Văn nghệ trong nước
Văn học nghệ thuật với đường Trường Sơn: “Một vũ khí mạnh hơn nguyên tử”
09:53 | 11/05/2009
"Văn học nghệ thuật với Đường Trường Sơn" là chủ đề cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khởi xướng. Với sự tham dự của nhiều giới chức, từ các vị tướng, cựu chiến binh, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ… hội thảo "Văn học nghệ thuật với Đường Trường Sơn" đã chạm đến một trong những cung bậc cảm xúc sâu lắng nhất của nhiều thế hệ người Việt . Vì thế, ý nghĩa của nó vượt ra khỏi khuôn khổ một cuộc hội thảo văn học.
Văn học nghệ thuật với đường Trường Sơn: “Một vũ khí mạnh hơn nguyên tử”

Có một Trường Sơn cất cánh trong thi ca

Văn học nghệ thuật đã tạo nên một Trường Sơn mới mẻ và hiện thực. Đường Trường Sơn trong thi ca song hành mật thiết với con đường Trường Sơn bám vào vách núi. Một Trường Sơn cất cánh trong thi ca. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ có một Đường Trường Sơn lẫy lừng và lịch sử văn học nghệ thuật cách mạng cũng ghi dấu một Trường Sơn như vậy qua hàng ngàn bài thơ, bản nhạc, tiểu thuyết, phim, kịch, họa… Chúng góp phần lay động lòng người, khiến người ta cảm nhận sâu sắc hơn về con đường huyền thoại mà để duy trì, hàng vạn người đã phải hy sinh xương máu. GS Hoàng Chương cho rằng các tác phẩm văn học gắn bó với Trường Sơn là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc, cần được đánh giá và bảo tồn, phát huy tích cực hơn nữa. Những tác phẩm về đề tài này cũng chiếm tỉ lệ cao trong số tác phẩm của các tác giả đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước.

Quả thực, bên dòng chảy lửa đạn của tuyến đường chi viện cho tiền tuyến là "dòng chảy lãng mạn của Trường Sơn, dòng chảy ấy đã giúp các chiến sĩ vượt qua cuộc chiến đấu khốc liệt" (nhà văn Chu Lai). Con đường trong thi ca là thứ vũ khí đặc biệt, góp phần giải mã một trong những điều bí ẩn của sức mạnh quân sự Việt mà đối phương không thể nào hiểu nổi. Tướng Đồng Sĩ Nguyên kể: khi ca sĩ Bích Liên đến Trường Sơn biểu diễn "Bài ca 5 tấn", đồng chí Chính ủy báo cáo "Thưa Tư lệnh, chúng ta sắp có vũ khí mới, tầm bắn vô biên, sức mạnh hơn bom nguyên tử". Hài hước nhưng vẫn ẩn chứa một sự thật, một niềm tin không thể lay chuyển. Còn người lính Trịnh Trọng Quý thì ví "trong ba lô học trò có thơ Phạm Tiến Duật/chúng tôi có thêm một trung đoàn".

Nguồn cảm hứng từ nơi bão lửa

Vì sao Trường Sơn, nơi mưa bom bão đạn, lằn ranh sự sống và cái chết mỏng hơn sợi chỉ lại có sức cuốn hút mạnh mẽ, lại làm nên cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật? Nhà văn mặc áo lính Chu Lai vẫn sắc sảo: vì "Trường Sơn là tọa độ nhân văn, nơi tập trung toàn bộ giá trị tinh thần, phẩm hạnh của dân tộc".

Suốt 16 năm (1969-1975), 16 đoàn văn công đã không nề hà gian khó hiểm nguy mang lời ca, tiếng hát, vở diễn… "dội" lại tiếng bom, nâng đỡ triệu triệu bước chân của chiến sĩ bộ binh, phòng không, công binh, lái xe, thông tin… tiến về phía trước. Trên đôi cánh văn học nghệ thuật Trường Sơn, hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, hơn 1 triệu tấn vũ khí đã được tiếp thêm sức mạnh, đã đến được với chiến trường miền Nam. Đã có nhiều nghệ sĩ ngã xuống trên dải Trường Sơn khi đang làm nhiệm vụ. NSND Phạm Thị Thành nhớ về đội xung kích Nhà hát kịch Việt : "Hành quân ban đêm, bom đạn dày đặc, đoàn chia ra làm 4-5 nhóm ngồi trên xe, nếu chẳng may nhóm nào hy sinh thì còn nhóm khác tiếp tục vào chiến trường biểu diễn. Có khi đang diễn, một nghệ sĩ ngã vật vì sốt rét rừng…". Nhạc sĩ Nguyễn Thế Phiệt xúc động: "Đoàn văn công Trường Sơn, nay là Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần, có 3 nghệ sĩ, chiến sĩ là Ngọc Minh, Ma Văn Quy, Trịnh Quý đã vĩnh viễn nằm lại trên con đường mòn huyền thoại, đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt".

Không chỉ sáng tác mà còn biểu diễn, không chỉ làm nghệ sĩ mà còn là chiến sĩ, tướng Đồng Sĩ Nguyên đã gọi văn học nghệ thuật Trường Sơn là "ân huệ" của Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc, là "huyền thoại" sánh bên cạnh kỳ tích về "đường cầu, gắn kết, vận tải, thông tin…".

Từ Trường Sơn hôm qua đến đại lộ hôm nay

Văn học nghệ thuật về Trường Sơn không phải là sản phẩm của "chiến thuật tư tưởng" của riêng thời kỳ chống Mỹ, mà như nhà văn Chu Lai nói là "hào khí của Trường Sơn bắt nguồn từ ngọn gió chống ngoại xâm mấy nghìn năm của lịch sử dân tộc. Hào khí ấy làm nên văn học nghệ thuật thời kỳ này, cho nó sức sống tự nhiên, mãnh liệt. Không phải ngẫu nhiên mà mấy chục năm sau hòa bình, người ta, trong đó có cả thế hệ trẻ vẫn rung động khi nghe những "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát", "Lá đỏ"…

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên ở tuổi 86 vẫn tỏ rõ sự thông tuệ. Ông khẳng định: "Phải làm sao cho văn học nghệ thuật có sức sống mạnh mẽ hơn cả trong chiến tranh và đi đúng hướng".

Cho đến nay, khi trên đầu ta là vòm trời bình yên, dưới chân ta là đại lộ thênh thang, thì văn học nghệ thuật vẫn tiếp tục phát huy sức mạnh, vẫn chứng tỏ "vũ khí hơn cả vũ khí" trên mặt trận tư tưởng. Vẫn cứ cần những "trung đoàn văn học nghệ thuật" ra trận với những mục tiêu mới, với lòng tin "phơi phới dậy tương lai". "Trường Sơn - nguồn cảm hứng thi ca" của hôm nay là đời sống đổi mới đi lên, nhưng cũng đầy thử thách. Những tác phẩm nào chất chứa tinh thần thời đại, thấm mồ hôi, trăn trở của nghệ sỹ chắc chắn sẽ còn mãi đối với thế hệ sau.
 
                                                                                                                    Theo HNM

Các bài mới
Các bài đã đăng