Ngày 29-10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp gia đình nhà văn Nam Cao tổ chức hội thảo “Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Nam Cao (1915-2015)”, với sự tham gia của các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học.
Sinh ngày 29-10-1915 tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam), nhà văn Nam Cao (tên thật là Trần Hữu Tri) đã hy sinh trên đường công tác vào vùng địch hậu trong kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1951 khi mới 36 tuổi. Ông là một trong những nhà văn hàng đầu của nền văn học hiện thực nước nhà giai đoạn 1930-1945, đã để lại nhiều tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật ở các thể loại truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, phản ánh thân phận khốn cùng, bi kịch của những người nông dân nghèo ở làng quê và các trí thức tiểu tư sản của thành thị Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiêu biểu như: Chí Phèo, Tư cách mõ, Lão Hạc, Giăng sáng, Đời thừa, Sống mòn, Đôi mắt... Nhiều tham luận tại hội thảo đã thể hiện những tìm tòi và phát hiện mới về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn liệt sĩ Nam Cao, khẳng định những đóng góp của ông trong nền văn học hiện thực Việt Nam, sức sống lâu bền và ảnh hưởng của ông trong đời sống văn học đương đại.
Theo Báo Nhân Dân