Văn nghệ trong nước
Người ngồi “ghế nóng”
09:29 | 12/05/2009
Lúc nhận chức, trước mặt lãnh đạo Bộ, ông khảng khái: Dù một cú điện thoại để gửi gắm lá phiếu bầu cho mình cũng không. Đó là NSND Lê Ngọc Cường và “chiếc ghế” luôn luôn “nóng”: Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Cuộc trò chuyện cuối tuần với ông, thay vì đề tài múa, nơi ông xuất thân (NSND Ngọc Cường là tác giả của hàng trăm tác phẩm múa), lại là lĩnh vực ông đang “đau đầu” hiện nay: chuyện quản lý văn hóa.
Người ngồi “ghế nóng”
NSND Lê Ngọc Cường

* Là người đứng đầu cơ quan có nhiệm vụ tư vấn, quản lý một số lĩnh vực khá nhạy cảm: thi hoa hậu, người đẹp; biểu diễn thời trang; cấp phép biểu diễn, phát hành băng đĩa ca nhạc..., ông có nghĩ mình đang ngồi chiếc... ghế “nóng”?

- Văn bản mỗi năm Cục tiếp nhận và xử lý khoảng trên 4.000 - một số lượng lớn, mất rất nhiều thời gian. Nói ra thì không ai nghĩ tại sao lại nhận nhiều đơn từ đến thế. Nhưng chẳng hạn, đùng một cái có thư của công dân gửi tới thắc mắc tại sao nhạc sĩ Trần Hoàn lại viết bài Lời Bác dặn trước lúc đi xa như thế, có phải Đảng ta vô tâm, may sao có cô y tá đến phục vụ Bác hát cho Bác nghe một khúc dân ca... Thế là phải thảo công văn trả lời, trước hết là cảm ơn, sau đó là lý giải cho các cụ hiểu nghệ thuật được thấy, luôn luôn có những công việc phải xử lý...
 
Lĩnh vực quản lý của Cục đúng là rộng, lại nhạy cảm. Nói như nhiều người nếu làm tốt là bình thường, nhưng không tốt thì thành vấn đề ngay, có thể lập tức bị dư luận chỉ trích... Vì thế, tôi quan niệm, khi đã làm công việc này vừa phải có tâm, có năng lực... Nghệ thuật biểu diễn rất rộng, có múa, có nhạc, có sân khấu... đòi hỏi người lãnh đạo cũng phải có hiểu biết chuyên sâu. Đi góp ý mà không khéo, như khi duyệt tác phẩm của những nghệ sĩ cỡ NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng... mà không đủ năng lực nhận xét, đánh giá dễ làm họ mất niềm tin. Khen mà không biết khen dễ bị người ta hiểu lầm là sợ mà phải khen. Chê không chuẩn thì dễ bị phản ứng, vì tâm lý nghệ sĩ bao giờ cũng coi trọng đứa con tinh thần của mình... Nhưng cũng rất may mắn, khi ngồi ở chiếc ghế “nóng” này, tôi có thể đảm đương được công việc vì đã có nhiều năm lăn lộn sáng tác và cũng từng tham gia sáng tác múa cho hàng trăm vở diễn sân khấu...

* Thưa ông, thực tế, trong những lĩnh vực Cục quản lý thời gian qua không phải là không xảy ra những vấn đề khiến dư luận bức xúc?

- Khi đất nước mở cửa tạo điều kiện cho tất cả mọi công dân, doanh nghiệp đều được tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, những lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật mới đã du nhập vào Việt Nam: nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, thi hoa hậu, thời trang..., thể thao có tennis, leo núi, golf..., vì mới mẻ nên khi nhà quản lý đưa ra quy chế, dễ vấp phải phản ứng thường trực.
 
Việc duyệt tác phẩm nghệ thuật chẳng khác gì bộ phận ATK kiểm định chất lượng sản phẩm. Một chiếc tivi, khi đưa ra thị trường cũng phải kiểm nghiệm để đảm bảo chất lượng. Trong văn hóa - nghệ thuật cũng thế. Nhưng văn nghệ sĩ lại khác, họ cho rằng như vậy là o ép, là cản trở, gây khó dễ... Đó là do nhận thức chưa gặp nhau. Như thực tế, khi Cục gửi thư tới các trường văn hóa nghệ thuật nhắc nhở lãnh đạo nâng cao tinh thần quản lý học sinh, tránh để các em đi diễn ở nhà hàng, khách sạn. Đó không phải quy chế, chỉ là thư, nhưng đụng tới quyền lợi của một số người là người ta phản ứng. Bạn nói là chúng tôi ngồi trên ghế “nóng” cũng đúng bởi luôn phải điều chỉnh, xem xét để đạt được đồng thuận của báo chí và cả người dân.
 
Với công tác quản lý trong giai đoạn hiện nay, không thể nóng vội. Hơn nữa, nếu mình có tâm, tất cả mục đích là vì công việc thì không có gì phải tự ái trước những ý kiến của báo chí cả. Tôi vẫn bình tĩnh trước những phản hồi của báo chí, cái nào tiếp thu được thì tiếp thu, cái gì cần trao đổi lại thì trao đổi, chứ tôi chưa từng rơi vào trạng thái bức xúc hay phản ứng. Bởi đó cũng là tất yếu của đời sống. Khi một văn bản ra, có nhà báo chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ hết. Mà văn bản pháp luật, điều 1 có khi liên quan tới điều thứ “n” trong đó. Vì thế không có gì phải tự ái, bức xúc. Nhưng cũng vì phải quản lý những lĩnh vực nhạy cảm, nên ngoài trách nhiệm, với công việc này, chúng tôi còn phải dũng cảm đương đầu với những khó khăn. Quan niệm của tôi là không thể đánh giá chất lượng nghệ thuật chỉ dựa vào thước đo là số đông công chúng. Nhiều khi chúng ta phải lựa chọn món ăn cho công chúng, nếu không có lúc sẽ chọn phải món ăn độc hại. Vì thế, khi có phản ứng từ bất cứ phía nào cũng phải bình tĩnh xem xét.
 
* Thực sự đã khi nào ông ở trong hoàn cảnh phải dũng cảm đương đầu như vậy?
 
- Ngay với quy chế tổ chức thi hoa hậu vừa rồi. Thi hoa hậu là tuyển chọn người đẹp có phẩm chất đạo đức, có vẻ đẹp cả hình thể và tâm hồn. Quy chế phải bám theo chuẩn đó, để tôn vinh được cái đẹp. Nhưng thực tế, các đơn vị làm kinh tế coi đó như hoạt động kinh doanh, tổ chức ồ ạt. Nhà nước không cấm việc tổ chức thi hoa hậu, người đẹp... Người ta vẫn nói vui rằng, thi hoa hậu có từ thời vua Hùng đấy thôi. Nhưng giờ đây, cứ thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp là phải có màn thi áo tắm, thậm chí, trình diễn nữ trang cũng mặc áo tắm.

Với một điều luật, theo tôi, nếu người soạn thảo giỏi thì trong quá trình áp dụng không phải sửa đổi, còn nếu soạn chưa chắc thì ra một thời gian phải bổ sung. Việc bổ sung ấy cũng là tất yếu thôi. Về việc tổ chức thi hoa hậu, nhiều người cho rằng, nhờ đó mà quảng bá hình ảnh Việt ra thế giới. Nhưng chúng ta có nhiều cách để quảng bá, chứ đâu chỉ phải thông qua thi hoa hậu. Nhiều ý kiến mỗi năm một cuộc thi quốc gia là quá ít. Nhưng nếu tổ chức đại trà thì lấy đâu ra người đẹp mà lắm thế? Hay có người lại cho rằng nếu không thi hoa hậu thì không có người đẹp đi thi thế giới. Nói thật, hiện ta nhầm lẫn! Theo tôi, nếu không cử đi được một, hai nhà toán học đi thi quốc tế là điều rất đáng tiếc còn hoạt động thi hoa hậu thì không đến mức gây ra thiệt hại cho quyền lợi quốc gia. Tôi không phê phán, nhưng lẽ ra, cơ quan báo chí cần có tiếng nói khách quan hơn. Ví dụ, truyền hình dành cả mấy giờ đồng hồ để phát sóng chương trình có tài trợ, nhiều cuộc thi giờ mang danh “thần tượng”, “ngôi sao” ào ạt quảng cáo, trong khi những concours của những tài năng thực sự, phải mất hàng chục năm đào tạo thì không hề được nhắc tới... Bởi cơ quan nhà nước thì không thể đi gọi tài trợ như doanh nghiệp được. Là một nhà quản lý, tôi cũng bức xúc về những vấn đề đó.

* Ở lĩnh vực sân khấu, hiện nay, phía Bắc thì trầm lặng, còn phía Nam thì đang gây “sốc” với những cảnh sex, cảnh ma quái... Thực trạng này có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý?

- Ở TP.HCM, hoạt động của các đơn vị xã hội hóa mạnh hơn phía Bắc. Xã hội hóa là nhằm mục đích kinh doanh. Đã kinh doanh tức là phải chạy theo thị hiếu của số đông. Từ đó đã tung ra những hình thức thể hiện câu khách. Ở đây có hai vấn đề, ý thức sáng tạo của nghệ sĩ chịu tác động của đồng tiền, các nhà quản lý khi thẩm định lại nới tay. Người đi duyệt trình độ không cao hơn thì không dám nói. Những cảnh “nóng” trên sân khấu nếu mà không có ý nghĩa giáo dục thì phải cấm chứ. Cấm không có nghĩa là ở nước mình không có tự do. Ở đâu cũng thế. Bên Ấn Độ duyệt phim phải có cả bộ công an đến dự. Có thể cảnh “nóng” trên sân khấu được người xem trẻ thích thú. Nhưng nó lại không phù hợp với đại bộ phận công chúng khác. Hiện giờ đã phân cấp quản lý, các Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch ở địa phương thay mặt lãnh đạo địa phương đó thẩm định, cấp phép các chương trình, vở diễn... Nhưng theo quan điểm của tôi, nếu vượt quá mức độ cho phép, thì đến lúc cũng phải mạnh tay hơn.
 
* Chuyện cách đây ít lâu, khi Cục “thổi còi” vở Bà tỷ phú, thậm chí, ông còn nhận được cả lời đe
dọa. Sự thật là thế nào, thưa ông?
 
- Xuất phát từ hiểu lầm về quan điểm khi dựng vở của nước ngoài. Tư duy của nghệ sĩ ở ta là lúc nào cũng phải “Việt hóa” tác phẩm nước ngoài. Nhưng một khi, đó là tác phẩm kinh điển thế giới, sinh ra do nhu cầu của thực tế đời sống trong giai đoạn nhất định, không thể phù hợp để đưa về giai đoạn hiện tại. Hơn nữa, câu chuyện của nước ngoài “Việt hóa” lại khó phù hợp với hoàn cảnh Việt . Trả tác phẩm về đúng giai đoạn lịch sử ra đời thì công chúng thưởng thức mới thấy thú vị, chứ biến thành câu chuyện của Việt thì rất dở. Chuyện bị đe dọa, tôi cũng báo cáo thẳng với bên an ninh. Tôi không hề ngại chuyện đó.
 
* Thưa ông, TP Hà Nội và ngành điện ảnh đã có nhiều năm chuẩn bị cho dự án phim lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng giữa năm ngoái, dự án này đã buộc phải giãn tiến độ. Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng đã tổ chức vận động sáng tác tác phẩm cho dịp kỷ niệm này. Liệu đến năm 2010, chúng ta sẽ có những tác phẩm xứng tầm với kinh phí đầu tư đã bỏ ra?

- Chúng tôi hiện đã có trong tay 90 kịch bản kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có 25 kịch bản sân khấu, 29 kịch bản múa, 40 tác phẩm âm nhạc - giao hưởng... Khác với bên điện ảnh, hết tháng 6/2009 này, cuộc vận động sáng tác mới khóa sổ. Sẽ có một hội đồng thẩm định chọn lựa tác phẩm tốt nhất để dàn dựng. Nhưng xem ra, những tác phẩm như tiêu chí BTC đề ra ban đầu vẫn còn phải chờ đợi. Nghệ thuật vô cùng, không ai có thể nói thế nào là đỉnh cao, song quả thực lực lượng viết đang bị hẫng hụt. Đào tạo nghệ thuật hiện giờ thiếu ở nhiều lĩnh vực, như: chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn lễ hội, chỉ huy dàn nhạc... Trước kia, chúng ta gửi cán bộ ra nước ngoài đào tạo hộ, nhưng giờ phải tự bỏ tiền. Trong Chiến lược phát triển văn hóa, chủ trương nhà nước rất coi trọng ngành này, nhưng đi vào thực tế, bên tài chính vẫn là thống soái. Trong bản góp ý của chuyên gia nước ngoài do Bộ VH TT&DL thuê trong suốt hai năm xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, câu đầu tiên họ nhận xét: Ở nước ngoài, chiến lược văn hóa do Bộ Văn hóa định hướng, nhưng ở Việt Nam hình như quyết định lại là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư thì phải.
 
                                                                                                                 Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng