Văn nghệ trong nước
“Hội chứng” kinh doanh truyền hình
10:33 | 11/05/2009
Truyền hình hiện nay được xem là nghề kinh doanh đang “hot”. Nhiều doanh nghiệp, đại gia muốn tham gia kinh doanh truyền hình như là một cách khẳng định quyền năng, thế mạnh và tài chính của mình. Nhưng, thật sự, kinh doanh truyền hình là một nghề đầy khắc nghiệt và có tính rủi ro cao.
“Hội chứng” kinh doanh truyền hình
Một trong những chương trình truyền hình có sự liên kết sản xuất với tư nhân.

“Nở nồi” và rủi ro

Vài chục năm trước chỉ có một vài đài truyền hình lớn, mỗi đài chỉ có một kênh phát sóng, thì nay 63 tỉnh thành đều có đủ đài truyền hình chưa kể còn một số đơn vị cũng có truyền hình riêng. Một số đài lớn có nhiều kênh như: VTV có 6 kênh, HTV cũng 6 kênh, Bình Dương, Đồng Nai có hơn 2 kênh… VTC (Bộ Thông tin Truyền thông) cũng trên dưới 5 kênh truyền hình.

Khi cho ra đời thêm kênh truyền hình mới, các đài thường có quy hoạch cụ thể cho từng kênh, nhưng theo thời gian, vì chạy theo thương mại, nên ngày càng xa rời tiêu chí ban đầu. Tiếng là hợp tác sản xuất chương trình, nhưng thực chất phần lớn các kênh (truyền hình trả tiền) được giao cho đơn vị liên kết tự bỏ tiền thực hiện toàn bộ nội dung chương trình, đài chỉ duyệt rồi cho phát sóng.

Có thể kể ra rất nhiều kênh truyền hình đang phát sóng theo kiểu hợp tác, liên kết này như: kênh SNTV, TV Shoping, Yeah1TV của SCTV. Kênh HTV1, HTV2, HTV3, HTV4 của Đài Truyền hình TPHCM. Kênh O2 (VCTV). Let’s Viet, Today TV (VTC) và rất nhiều chương trình (chủ yếu là các chương trình văn hóa giải trí) của nhiều đài truyền hình trên cả nước. Sau thời gian tham gia kinh doanh, một số kênh truyền hình bỏ xa tiêu chí ban đầu.

Khi mới ra mắt, Đài Truyền hình TPHCM có tiêu chí rõ ràng cho từng kênh: HTV1 là kênh thông tin công cộng, HTV2 – Thể thao, HTV3 – Thiếu nhi, HTV4 – Khoa giáo; nhưng đến nay ngoài HTV1 vẫn giữ được tiêu chí là kênh thông tin công cộng, các kênh còn lại chủ yếu phát phim Hàn Quốc hoặc giới thiệu quảng cáo bán sản phẩm.
 
“Đừng nghĩ có hàng trăm tỷ đồng là có thể kinh doanh truyền hình được. Đó là nghề đốt tiền trong chớp mắt. Chương trình được đầu tư tiền tỷ, có khi chục tỷ đến vài trăm tỷ, nhưng chỉ phát sóng cái vèo là xong” – một chủ đơn vị có thâm niên trong kinh doanh truyền hình cho biết. Đến nay, những đơn vị, cá nhân thực sự còn trụ lại được với nghề này chỉ tính trên đầu ngón tay. Một vài kênh phải đổi đối tác liên tục vì không có người xem, không có quảng cáo và đơn vị liên kết, hợp tác phải “lấp sóng” bằng những chương trình giải trí nên tiêu chí của các kênh này cũng vì thế không còn giữ được nguyên bản. Ngay như “đại gia” FPT từng đầu tư vào một kênh truyền hình, nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc giữa chừng vì… kham không nổi.

Chính vì sự khắc nghiệt trong kinh doanh truyền hình, nên nảy sinh những cạnh tranh không lành mạnh. Vì muốn thu được lợi nhuận nhanh, muốn thu hút quảng cáo, nhiều đơn vị sẵn sàng bán “phá giá” quảng cáo; làm phim “cấp tốc” để “lấp sóng” nên dễ dãi, nhạt nhẽo.


Giải thưởng Truyền hình HTV, một trong những chương trình có mức tài trợ lớn. Ảnh: An Dung

Xã hội hóa truyền hình - được và mất gì?!

Cái được là nhà đài có nhiều chương trình hơn mà không phải tốn tiền đầu tư. Nhận được nguồn tiền từ bên ngoài, đài chỉ phải trả lại quyền lợi cho họ bằng quảng cáo và trả theo tỷ lệ đầu tư. Thí dụ: đài tính 200 triệu đồng/tập phim. Nếu phim chiếu trong giờ vàng, giá 1 spot quảng cáo là 50 triệu đồng (cho 30 giây), như vậy đài phải trả lại cho đơn vị đầu tư 4 spot quảng cáo. Phim chiếu trong giờ vàng mà hấp dẫn, lôi kéo được nhiều người xem, nhiều sản phẩm tranh nhau “nhào” vào giờ này nên giờ phát quảng cáo đôi khi nhiều hơn cả giờ chiếu phim và những spot quảng cáo dôi ra ấy dĩ nhiên thuộc về… nhà đài. Chính vì vậy, nhà đài cũng phán đoán trước xem phim nào có khả năng ăn khách sẽ sắp vào giờ vàng để tìm thêm quảng cáo cho mình.

Song những mất mát, yếu kém từ việc xã hội hóa truyền hình là không nhỏ. Đó là việc “chảy máu” chất xám. Nhiều cán bộ giỏi của ngành truyền hình bỏ sang đầu quân cho các công ty tư nhân. Một bộ phận cán bộ, phóng viên truyền hình trở nên nghiệp dư vì không cập nhật thông tin, trình độ phát triển của công nghệ truyền thông, truyền hình.

Quản lý tài chính rất khó khăn và dễ này sinh tiêu cực vì sản phẩm truyền hình là sản phẩm trừu tượng. Tiêu cực cả trong thái độ đồng ý và từ chối. Tư nhân muốn đầu tư truyền hình sẽ sẵn sàng làm “mọi cách” để nhà đài đồng ý cho phát sóng. Ý thức về sự sống còn trong hoạt động kinh doanh truyền hình, nhiều đơn vị tư nhân kinh doanh ngày một bài bản hơn, đầu tư thiết bị máy móc, cơ sở vật chất, con người chu đáo hơn.

Lãnh đạo một đài truyền hình lớn bày tỏ lo ngại: “Khi đơn vị hợp tác sản xuất với đài có trong tay cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm họ tích lũy được cộng với sóng truyền hình họ sở hữu, họ sẽ dễ dàng thao túng. Đài theo không kịp, không giám sát được sẽ dễ dàng buông lỏng và bị thao túng”.

Nhưng người phụ trách của một đơn vị tư nhân lớn kinh doanh truyền hình lại cho rằng: “Các đơn vị tư nhân thường sẽ cẩn trọng hơn trong các chương trình phát sóng, vì đó là “nồi cơm”, là “cơm áo gạo tiền” của họ. Nếu sơ sót, họ sẽ bị đóng cửa, bị phá sản và chẳng ai muốn điều này. Còn với truyền hình do nhà nước quản lý, nếu sai sót thì cán bộ này bị cách chức, sẽ có cán bộ khác lên thay thế”. Nói ra điều này để thấy rằng, tư nhân kinh doanh truyền hình đều là những người dạn dày kinh nghiệm và họ thực sự “say” nghề, xem nó như nghiệp dĩ của mình. Để tồn tại lâu với nghề, họ phải tự hoàn thiện.

Với mong muốn việc xã hội hóa đi theo đúng quỹ đạo và thiết lập những quy định chặt chẽ cho vấn đề này, Bộ Thông tin Truyền thông đang xây dựng những văn bản để quản lý hoạt động liên kết trong sản xuất chương trình truyền hình. Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng trước cơ quan quản lý và trước Nhà nước vẫn thuộc về lãnh đạo các đài truyền hình. Nói cách khác, tư nhân liên kết dù có trình độ cao siêu đến đâu, luồn lách kiểu gì cũng không thể qua mặt được nhà đài, ngoại trừ có lý do tế nhị…

                                                                                                            Theo SGGP Online

Các bài mới
Các bài đã đăng