thiên về phần nhìn nhiều hơn, đạo diễn dàn dựng vở là cho tất cả khán giả, dù họ nói ngôn ngữ gì, đến từ quốc gia nào, bởi hầu hết khán giả đều đã biết câu chuyện tình nổi tiếng này.

Giả dụ, nếu Romeo không chết?

Dan Wilder: Romeo là người nồng nhiệt, cá tính, sẵn sàng lấy cái chết đạt được điều mình mong muốn. Tôi nghĩ nếu Romeo không chết thì họ sẽ... ly dị.

Rachel Lynes: Khi vào vai, tôi tự hỏi đây có phải là tình yêu thật sự hay chỉ là cảm xúc mãnh liệt của tuổi trẻ. Romeo và Juliet luôn thách thức tình cảm của nhau, điều đó tạo ra những liên kết trong câu chuyện, và tình yêu chân thực từ đó cũng hiện ra.

Natalia Campbell: Tuy vở Romeo & Juliet rất bi thương, nhưng điều đó để lại dư âm cho người xem, chứ không như một vở hài kịch giải trí. Nếu vở kịch này không bi thương, liệu nó có tồn tại hàng trăm năm qua hay không?

Trong một vở kịch trên sân khấu Việt Nam, có tác giả đặt giả thiết Romeo là người đồng tính. Là người hóa thân Romeo, anh nghĩ gì?

Dan Wilder:
Romeo và Juliet có một tình yêu rất trong sáng. Giả thiết người bạn thân nhất của Romeo có thể là người đồng tính thì tôi có nghe, chứ giả thiết tương tự về Romeo thì tôi chưa nghe bao giờ. Tôi không nghĩ Romeo là người đồng tính. Romeo yêu Juliet và yêu tất cả mọi người, điều đó là thật nhất.

Lưu diễn nhiều nước, trong đó có Việt Nam, liệu nhà hát TNT có dự định dàn dựng một vở diễn kinh điển nào đó của Việt Nam?

Nhà sản xuất Grantly Marshall: Ý tưởng này rất hay nhưng rất mạo hiểm. Đây là công việc khó cho chúng tôi, những nhà sản xuất... Không phải chúng tôi không thích thú với những vở kịch kinh điển của Việt Nam hay các nước khác. Chi phí một vở diễn của chúng tôi khoảng 700.000 euro. Nhưng kinh phí đầu tư vở diễn của chúng tôi đến từ khán giả, chứ không phải chúng tôi bỏ vốn ra dàn dựng. Khán giả không đến với chúng tôi thì nhà hát không có tiền để tái đầu tư, vận hành tiếp được.

Tuy nhiên, sắp tới chúng tôi cũng sẽ dàn dựng một vở kịch Tây Ban Nha nói tiếng Anh, diễn ở Tây Ban Nha, và một vở kịch Trung Quốc có diễn viên Trung Quốc tham gia, sẽ diễn ở Thượng Hải. Nếu có cơ hội, chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng hợp tác với diễn viên Việt Nam.

                                                                                                         Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng