Xuất bản - người "mang nặng đẻ đau"
Quá trình tổ chức từ bản thảo đến khi ra thành phẩm cuốn sách đòi hỏi các đơn vị xuất bản mất trung bình từ 6 - 12 tháng, thậm chí hơn. Đối với những sách phức tạp như từ điển, sách khảo cứu... phải kéo dài hàng năm. Thời gian "thai nghén" một cuốn sách càng dài, sách được làm ra càng kỹ. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được của các đơn vị xuất bản lại quá bèo bọt, chưa cân xứng với công sức và thời gian mà họ đã bỏ ra. Chưa kể việc đầu tư sách là đầu tư trọn gói "một cục" mà dân xuất bản thường nói đùa với nhau là "tiền tươi, thóc thật", nhưng tiền thu về lại bị xé lẻ, rời rạc kéo dài, thậm chí bị chiếm dụng vốn, chậm trả hoặc quỵt tiền.
Thông thường, sau khi bán sách được 2 tháng, đơn vị xuất bản mới được thanh toán 30 - 40% tổng chi phí sau khi chiết khấu, số sách còn lại được trả theo thực tế bán được sau 6 tháng sau. Đơn vị xuất bản phải mất ít nhất từ 6 - 12 tháng mới hy vọng thu hồi lại vốn sản xuất và chỉ thực sự có lãi nếu sách được tái bản. Đó là chưa kể đơn vị xuất bản phải chịu luôn các khoản chi phí thuê kho bãi, vận chuyển...
Nhìn lại các đơn vị xuất bản tư nhân hiện còn phát triển được cũng từng phải trải qua thời gian dài long đong chạy vốn, gắng gượng xoay vòng hoặc bản thân họ đã trường vốn đầu tư.
Chi phí sản xuất, chi phí phát hành
Việc định giá bìa sách thường do đơn vị xuất bản chịu trách nhiệm. Nói vậy cứ ngỡ họ hoàn toàn chủ động trong việc quyết định giá bìa và là thủ phạm chính khiến giá sách quá cao, không phù hợp với thu nhập trung bình của người dân. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều đơn vị xuất bản sách phải "cắn răng" đưa ra giá bìa sách không đúng với ý muốn của họ. Nguyên nhân chính gây nên éo le này là cả chi phí sản xuất và chi phí phát hành đều quá cao.
Trước khi gia nhập Công ước Berne (tháng 10.2004), chi phí xuất bản thường chỉ chiếm từ 30 - 35% tổng chi phí giá thành sách, gồm: nhuận bút cho tác giả/dịch giả (10 - 12% giá bìa x số lượng bản in), tiền biên tập của NXB (1.000 - 1.500 đồng/trang sách), tiền quản lý phí của NXB (5 - 7% giá bìa x số lượng bản in), tiền in ấn.
Nhưng sau khi Việt Nam gia nhập Berne, phải nghiêm chỉnh thực thi việc mua bản quyền sách nước ngoài và cùng với sự ra đời của nhiều đơn vị xuất bản tư nhân, sự cạnh tranh trong ngành xuất bản sách cũng tăng lên dữ dội, chi phí sản xuất sách tăng vọt, chiếm 40 - 50% tổng chi phí giá thành sách. Bên cạnh các chi phí cũ, đơn vị xuất bản phải trả thêm các mục sau: tiền bản quyền sách nước ngoài (5 - 10% giá bìa x số lượng bản in), tiền biên tập của đơn vị xuất bản (1 - 2% giá bìa x số lượng bản in), tiền PR, quảng cáo quảng bá sách (5% - 10% giá bìa x số lượng bản in). Tuy nhiên lượng bản in cũng không mấy tăng lên theo tỷ lệ thuận đó. Trung bình số lượng bản in đợt đầu của từng tựa sách chỉ khoảng 1.000 - 2.000 bản.
Bên cạnh chi phí sản xuất đã chiếm tròm trèm 50% tổng chi phí giá thành sách, chi phí phát hành cũng không chịu thua kém. Chiết khấu phát hành sách trung bình hiện từ 40 - 55% giá bìa x số lượng bản in. Đó là chưa kể có sự chênh lệch về tỷ lệ chiết khấu phát hành, phía
trung bình từ 40 - 45%, phía Bắc trung bình là 50 - 55% chưa tính phí vận chuyển do đơn vị xuất bản chịu.
Nếu cộng cả phí sản xuất và phí phát hành chiếm mất 95 - 100% tổng chi phí giá thành sách, vì vậy đơn vị xuất bản khi tính giá bìa bắt buộc phải tính gấp đôi giá thành sản xuất để bù cho chi phí phát hành và số lượng tồn ứ sau phát hành. Nghĩa là nếu tổng chi phí xuất bản là 27.000 đồng một cuốn sách 300 trang, khổ 13 x 20,5 cm, đơn vị xuất bản phải định giá lên ít nhất 54.000 - 64.000 đồng/cuốn sách mới có thể chịu nổi chi phí phát hành và hy vọng nhanh chóng thu lại vốn sau khi tái bản.
Theo TNO |