Văn nghệ trong nước
Trường Sơn trong VHNT: Còn những điều ân hận...
10:35 | 10/05/2009
50 năm Văn học Nghệ thuật Việt với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (1959-2009) là tên hội thảo sáng 9/5. GS Hoàng Chương, GS Vũ Khiêu, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Bình- Lê Hùng Phi chủ trì.
Trường Sơn trong VHNT: Còn những điều ân hận...
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và GS, AHLĐ Vũ Khiêu tại hội thảo Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn & Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam, cùng Sở VHTT &DL Quảng Bình tổ chức cuộc này, chung cuộc nhận được 30 tham luận của các nhà văn Đoàn Minh Tuấn, Hồ Phương, Chu Lai, Thanh Thảo; các nhà báo Phan Quang, Mai Nam Thắng, Trung Đông, Đặng Minh Phương; nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Dương Viết Á, Cát Vận, Dương Đình Minh Sơn, NSƯT Thế Phiệt; NSND Phạm Thị Thành, NSNA Vũ Huyến, nhà làm phim Lê Thi, họa sĩ Hoàng Đình Tài...

Sau phát biểu của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, tư lệnh đoàn 559 bộ đội Trường Sơn...), một nữ cựu chiến binh lên tặng hoa ông, khóc. Nhà thơ Mai Nam Thắng cũng nghẹn ngào khi đọc hai bài thơ về Trường Sơn của mình.

Từng có nhiều chục đoàn văn công, hàng trăm nghệ sĩ chèo, tuồng, kịch nói, xiếc, dân ca, nhạc mới... đến với Trường Sơn, phục vụ tại chỗ cho bộ đội, TNXP và dân công hỏa tuyến từ 1959-1975. Nhiều đoàn địa phương, đặc biệt đội văn nghệ Quảng Bình gần như thường trực phục vụ ở những cung đường ác liệt nhất. Theo GS Hoàng Chương: “Đoàn văn công Trường Sơn (nay là đoàn chèo Tổng cục Hậu cần) bám trụ đường Trường Sơn hàng chục năm trời. Đoàn kịch nói T.Ư cũng có mặt ở tuyến lửa 6 tháng liền. Các nghệ sĩ nằm hầm, ăn rau má, chịu đựng những cơn sốt rét rừng. Chịu đựng hàng chục trận bom, có người đến nay vẫn mang trong mình mảnh đạn...”.

Theo nhạc sĩ Cát Vận: “Hai từ Trường Sơn bước vào âm nhạc từ cuối những năm 60, trong bài ca chính thức của mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam là Giải phóng miền Nam của Huỳnh Minh Siêng (tức Lưu Hữu Phước): Đây Cửu Long hùng tráng đây Trường Sơn vinh quang...”.

Ông Cát Vận nói, ấn tượng hơn cả với Bước chân trên dải Trường Sơn- nhạc Vũ Trọng Hối, lời: Đặng Thục (tức nhà viết kịch Tào Mạt) với điệp khúc: Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình. Nhà văn Chu Lai phát biểu: “Tôi đã hát vang bài ca ấy trên Trường Sơn. Tôi đi theo ngọn lửa lãng mạn ủ sẵn trong tim, không chỉ là những giác ngộ lý trí”.

Cát Vận trích đọc nhật ký Vũ Trọng Hối: “Ngày Tết ở Trường Sơn được chuẩn bị sôi nổi, chu đáo. Tiếng cười giòn luôn vang lên bất kể cái chết đến bất cứ lúc nào. Vui vì được biết không khí chống Mỹ ở chiến trường và còn vui hơn nữa vì được làm nghề ngay ở Trường Sơn gian khổ.” Cát Vận trích hồi ký Huy Du Trường Sơn nguồn cảm hứng vô tận của những bài ca: “Không bao giờ tôi quên hình ảnh một nữ chiến sĩ nuôi quân tại Bộ chỉ huy chiến dịch. Cô đem đến cho các chiến sĩ niềm vui, niềm lạc quan qua những bữa cơm bao giờ cũng có món rau rừng xanh tươi. Ai cũng hiểu người chiến sĩ phải đi sâu vào những cánh rừng, vượt qua những bãi bom tọa độ để làm nên những bữa cơm thanh đạm đó...”. Rời Trường Sơn, ít ngày sau, Huy Du nghe tin cô hy sinh: “Trong lòng tôi trào lên cảm xúc mãnh liệt nhưng đầy niềm tin yêu lạc quan và tôi viết một mạch...”. Đó chính là hoàn cảnh ra đời Nổi lửa lên em bất hủ.

Về đề tài nhật ký, tham luận Thì thầm Trường Sơn của Chu Lai có đoạn: “Dọc đường hành quân, nhật ký trở thành giá đỡ tình cảm, thành tiếng vọng thần kỳ trong trong trái tim đa cảm của người lính xung trận. Trong mười người lính, trên phân nửa có nhu cầu độc thoại, tự sự. Phải chăng do thế mới còn lại những nhịp đập chân thật trong trái tim Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Văn Giá... và hàng chục ngàn trái tim khác mà cuộc đời chưa kịp tôn vinh”.

Nhà làm phim Lê Thi kết thúc bản tham luận của mình: “Chỉ ân hận một điều với Trường Sơn, là bao hy sinh mất mát bi thương hùng tráng nhưng đã không thể quay, không để lại cho thế hệ sau này được. Đây là cái nợ với Trường Sơn. Nợ ân tình. Nợ tâm linh. Nợ rất lớn. Không thể trả nổi”.

Những thước phim về buổi đầu vạch tuyến đường Trường Sơn không được ghi thật để đảm bảo bí mật, nhưng về sau được dựng lại- ông Thi cho biết. Trong ông còn nhiều ấn tượng khác (cả trung đội lái xe bị rơi xuống vực, những chiến sĩ bị chôn sống trong hang...) không bao giờ được lên phim. “Do chủ trương tuyên truyền thời đó. Có lần quay những cảnh này, anh em bị nhắc nhở.  Nhiều hình ảnh quả là quá thương tâm thật: Một bộ xương trắng trên tấm võng mắc ở cửa rừng sắp đứt- chúng tôi đã quay nhưng rồi đã bị thất lạc...”.

Nhà báo Mai Nam Thắng gần đây được Bộ Tư lệnh Thông tin mời về Quảng Bình thăm Lèn Hà để khôi phục một sự kiện. Số là nơi đây, ngày 2/7/1972, một trận tập kích máy bay thả đúng hang, 13 chiến sĩ thông tin (có 10 nữ) hy sinh. “Hồi đó người dân trong vùng không dám nói nhiều về sự hy sinh. Nay họ mới kể lại, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng hú của các anh chị vọng về”. Mai Nam Thắng làm bài thơ Tiếng hú ở hang Hà. Bài thơ kết như sau: Linh hiển nơi này những mảnh hồn thiêng/ Cảm thức âm dương bao điều nhắc nhủ/ Chưa thể ngậm cười nên còn tiếng hú/ Mấy chục năm rồi thức ngủ chưa yên/ Thăm thẳm Trường Sơn da thịt chưa liền/ Chót vót lèn Hà tưởng chừng tiếng gọi/ Đồng đội về đây hú tìm đồng đội/ Tôi về lèn Hà hú gọi tình tôi.

Trong bài hát, không thấy bóng dáng đau thương, mất mát. Nhạc sĩ Cát Vận nhấn mạnh: “Không có bài ca nào nói về cái chết, sự đau thương ở Trường Sơn. Đều là tráng ca, anh hùng ca cả”. 

                                                                                                                        Theo TP

Các bài mới
Các bài đã đăng