Văn nghệ trong nước
Trình diễn truyện ngắn - rượu cũ bình mới
09:05 | 11/05/2009
Đây là một chiêu truyền thông? Hay một hoạt động nghệ thuật mới thực sự, theo nghĩa mở rộng biên độ hoạt động của nghệ sĩ và mở rộng cảm quan của công chúng?
Trình diễn truyện ngắn - rượu cũ bình mới
Cảnh trình điễn "cõi sống và cõi chết"

Cuộc giới thiệu tập truyện ngắn "Những giấc mộng đời người" của Đinh Hoàng Anh được nhiều người trong giới quan tâm, bởi phía nhà tổ chức sớm loan báo về một tiết mục mới lạ: trình diễn truyện thơ "Cõi sống và cõi chết", kết hợp với âm nhạc ngẫu hứng và kịch hình thể.

Lâu nay, dư luận đã biết về hình thức trình diễn thơ, khá nhiều giấy mực đã tốn cho các cuộc tranh luận. Việc loan báo "trình diễn truyện ngắn" lại một lần nữa khơi dậy sự tò mò với nhiều người trong giới truyền thông, và sự quan tâm thực sự từ những người hoạt động nghệ thuật đương đại.

Cần phải nói ngay, các tác giả Đinh Hoàng Anh, Thái Tĩnh và Bùi Như Lai trong toàn bộ buổi ra mắt sách (trước và sau cuộc trình diễn) không tuyên bố gì về tác phẩm của mình, cũng không dành thời gian đối thoại với báo chí và những người quan tâm. Thậm chí, nhân vật chính, tác giả tập truyện, TS toán Đinh Hoàng Anh còn không hề lên sân khấu một lần. Lý do được truyền miệng, là vì cô đang có bầu, nên ngại? Trong phần thông tin giới thiệu tác phẩm mà nhà tổ chức đưa ra, chỉ ngắn gọn: "muốn thử nghiệm cách trình bầy tác phẩm văn chương bằng một hình thức mới nhằm đưa cảm xúc và thông điệp của tác phẩm đến với người đọc một cách mạnh mẽ và cô đọng nhất".

Vậy "hình thức mới" đó là gì?

Sát mép sân khấu, một nam diễn viên (Bùi Như Lai) đọc truyện ngắn "Cõi sống và cõi chết" bằng giọng diễn cảm. Chất diễn cảm gần với lối đọc thơ giữa các bài hát phổ thơ, nghĩa là có lên bổng xuống trầm, nhưng âm hưởng chính là đều đặn, du dương. Một nhạc công guitare (Hoàng Tùng) ngồi xế bên sân khấu chơi ngẫu hứng với lối hòa âm cơ bản, nhẹ nhàng, đều đều, rất ít có những hợp âm nghịch hay những đột phá tiết tấu, âm lượng. Hành vi gây đôi chút chú ý của người đọc truyện là hết trang nào thì anh vo lại, vứt ngay xuống. Phía trong sân khấu, xuất hiện một cô gái (Trịnh Nhật) trong trang phục váy áo trắng (gợi đến một bóng ma?). Cô gái đi quanh sân khấu. Đến gần cuối màn trình diễn, cô đi xuống và lặng lẽ châm loạt nến đã được để sẵn viền quanh mặt trước sân khấu. Cuối cùng, cô cũng tham gia đọc truyện ngắn.

Tất cả gợi đến một màn kịch, mà phần tự sự hoài cảm kéo hơi dài. Kịch hình thể ư? Quá đơn giản!

Tiết mục trình diễn có thể nói là "hiền", không có những hành động gây sốc, suy đoán thông thường là hợp với người già. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chăm chú theo dõi, khi được hỏi cảm tưởng, ông lắc đầu: Không đi đến đâu cả! Dưới mắt nhà văn (xin mạo muội gọi ông là già) này là vậy. Nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn - người đã tham gia trình diễn thơ trong sân thơ trẻ Ngày thơ Việt tại Văn Miếu thì nói: giống như một vở diễn tấu, xem cứ thấy bàng bạc, không thấy điểm nhấn. Sơn chia sẻ: truyện ngắn thường dài và khó thuộc hơn thơ nên khi trình diễn, nó không được linh hoạt như khi trình diễn một bài thơ.

Nhưng cũng phải lưu ý, trình diễn thơ như Hồ Huy Sơn hay Vi Thùy Linh, Nguyễn Thúy Hằng, Trương Quế Chi, Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương, Robinson (người được xem là dẫn đầu trong các nhà thơ da đen có ảnh hưởng nhất ở Anh); Francesca Beard (sinh tại Malaysia, hiện định cư tại Anh, là nhà văn và nghệ sĩ trình diễn thơ nổi tiếng)… thì đều có một yếu tố cốt tử: họ trực tiếp trình diễn thơ của mình. Vì trình diễn là tiếng nói của chính nghệ sĩ với công chúng, trực tiếp, hiện thời.

Về truyện ngắn mà Đinh Hoàng Anh đem ra trình diễn, cũng có nhiều điều cần bàn. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói đây là "truyện ngắn thơ" (một khái niệm mới?). Anh cũng bình luận thêm: Đọc dễ nhớ tới nhà văn Nga K. Pautovsky. Một thời lối văn Pau đã ngấm vào văn Việt như một chứng bệnh.

Sau đây là một đoạn trong "Cõi sống và cõi chết":

Em đã mang theo tiếng chim thảng thốt vương vương bay trong những tia nắng cuối cùng in bóng trên trảng cỏ bờ đê trong các bức tranh anh vẽ.

Giờ đây, các bức tranh của anh đã câm lặng từ lâu.

Giờ đây, các bức tranh của anh chỉ còn là sắc màu.

Giờ đây, cuộc đời của anh chỉ là những ngày xâu chuỗi những hạt pha lê sặc sỡ giả làm ngọc quý…

Rất, rất nhiều những đoạn như thế hay có thể nói những đoạn như thế nối liền tạo thành một tác phẩm in trên giấy chiếm gần 30 trang giấy khổ sách 13x19. Bên cạnh những đoạn như thơ, còn có cả những đoạn thơ theo nghĩa thông thường, chẳng hạn:

Là em, là em, một thuở rất xa xôi/ Khi ta mới quen nhau/ cả nắng chiều cũng thẹn thò nấp vào vòm lá/ Là em, là em, chợt đến như giọt mưa xuân rơi lạc từ một vòm trời xa lạ/ Ngơ ngác nhận ra/ Mùi hương thiếu nữ nở bừng…

Dù bị gọi là “sến”, không phủ nhận, lối văn này có sức quyến rũ của nó, nhưng vào thế kỷ 21 mà vẫn viết theo lối văn giữa thế kỷ trước liệu có hay?

Ngôn ngữ truyện rất mờ, nên có lẽ khi nói trình diễn truyện cũng có phần đánh tráo khái niệm. Nhà thơ Quang Hoài nhận định: Truyện ngắn của Đinh Hoàng Anh nhìn chung là không có cốt truyện, nếu có cốt truyện thì cũng rất lỏng lẻo. Có những truyện cũng không gần với truyện mà gần với thơ hơn. Chẳng hạn, truyện ngắn "Cõi sống và cõi chết" thì giống như một bài thơ văn xuôi. Khi xem những nghệ sĩ trình diễn, tôi có cảm giác rằng, nếu "trình diễn" một truyện ngắn như thế thì không vào.

Nỗ lực tạo cái mới là đáng ghi nhận, nhưng trong trường hợp "trình diễn truyện ngắn" này, cái cũ chỉ được pha trộn nháo nhào rồi khoác lên một cái tên mới.

                                                                                                                       Theo TP

Các bài mới
Các bài đã đăng