Văn nghệ trong nước
Tạm dừng việc trùng tu đền thờ Lý Chiêu Hoàng
10:28 | 10/05/2009
Đó là yêu cầu của Đoàn công tác Bộ VH-TT&DL kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa, sau khi rà soát lại việc trùng tu, tôn tạo  di tích lịch sử đền Rồng-phường Đình Bảng-Từ Sơn-Bắc Ninh. Đây là ngôi đền thờ vị vua thứ 9 của triều Lý là Lý Chiêu Hoàng, vừa được khởi công tu bổ vào cuối tháng 3 vừa qua. Thế nhưng, với việc dỡ bỏ hoàn toàn ngôi đền cũ, để xây một ngôi đền mới đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận...
Tạm dừng việc trùng tu đền thờ Lý Chiêu Hoàng
Việc trùng tu đã được đề nghị dừng thi công để rà soát lại quy trình

Đền cổ hay đền cũ?

Trong chuyến kiểm tra việc thực hiện việc tu bổ và tôn tạo di tích đền Rồng, các thành viên của đoàn công tác đã tập trung làm rõ 2 vấn đề “đây có phải đền cổ hay không” và “việc tu bổ tôn tạo có đúng với quy trình”. Theo sử cũ, đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng, vị vua thứ 9 triều Lý được khởi dựng từ thế kỷ XIII trên khu đất rộng chừng 9.300m2 thuộc thôn Long Vỹ, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn.

Thời Pháp thuộc, đền là nơi ẩn náu của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Được xếp là một trong những địa điểm “nguy hiểm”, vì thế, vào năm 1919 thực dân Pháp đã cho phá hủy hoàn toàn ngôi đền. Đến năm 1921, xót xa trước cảnh hoang tàn và đổ nát, ngôi đền đã được một người con của làng, làm quan trong triều đình nhà Nguyễn là Lê Tiến Hường phát tâm công đức xây dựng lại trên nền cũ.

Tuy nhiên, việc phục dựng này đã không theo đúng với kiến trúc từng có, mà lại theo “mốt” của thời bấy giờ, kiến trúc nửa Pháp, nửa Việt với hiên tây, tường hoa chắn mái, nền lát gạch hoa, cửa cuốn tò vò. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đền đã qua nhiều lần trùng tu với nhiều hạng mục nhỏ lẻ. Gần đây nhất, Ban quản lý đền đã lát lại sân và xây gạch bao quanh các gốc cây.

Quy trình ngược

Ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra các di tích trọng điểm của Bắc Ninh như đền Đô, chùa Dâu, đền Rồng và đình Đình Bảng. Đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục kiểm tra một số di tích khác tại Bắc Giang, Nam Định.

Dự kiến, vào đầu tuần tới, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra các di tích quan trọng của Hà Nội như đền Và, chùa Mía, đình Thụy Phiêu, đình Kim Liên.

Năm 2007, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cho phép UBND phường Đình Bảng lập dự án đầu tư tại Văn bản số 1594/UBND-NC. Đến ngày 20-6-2008, báo cáo kinh tế kỹ thuật cũng đã được UBND thị xã Từ Sơn phê duyệt.

Kiến trúc của ngôi đền do Công ty Kiến trúc và công nghệ mới thiết kế trên cơ sở mô tả kiểu dáng kiến trúc của các cụ cao niên trong làng.

Hiện tại, đơn vị đang tiến hành thi công là Công ty cổ phần Tu bổ di tích  và thiết bị văn hóa Trung ương, tổng mức đầu tư cho dự án này là 2,7 tỷ đồng - vốn ngân sách. Trước khi thi công, phương án thiết kế ngôi đền đã được trưng bày công khai tại đền Rồng để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân địa phương...

Điều đáng nói ở đây là, trong quá trình thiết kế kiến trúc đền mới, đơn vị thiết kế chỉ dựa vào lời tả của những bậc cao niên trong làng về hình dáng kiến trúc xưa của ngôi đền, trong khi đền đã bị phá hủy từ 90 năm trước. Việc tu bổ của ngôi đền cũng chưa theo đúng quy trình vì tháng 1-2009 đền Rồng mới chính thức đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
 
Tuy nhiên, việc xây dựng dự án đã được tiến hành từ năm 2007. Nếu đúng ra, sau khi đền được công nhận là di tích thì mới được xây dựng phương án tu bổ và xin thẩm định của các ngành chức năng.


Hình ảnh đền Rồng sau khi hoàn thành


Theo ông Vũ Xuân Thành- Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL, hiện đoàn công tác đã yêu cầu dừng thi công đền Rồng để Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh phối hợp cùng chủ đầu tư là UBND phường Đình Bảng và đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành lập biên bản kiểm tra các cấu kiện gỗ cũ của đền, thành phần nào còn dùng được, thành phần nào đã hỏng không thể tái sử dụng.

Đồng thời, đoàn công tác cũng yêu cầu rà soát lại các quá trình lập dự án tu bổ tôn tạo đền Rồng, bởi thời điểm năm 2007 khi lập dự án, đền Rồng chỉ là công trình tôn giáo. Không thể lấy dự án của một công trình tôn giáo áp cho việc trùng tu một di tích. 

Bởi, nếu đã được công nhận di tích, mọi quá trình tu bổ, tôn tạo đều phải tiến hành theo quy định, nghiêm ngặt và khắt khe. Được biết, cuối tuần này, Đoàn công tác sẽ có văn bản chính thức kết luận về việc trùng tu đền Rồng.

                                                                                                                  Theo ANTĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng