Văn nghệ trong nước
Dấu ấn của nhà văn nữ "Thiên di"
08:56 | 23/11/2015

Không hẹn mà nhiều cây bút nữ đã cùng xuất bản những cuốn sách viết từ "cái chân đi", sự chuyển dịch trong hành trình tìm về quá khứ, ký ức...

Dấu ấn của nhà văn nữ "Thiên di"

Trở về sau hành trình châu Âu với những trải nghiệm thật khác biệt, nhà văn Di Li có ngay cuốn Nụ hôn thành Rome (Bách Việt Books và NXB Dân Trí). Trước đó, tác giả này có cuốn du ký khá ăn khách Đảo thiên đường.

Châu Âu từng hiện lên rất chi tiết trong nhật ký hành trình Một mình ở châu Âu (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Phan Việt, nhưng Nụ hôn thành Rome vẫn có sức hút khó cưỡng đối với độc giả thích chuyển dịch và thể loại sách này.

Dau an cua nha van nu

Trải nghiệm của nhà văn trở thành kiến thức cho độc giả, vẽ nên những hình dung ấn tượng về mỗi quốc gia. Di Li đã đến những nơi xa xôi: ngôi làng huyền thoại Santorini ở Hy Lạp, đền Taj Mahal và “thành phố chết” (Ấn Độ), Ba Lan “mùa tuyết tan”, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)…; cả những khu ổ chuột, tội phạm của những đất nước vốn là hình tượng đẹp về du lịch trong lòng du khách.

Chuyến đi “phượt” từ giấc mơ khám phá chinh phục thế giới của Di Li dẫn dụ người đọc vào hành trình của chị. Di Li gần như không bỏ sót chi tiết nào trong hành trình để mang về một cuốn sách du ký đáng đọc với câu chữ tự do và duy mỹ của một nhà văn luôn khát khao cái mới.

Du ký là thể loại khá thu hút người đọc trong nhiều năm qua. Nguyễn Phương Mai bị thôi thúc bởi những “bí ẩn sau tấm áo choàng” đã lên đường đến những đất nước Hồi giáo, thâm nhập vào cả vùng nội chiến, khu tự trị, đất nước phi chính phủ và những quốc gia nghèo đói ở Nam Phi.

Chuyến đi qua hàng chục quốc gia ròng rã hơn một năm trời để mang về Tôi là một con lừa và Con đường Hồi giáo (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn). Đây là hai cuốn sách giá trị, ngồn ngộn tư liệu.

Dau an cua nha van nu

Nguyễn Phương Mai không lồng ghép nhiều cảm xúc vào những trang sách, thay vào đó là kiến thức về những nhân vật làm nên lịch sử của những đất nước chị đi qua. Phương Mai tự nhận mình là “con lừa ưa nặng” nên cứ thấy nơi nào có thì lao vào. Đến thời điểm này chị là tác giả Việt Nam duy nhất viết về những chuyến đi theo “con đường Hồi giáo” - hành trình xuyên qua các quốc gia đạo Hồi. Một hành trình không tưởng cho những ai thiếu bản lĩnh dấn thân.

Tinh thần “thiên di” cũng được tìm thấy ở truyện ngắn và tiểu thuyết của những cây bút nữ, thoát ra khỏi chuyện tình yêu - gia đình quẩn quanh trong “cái tôi đàn bà” thường thấy ở một số tác phẩm trước đây.

Khỏa thân trắng của nhà văn Nguyễn Thu Phương (Phương Nam Books - NXB Hội Nhà văn) có sự “chuyển dịch” của một tư duy đã “đi” suốt gần 10 năm qua. Truyện mở đầu Không dấu vết là cuộc phiêu lưu về hoang đảo của cô gái đi du lịch bị đắm tàu. Tình yêu giữa các nhân vật vừa thực vừa mơ trên khát vọng cởi trói những quan niệm cũ. Trở lại văn đàn sau chín năm vắng bóng, Nguyễn Thu Phương đã đặt lên bàn cân lựa chọn viết một cuốn sách từ “cái chân đi”.

Đối với nhà văn Phong Điệp là cuộc hành trình về ký ức trong hiện tại ngổn ngang của đời sống, của thân phận. Ga ký ức của chị là chuyến trở về những năm tháng Hà Nội bao cấp, với những người cũ, ký ức cũ, từ đó nhận diện thân phận con người.

Các cây bút nữ đã viết bằng ngòi bút bao dung, tinh tế, trải nghiệm tươi mới, nhiều cảm xúc và mang dấu ấn “thiên di”. Đó cũng là sự bổ sung một làn gió đầy sinh khí mới cho văn đàn.

Theo Song Giang - phunuonline

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng