Văn nghệ trong nước
Sẽ đình chỉ hoạt động đơn vị tổ chức biểu diễn quảng cáo sai
13:45 | 06/05/2009
Thời điểm này, nhiều người dân Hải Phòng vẫn chưa hết bức xúc vì xem chương trình Táo Quân “ngó” tổ chức tại Nhà hát Tháng Tám (Hải Phòng) tối 30.4 vừa qua. Nói là “ngó”, vì các “Táo” chỉ có trên băng rôn quảng cáo, còn nội dung biểu diễn thì chẳng liên quan đến chương trình Gặp gỡ cuối năm của VTV phát sóng trong đêm giao thừa Tết Kỷ Sửu.
Sẽ đình chỉ hoạt động đơn vị tổ chức biểu diễn quảng cáo sai
Băng rôn quảng cáo "Táo Quân 2009" tại Hải Phòng vừa qua

Quảng cáo một đằng, diễn một nẻo

Với hình ảnh cũng như lời quảng cáo trên xe chạy khắp thành phố, cùng  băng rôn  căng trước khu vực Nhà hát Tháng Tám, khán giả Hải Phòng chắc đến “mười mươi” một lần nữa được thưởng thức chương trình Gặp gỡ cuối năm mà sức hấp dẫn và  độ thú vị được đánh giá là “đỉnh” so với các chương trình Táo Quân mà VTV đã làm những năm trước. Giá vé không rẻ, từ 120.000 đ- 150.000 đ/ vé, nhưng người xem vẫn nô nức. 800 ghế của Nhà hát chật kín. Vẫn có nhiều người tiếc rẻ vì không mua được vé. Vì thế, có thể hiểu sự bức xúc của người xem khi chương trình diễn ra trên sân khấu không phải là những gì họ chờ đợi. Sau màn nhảy hip hop vụng về của  ba vũ công, một số bài hát  do những ca sĩ không mấy tên tuổi biểu diễn, là một số  tiểu phẩm hài.  Hoàn toàn không có Táo  Tiêu dùng - Vân Dung, Táo Thoát nước- Tự Long; Táo Kinh tế- Quang Thắng v.v... cũng như hai vị Nam Tào- Bắc Đẩu (Xuân Bắc & Công Lý)  và cuộc thi  Miss Apple khiến người xem  cười nghiêng ngả dịp cuối năm. Sự có mặt của những gương mặt hài từng đội mũ “Táo” không đủ sức  khỏa lấp nỗi thất vọng của khán giả, khi những gì bày ra trên sân khấu quá nhạt nhẽo. Một số người bỏ về. Một số khác tìm người của đơn vị tổ chức để chất vấn. Những tấm băng rôn quảng cáo chương trình   Gala cười- Táo Quân 2009 nhanh chóng được tháo dỡ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Có hay không việc đơn vị cấp phép làm ngơ?

Việc một chương trình “treo đầu dê...” tổ chức ngay  trung tâm thành phố vào  ngày lễ, khiến không ít người đặt câu hỏi, phải chăng đơn vị cấp phép đã  không duyệt chương trình; hoặc biết  nhưng làm ngơ cho bầu sô trục lợi. Bởi lẽ, trong đêm biểu diễn, người của Sở  cũng ngồi ở vị trí khách mời- ông Trần Tường, Phó  trưởng  phòng Nghiệp vụ  văn hóa (Sở VH,TT&DL Hải Phòng). Trao đổi  với ông Trần Tường về những bức xúc của dư luận, ông Tường cho biết: “Chính tôi cũng bất ngờ. Đây là chương trình do một doanh nghiệp ở Hải Dương tổ chức và bầu sô là ông Trương Văn Trường, địa chỉ 305 Nguyễn Hữu Cầu, Hải Dương. Chương trình này đã được Sở VH,TT&DL Hải Dương cấp phép với nội dung là chương trình hài. Sở VH,TT&DL Hải Phòng đã tiếp nhận và  cho phép  tổ chức  chương trình  tại Hải Phòng. Về nguyên tắc,  Sở  VH,TT&DL không duyệt nội dung chương trình đã được cấp phép mà chỉ xem xét hồ sơ xin quảng cáo chương trình tại địa phương. Đơn vị tổ chức đã  trình ma-két quảng cáo khác với nội dung biểu diễn – Gala cười- Táo Quân 2009 và ông Lại Đình  Ngọc, Phó giám đốc Sở đã gạch ma-két này, yêu cầu đơn vị tổ chức phải  quảng cáo đúng với nội dung sẽ biểu diễn. Họ đồng ý, nhưng rồi sau đó lại thay băng, biển với nội dung không được cấp phép  vào  ngày biểu diễn, với mục đích chụp giật, thu hút khán giả. Vì chương trình tổ chức vào ngày lễ, quá nhiều việc, nên chúng tôi cũng sơ suất không giám sát chặt chẽ. Khi phát hiện, tôi đã kiên quyết yêu cầu  đơn vị tổ chức tháo dỡ biển quảng cáo và họ đã thực hiện, nhưng ở thời điểm chương trình đã bắt đầu”.

Tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Hà (Nhà hát Tháng Tám), khi đến ký hợp đồng thuê địa điểm biểu diễn, ông Trương Văn Trường  đã xuất trình giấy phép tổ chức biểu diễn của Sở VH,TT&DL Hải Phòng. Theo bản hợp đồng số 47 này thì chương trình được cấp phép có tên là Táo Quân 2009 (?). 

Về điều này, ông Lại Đình Ngọc cho biết,  đang yêu cầu các cá nhân và đơn vị liên quan đến chương trình tổ chức biểu diễn trên báo cáo và tập hợp tài liệu. Trong tuần này sẽ tổ chức cuộc họp xem xét  sai phạm của đơn vị biểu diễn để có quyết định xử lý đúng mức. 

Còn ông Trần Tường thì khẳng định: “Doanh nghiệp Vạn Phúc (đơn vị tổ chức biểu diễn) đã sai phạm trong việc quảng cáo sai với nội dung được cấp phép. Thậm chí là cố tình sai phạm. Với mức độ sai phạm này, Sở sẽ đình chỉ hoạt động tổ chức biểu diễn của doanh nghiệp Vạn Phúc trên địa bàn Hải Phòng, đồng thời thông báo cho Sở VH, TT & DL Hải Dương- nơi đơn vị đặt trụ sở hoạt động và các địa phương khác”.

Xử lý thì đúng rồi. Sai phạm thì phải xử. Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn về trách nhiệm của  đơn vị cấp phép. Bởi, nếu đã “gạch” từ trong hồ sơ xin cấp phép, đã phát hiện sự chụp giật của đơn vị tổ chức biểu diễn... sao lại không giám sát để  phát hiện sớm khi họ trương băng, biển quảng cáo ngay trung tâm thành phố trước giờ biểu diễn 1-2 ngày; thậm chí xe quảng cáo chạy khắp thành phố  với những lời lẽ quảng cáo  không có trong nội dung cấp phép? Và tại sao, băng rôn quảng cáo sai chỉ bị tháo dỡ sau khi chương trình đã được biểu diễn nhiều phút mà không phải ngay lập tức, trước giờ mở màn? Nếu tháo dỡ sớm, biết đâu nhiều khán giả đã không mất tiền “oan” để vào xem một chương trình chỉ mua lấy bức xúc?

Chúng tôi trông đợi vào sự nghiêm túc của các đơn vị cấp phép

Sau khi có thông tin về chương trình “đội mũ” Táo Quân 2009 biểu diễn tại Hải Phòng , chúng tôi đã điện thoại kiểm tra các nghệ sĩ tham gia chương trình Gặp gỡ cuối năm. Họ cho biết, việc lấy tên Táo Quân 2009 để quảng cáo là do bầu sô tự ý làm. Họ chỉ được mời diễn hài- những tiểu phẩm riêng biệt của từng nhóm nghệ sĩ. Lẽ ra khi phúc khảo để cấp phép biểu diễn, hoặc thụ lý hồ sơ cấp phép quảng cáo, đơn vị cấp phép phải xem xét kỹ, biết chắc chắn nội dung biểu diễn không phải là Táo Quân 2009 thì phải yêu cầu đơn vị biểu diễn đổi tên chương trình. Nhưng họ đã mặc kệ đơn vị tổ chức treo băng rôn quảng cáo như vậy và đương nhiên chính họ phải làm ngơ thì đơn vị tổ chức mới dám làm như thế. Trước đây, rất nhiều chương trình biểu diễn đều đã ăn theo các tên chương trình của VFC, như: Gặp nhau cuối tuần, Gala cười và bây giờ là Táo Quân khiến chúng tôi rất mất uy tín. VFC không thể và không có đủ khả năng để kiểm soát tất cả các chương trình biểu diễn ở khắp các địa phương trên cả nước. Vì vậy, chỉ trông đợi vào các đơn vị cấp phép biểu diễn. Nhưng nếu các đơn vị cấp phép không nghiêm, không sát sao thì những chương trình “treo đầu dê” nói trên vẫn tiếp tục tái diễn, những bầu sô làm ăn theo kiểu chụp giật vẫn có đất sống và khán giả vẫn tiếp tục bị lừa. (Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Q.Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN)

                                                                                                             Theo VH Online

Các bài mới
Các bài đã đăng