Về bài viết này, có tác giả từng chỉ rõ Ban Mai "đã sao chép nguyên văn (hoặc gần như nguyên văn, chỉ sửa đổi một vài từ) nhiều đoạn văn dài" của người khác, Sau đó Ban Mai biện hộ rằng, "đã ghi chú sai sót trong quá trình làm việc".
Gần đây, NXB Lao động và Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Ðông Tây xuất bản cuốn sách có liên quan tới bài viết trên, với nhan đề Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng của Ban Mai và theo tác giả Nguyễn Hoàn thì cuốn sách có một số nội dung lệch lạc. Báo Nhân Dân trích đăng bài viết của tác giả Nguyễn Hoàn để cung cấp một cách nhìn nghiêm túc về cuốn sách này.
Theo giới thiệu của GS Nguyễn Ðình Chú, tác giả Ban Mai đã làm luận văn thạc sĩ về đề tài Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn, và từ luận văn này, Ban Mai đã tu chỉnh, bổ sung chuyển lên làm sách để cho ra đời cuốn Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng (NXB Lao động, H.2008). Trong cuốn sách này, Ban Mai quả quyết rằng, trên cơ sở tiếp thu kết quả nghiên cứu từ các công trình của những người đi trước, tác giả đã "hệ thống lại, đào sâu thêm, mở rộng hơn nữa, nhằm góp phần khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật ca từ Trịnh Công Sơn trong dòng văn hóa Việt Nam, dưới góc nhìn văn học". Nhưng đọc cuốn sách, tôi thấy thực tế diễn ra không hoàn toàn như vậy, bởi cuốn sách còn nhiều sai lệch, thiếu sót trong đánh giá về Trịnh Công Sơn, về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam, tập trung ở mục IV, phần I, mục này có tiêu đề: Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam.
Viết về Trịnh Công Sơn và nhạc phản chiến của ông, không thể không đề cập đến cuộc chiến tranh ở Việt
và thái độ phản chiến của nhạc sĩ. Tuy nhiên, chỉ khi có sự đánh giá đúng đắn, khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử về cuộc chiến đã qua, về thái độ phản chiến của Trịnh Công Sơn, thì vấn đề Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam mới được bàn đến một cách đúng đắn, rốt ráo, từ đó mới vinh danh một cách xác đáng về giá trị dòng nhạc phản chiến yêu nước của Trịnh Công Sơn, về những đóng góp của Trịnh Công Sơn đối với phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên đô thị ở miền nam trước năm 1975. Nhưng rất tiếc, nghiên cứu của Ban Mai đã không bảo đảm nguyên tắc lịch sử và lô-gích, không dựa vào chân lý lịch sử hiển nhiên, khách quan mà dựa vào một số quan điểm sai lầm về chiến tranh Việt Nam, dẫn đến nhiều luận điểm Ban Mai triển khai đều lệch lạc.
Ðề cập tới cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước để giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, Ban Mai viết như thể đang "đùa bỡn" với lịch sử: "Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi", "Cái bi thảm nhất là ở chỗ: Cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt", "Như vậy thì quả dân tộc ta đang gặp một cơn đại nạn. Và triệu người đã chết bất đắc kỳ tử, chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phát xuất từ đâu tới, chớ không phải từ trong lòng anh em Việt Nam, mà ngày nay có những quan điểm cho rằng đó là cuộc chiến tranh "ủy nhiệm" của các nước lớn".
Theo tôi, Ban Mai đã vay mượn và tán đồng những quan điểm sai lầm "từ đâu tới" về cuộc chiến tranh Việt Nam nhằm biện giải cho các lập luận lệch lạc, phi lịch sử của mình, từ đó mơ hồ đến mức coi cuộc chiến tranh này "phát xuất từ đâu tới". Ban Mai chỉ cần đọc những dòng sau đây trong bài viết Khi ta ra khỏi chân núi của nhà văn Vũ Hạnh đăng trên website của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 17-11-2008 sẽ thấy "điểm phát xuất" và "tên gọi" của cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975 như thế nào: "Hầu như vẫn còn những người tách biệt hẳn hai cuộc chiến - chống Pháp, chống Mỹ và không thấy rằng sau khi dân tộc Việt Nam vùng lên, từ cuộc Cách mạng Tháng Tám vào năm 1945 để giành lấy nền độc lập từ tay bọn phát-xít Nhật vừa cướp được quyền thống trị của thực dân Pháp thì sự việc Pháp quay lại tìm cách tái chiếm trong một cuộc chiến kéo dài chín năm, là một hành động nằm trong ý đồ của Mỹ, với sự tài trợ, hậu thuẫn của đế quốc này. Trong Bí mật Lầu năm góc, cuộc chiến kéo dài chín năm dẫn đến hội nghị Geneve, tạm thời chia đôi đất nước trong vòng hai năm, kể từ 1954, được gọi là cuộc chiến tranh Pháp, Mỹ xâm lược Việt Nam. Và khi kẻ được trợ giúp vũ khí, bạc tiền là Pháp đã chịu thất bại thì bị chủ nợ là Mỹ hất cẳng để chiếm đoạt lấy miền Nam Việt Nam với cái tham vọng chiếm luôn toàn cõi Việt Nam. Và tham vọng ấy là động lực chính của cuộc xâm lược - gọi là toàn Mỹ, kéo dài suốt 21 năm, kết thúc vào ngày 30-4-1975".
Hơn nữa, Ban Mai cần đọc cuốn sách Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia, H.1995) của R.S. Mac Namara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trong cuốn sách này chính R.S. Mac Namara đã nói rõ về "điểm xuất phát" và "tên gọi" của cuộc chiến tranh ở Việt Nam như thế nào. Về "điểm xuất phát" đầy sai lầm của người Mỹ khi tiến hành cuộc chiến, Mac Namara thừa nhận: "Chúng tôi ở trong các chính quyền Ken-nơ-đi và Giôn-xơn, tham gia vào các quyết định về Việt ... Nhưng chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy". Còn "tên gọi" cuộc chiến tranh là gì thì Mac Namara đã nhận ra chính là chiến tranh giải phóng dân tộc của người Việt Nam: "Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt Cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới".
Cần nói thêm ở đây rằng, không phải đợi đến tháng 4-1995, thời điểm cuốn sách của Mac Namara được xuất bản ở Mỹ, tức là sau 20 năm khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, người Mỹ mới nhận ra "sai lầm khủng khiếp" của mình, mà trước đó, Tổng thống Mỹ Giôn F.Ken-nơ-đi đã nhận ra điều này. Bài Vụ ám sát định mệnh khiến Mỹ sa vào cuộc chiến Việt Nam đăng trên Tuanvietnam.net ngày 24-11-2008 dẫn các thông tin mới từ sách báo Mỹ cho biết: "Ngày 22-11-1963, ngày diễn ra vụ ám sát Tổng thống Mỹ Giôn F.Ken-nơ-đi, đã trở thành ngày quan trọng nhất trong lịch sử cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Bởi, nếu không có vụ ám sát, Tổng thống Ken-nơ-đi đã quyết định ngăn không để Mỹ tham chiến tại Việt Nam, và dự kiến rút toàn bộ binh sĩ khỏi miền Nam Việt Nam vào nhiệm kỳ 2 (năm 1965)", "Sự hoài nghi của Tổng thống Ken-nơ-đi về cuộc chiến tại Việt Nam còn gia tăng, đến mức ông tuyên bố với trợ lý Nhà trắng Mai-cơn Pho-ret-xtơn rằng, tỷ lệ Mỹ không thể chiến thắng Việt Cộng lên đến 100 ăn 1". Và Mac Namara trong cuốn sách đã dẫn ở trên cũng đã đề cập tương tự như vậy về quan điểm của Ken-nơ-đi đối với cuộc chiến ở Việt : "Vì thế tôi đi đến kết luận rằng Giôn F.Ken-nơ-đi rốt cuộc có lẽ sẽ rút quân khỏi Việt
chứ không dấn sâu thêm vào cuộc chiến này".
Xa hơn nữa, chính Tổng thống Pháp Ðờ Gôn cũng đã từng khuyến cáo Mỹ sẽ vấp phải thất bại tương tự như Pháp nếu tiến hành chiến tranh tại Việt
. Rõ ràng, nếu người Mỹ không thế chân Pháp ở Việt Nam, nếu người Mỹ sớm rút quân khỏi Việt Nam như Ken-nơ-đi từng dự liệu, thì họ đâu phải trả giá cho các chiến lược "Mỹ hóa" rồi "Việt Nam hóa chiến tranh" đầy sai lầm. Ban Mai không hiểu hay cố tình bóp méo, xuyên tạc lịch sử khi thay vì phải gọi đúng tên một chiến lược thâm độc là "Việt hóa chiến tranh", Ban Mai cho đó là "người Việt lại bắn giết người Việt"? Thậm chí, Ban Mai càng sai lầm trầm trọng khi hoài nghi giá trị của nền tự do, độc lập mà cả dân tộc phải đổ biết bao xương máu hy sinh để giành lại được: "Cho đến ngày nay, sau hơn 30 năm kết thúc chiến tranh, nhìn lại những chặng đường thăng trầm của đất nước, có lẽ đã đến lúc chúng ta dũng cảm nhìn nhận lại cuộc chiến đã qua...Và chúng ta hãy tự hỏi: Thân phận da vàng người Việt ngày nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa?". Viết như thế khác nào phỉ báng xương máu của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống tô thắm nền hòa bình của đất Việt. Và viết như thế, Ban Mai, đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hóa ra "thương nhau như thế bằng mười phụ nhau".
Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ từng mong mỏi cháy lòng cho dân ta sớm thoát cảnh "nô lệ da vàng" cũng chính là người nhạc sĩ đã hân hoan xưng tụng nền hòa bình mà dân tộc xây đắp nên. Ca khúc Ðồng dao 2000 của Trịnh Công Sơn đã hát lên hào sảng, phấn chấn về tiền đồ xán lạn của đất nước Việt Nam hòa bình: "Ðường bão tố đã qua đi, đường hòa bình đã sáng ngời", cớ sao Ban Mai còn đặt ra câu hỏi lạc lõng hoài nghi thân phận người Việt da vàng thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa (xin lưu ý hai chữ "thực sự" đầy ẩn ý)? Cái cách Ban Mai vay mượn, tán đồng những quan điểm lệch lạc, xuyên tạc về chiến tranh Việt Nam đã lộ rõ dấu vết sống sượng, khiên cưỡng khi có đoạn trong cuốn sách, Ban Mai đã "sao chép" luận điệu xằng bậy của một tác giả ở hải ngoại trong cuốn Văn học miền Nam: Tổng quan, mà chỉ cần đối chiếu hai đoạn văn của Ban Mai và tác giả này, sẽ thấy rõ Ban Mai vừa sao chép, vừa cắt xén đi những gì lộ liễu, vừa nặn thêm những "biến tấu" lầm lạc.
Dựa trên những quan điểm sai lầm về chiến tranh Việt Nam để tìm hiểu, nghiên cứu về Trịnh Công Sơn, tất nhiên, những nhận định của Ban Mai về Trịnh Công Sơn và nhạc phản chiến của ông không tránh khỏi nhiều thiếu sót, phiến diện. Ban Mai không đi sâu phân tích về khát vọng vượt thoát khỏi thảm cảnh "nô lệ da vàng" của người Việt trong nhạc Trịnh, mà thiên về khía cạnh cho rằng Trịnh Công Sơn lưu tâm đến tình trạng "tranh giành quyền lợi của các nước lớn" trong chiến tranh Việt Nam (ý này cũng chỉ là vay mượn, khiên cưỡng). Có nhận định đúng về chiến tranh Việt Nam, về hoàn cảnh xã hội, về không khí thời đại, về sự giáo dục cá nhân... đã ảnh hưởng, tác động đến Trịnh Công Sơn; có nhận định đúng về chỗ đứng phản chiến của Trịnh Công Sơn mới có thể đánh giá đầy đủ, chính xác về giá trị nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn cũng như những đóng góp của ông đối với phong trào yêu nước ở đô thị miền nam trước năm 1975, để không sa vào đánh giá sai lệch, phiến diện, thậm chí áp đặt khiên cưỡng cả những quan điểm vay mượn, đối lập với thực tiễn và chân lý lịch sử.
Vì lẽ đó, chúng tôi đề nghị Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ, xử lý nghiêm túc những sai phạm của NXB Lao động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Ðông Tây trong việc biên tập, xuất bản cuốn sách Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng của Ban Mai.
Theo ND |