Văn nghệ trong nước
Bộ phim về Bác Hồ “Nhìn ra biển cả”
09:46 | 12/05/2009
Đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kịch bản Nhìn ra biển cả (tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát) là một trong số các tác phẩm vừa được trao giải thưởng. Đây cũng là kịch bản về đề tài Bác Hồ được nhà nước đặt hàng cho lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm sau.
Bộ phim về Bác Hồ “Nhìn ra biển cả”
Khu di tích Trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học.

Chọn viết và dựng phim giai đoạn Bác Hồ làm thầy giáo ở Trường Dục Thanh (1910 – 2-1911), cái lý của tác giả kịch bản là giai đoạn này chưa mấy ai để ý để khai thác sâu đến mức viết thành một kịch bản như tác giả đã làm. Ngày đó, thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở độ tuổi đôi mươi, trẻ trung, lịch lãm, dung dị, thương yêu, tận tụy, hết lòng mở mang trí đức cho học sinh. Hình ảnh ấy sẽ dễ thể hiện hơn và diễn viên đóng cũng dễ hấp dẫn hơn.

Bên cạnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn có một số nhân vật học trò, lứa tuổi 12 - 15. Ngoài ra, với giai đoạn lịch sử này, tác giả kịch bản cũng khắc họa trong Nhìn ra biển cả hình ảnh một số nhà chí sĩ yêu nước sáng lập ra Trường Dục Thanh và ảnh hưởng không nhỏ của họ đối với việc hình thành nhân cách, ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Bác sau này…

Theo kế hoạch, vào tháng 6 tới, đoàn làm phim Nhìn ra biển cả sẽ có chuyến thực tế đầu tiên vào Phan Thiết - một trong những điểm quay chính của phim. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết: Nhìn ra biển cả không nhiều bối cảnh hoành tráng nhưng lại khá công phu vì phải tạo dựng lại hoàn toàn cảnh trí, đạo cụ, phục trang của những năm đầu thế kỷ 20. Nhất là phải dùng phim trường để dựng lại toàn bộ bối cảnh trường Dục Thanh, Ngọa du sào...

Có một số cảnh đông người như cuộc biểu tình lớn năm 1908 chống sưu cao thuế nặng của bà con nông dân, tiểu thương ở Huế mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành tham gia và cảnh nhà máy xe lửa mà thực dân Pháp đang khai hóa…

Chuyện phim trải dài khắp khu vực Nam Trung bộ: Huế, Quy Nhơn - Bình Định và tất nhiên đậm đặc nhất là ở Trường Dục Thanh - Phan Thiết. Kinh phí dự kiến cho phim này khoảng 7 tỷ đồng. Hiện tại, Bộ Tài chính và các bộ liên quan đang xem xét để trình Chính phủ.

Ban Tuyên giáo TƯ cũng đã có công văn trình Ban Bí thư và Thủ tướng đề nghị sớm có kinh phí để bộ phim đi vào sản xuất và kịp hoàn thành vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2010).

Từ kinh nghiệm sản xuất thành công bộ phim Đừng đốt, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát quả quyết phim Nhà nước đặt hàng cũng có thể làm xúc động, hấp dẫn người xem nếu có được một kịch bản tốt, đạo diễn tài năng, diễn viên hợp vai, diễn xuất ấn tượng và một giải pháp dàn dựng hợp lý.

Nhìn ra biển cả là kịch bản có cái để xem, để suy ngẫm với những tình huống lôi cuốn người xem trở lại với giai đoạn lịch sử cách nay 99 năm trên mảnh đất Phan Thiết, để thấy thầy Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh dung dị như biết bao người thầy dạy học khác trên đất nước Việt Nam, nhưng lại cũng không giống những thầy giáo bình thường. Người là một thầy giáo đặc biệt.

Với kịch bản có tố chất trẻ và cũng khá đặc biệt này, Hãng phim Hội Điện ảnh dự kiến mời một đạo diễn vừa dày dạn kinh nghiệm làm phim, vừa có sự hiểu biết và đam mê đề tài làm phim về Bác. Đạo diễn thì đã “chấm” rồi.

Một gương mặt không lạ nhưng sẽ là một bất ngờ thú vị đối với những người yêu điện ảnh khi người này đứng ở vị trí đạo diễn phim Nhìn ra biển cả. Tuy nhiên, đơn vị sản xuất chưa muốn công bố danh tính vì không muốn tạo ra áp lực cho chàng đạo diễn trẻ ở giai đoạn chuẩn bị khá bận rộn.

                                                                                                      Theo SGGP Online

Các bài mới
Các bài đã đăng