Văn nghệ trong nước
Nhà văn, anh là ai?
09:46 | 22/10/2015

Ở tuổi 80, nhà văn Ma Văn Kháng tiếp tục gửi tới bạn đọc cuốn sách mới nhất, là tập tiểu luận và bút ký về nghề văn với tên gọi "Nhà văn, anh là ai ?".

Nhà văn, anh là ai?
Bìa sách "Nhà văn, anh là ai?" của nhà văn Ma Văn Kháng.

Sau thành công của "Phút giây huyền diệu", tập tiểu luận và bút ký về nghề văn, nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013, thì "Nhà văn, anh là ai?" tiếp tục là cuốn sách được những bạn đọc yêu văn chương, bạn trẻ đang có ý tiệm cận nghề viết, lẫn những người đã “thuộc lòng” Ma Văn Kháng mong chờ, đón đọc.

Mong chờ, đầu tiên là bởi tò mò về sức viết như thách thức với tuổi tác, thách thức với sức khỏe, của lão nhà văn. Thứ đến là, chẳng ai có thể bàn chuyện bếp núc của nghề văn hay và sinh động bằng chính nhà văn, nhất là khi nhà văn ấy thuộc hàng lão làng, chắc chắn có nhiều chuyện để nói, để bàn, cho “ra ngô ra khoai”. Thêm một điều để tò mò, là sau "Phút giây huyền diệu", Ma Văn Kháng còn gì “huyền diệu” cho bạn đọc?

Xin thưa là vẫn còn. Dường như Ma Văn Kháng còn đụng bút là vẫn còn “tuyết”, vẫn phát lộ thêm những vỉa tầng mới.

"Nhà văn, anh là ai?"gồm 3 phần: Nhà văn, anh là ai?Tình cờ nhận ra và Tâm sự nghề nghiệp. Nếu như Tình cờ nhận ra là những ghi chép ngắn, từ vài trăm đến một nghìn từ, về những điều nhà văn bất chợt nhận ra, nhặt được, trong các câu chuyện dọc đường văn, rất đáng để suy nghĩ, để chiêm nghiệm, cho người đọc, người viết rút kinh nghiệm, thì Tâm sự nghề nghiệp lại là những chia sẻ, kỷ niệm về ngày đầu cầm bút, nuôi mộng văn chương, quá trình nỗ lực khẳng định bản thân, cùng những người bạn văn, không gian văn chương, mảnh đất nuôi con người ông, nuôi văn chương ông.

Đấy là phố thị Lào Cai (trong cuốn sách của mình, nhà văn Ma Văn Kháng thường viết là Lao Cai - một tên gọi khác của Lào Cai trước năm 1950), nơi nhà văn bắt gặp “hiện thực chứa đựng trong nó những khuynh hướng thẩm mỹ lớn, vừa dồi dào chất liệu, và chưa một nhát cuốc khai đào” (Lao Cai, miền đất hoa vàng).

Đấy là hành trình từ người thầy giáo đến thư ký riêng cho Bí thư Tỉnh ủy, rồi thành nhà báo, lăn lộn khắp các vùng đất xa xôi hiểm trở trong điều kiện khó khăn nhất. Đi để trải nghiệm, để tích lũy, cao hơn nữa là để thấu thị mảnh đất - con người Lào Cai, cho những trang viết sống động, đầy ắp hơi thở vùng cao sau này (Yêu nghề mà đến với nghề,  Những năm tháng đi và viết).

Đấy là tâm thế những ngày đầu đến với văn chương, ý thức rõ ràng về con đường sáng tạo văn học, trang bị tư thế để dấn thân, như cách Garcia Marquer nói: Muốn trở thành nhà văn, phải được trang bị kiến thức văn học ít ra là 1.000 năm văn học trước mình (Cái nôi sinh thành, Tôi đi học trường Hội). Ngoài ra, ở phần này, nhà văn còn có bài viết chia sẻ về việc ra đời hồi ký "Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương" từng gây chú ý làng xuất bản năm 2009. Một bài viết nữa, rất đáng suy ngẫm, và chưa bao giờ cũ với người viết, là Dấn thân vào chốn hiểm nguy.

Ma Văn Kháng dẫn ra mối liên hệ giữa hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học và hình ảnh nguyên mẫu ngoài đời, phê phán cách soi/ tiếp nhận tác phẩm văn học theo lối “vơ vào”, đến mức nhà văn phải thốt lên “... nhà văn chỉ được phép gửi vào trang văn của mình nhưng kỷ niệm đẹp đẽ riêng tư thôi (...) Còn như gửi gắm cái uất hận vào nhân vật này nhân vật nọ là không có được. Vì như thế là lợi dụng văn chương làm điều hèn hạ. Không! Không đúng. Vì như thế là bất công, là triệt vi tróc vẩy nhà văn, là biến nhà văn thành một gã thi sĩ tụng ca.”

Nhưng có lẽ, sức nặng thật sự của cuốn sách nằm ở phần Nhà văn, anh là ai? Ở phần này, Ma Văn Kháng mổ xẻ nghề văn bằng những nhát dao sắc, đẹp, tinh tế, đầy kĩ thuật, và nhẹ nhàng như không. “Mỗi tác phẩm là một ngày hội của cảm xúc lớn. Bất cứ tác phẩm thật sự cũng là sản phẩm của một cơn si mê, si mê đến điên rồ của cả thể xác lẫn tâm hồn”, và nói như thi sĩ Hoàng Cầm, là phải sống rất thơ cuộc đời mình để có cảm hứng sáng tác (Nhà văn, anh là ai?).

 

" style="box-sizing: border-box; margin-top: 0px; margin-right: 0px; margin-bottom: 0px; padding: 0px; border: 0px; vertical-align: baseline; cursor: -webkit-zoom-in; text-align: justify;"> nha-van-anh-la-ai-2

Ma Văn Kháng là một trong số ít những nhà văn cao tuổi vẫn giữ được sức viết, miệt mài và mê mải.

 

Ma Văn Kháng nói có sách, mách có chứng bằng việc dẫn ra các tác giả Đông Tây Kim Cổ, với Nguyễn Du, Khuất Nguyên, Phạm Thái, Tư Mã Thiên, Heminway, Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Trần Đăng Khoa, ... để nói về cái rủi ro và may mắn trong văn chương với người sáng tác (Nhà văn: Tài năng, rủi ro và may mắn). Rồi cũng từ những dẫn chứng sinh động về tác giả - tác phẩm, Ma Văn Kháng kỹ lưỡng trong việc mạnh dạn tỉa ra những yếu tố cần thiết phù trợ hình thành nhà văn, sau yếu tố năng khiếu, là 1) Trọng thị triệt để sự sống thực tiễn. Sống rồi mới viết; 2) Phải được hưởng thụ một nền học vấn cao; 3) Hiểu biết về nghề nghiệp. Nhưng vẫn không quên nhắc bí quyết để có được một nhà văn, một nghệ sĩ, vẫn là một ẩn số. Văn giới luôn đa sắc diện, quy đồng tất cả vào một khuôn mẫu là bất khả thủ (Thử phác thảo lộ trình phù trợ hình thành nhà văn)...

Không chỉ bàn chi tiết, tỉ mỉ về nghề văn, Ma Văn Kháng còn có cái nhìn khái quát về cả nền văn học nước nhà, đồng thời soi văn học dưới hệ quy chiếu văn hóa dân tộc (Nền văn học của dân tộcTấm gương phản chiếu văn hóa). Hay 34 suy nghĩ ngắn trong Những suy nghĩ bất chợt cũng có nhiều điều cho người đọc… suy nghĩ.

Có thể nói, Ma Văn Kháng là một trong số ít những nhà văn cao tuổi vẫn giữ được sức viết, miệt mài và mê mải. Nhà lý luận - phê bình Phong Lê nói, đại ý, Ma Văn Kháng đã có truyện ngắn, đã có tiểu thuyết, đã có hồi ký. Và tiểu luận, bút ký về nghề văn là một kênh nữa của Ma Văn Kháng. Thật vậy! "Phút giây huyền diệu" là minh chứng, và "Nhà văn, anh là ai?" thêm lần nữa khẳng định rõ hơn, xác đáng hơn về điều này.

Theo Lê Hòa Long - TT&VH

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Quảng cáo