Văn nghệ trong nước
Nhạc trưởng Ebbe Munk: Không được quan tâm, có loại âm nhạc sẽ biến mất
08:19 | 13/05/2009
Ðêm biểu diễn duy nhất, xuất sắc và cảm động của dàn hợp xướng hoàng gia Copenhagen tại VN (20g ngày 11-5-2009 tại Nhà hát lớn Hà Nội) làm hơn 600 khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay không ngớt.
Nhạc trưởng Ebbe Munk: Không được quan tâm, có loại âm nhạc sẽ biến mất
Dàn hợp xướng Hoàng gia Copenhagen biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội - Ảnh: Ng.Thủy

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Ebbe Munk, 45 giọng ca, trong đó có 30 cậu bé từ 13 tuổi có khuôn mặt đẹp như thiên thần và 15 nam ca sĩ mà người lớn tuổi nhất là 55, cùng hơn 10 thành viên từ Học viện Âm nhạc quốc gia VN chọn bản dân ca Trống cơm bằng tiếng Việt (do nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa chuyển soạn) để trình diễn mở đầu và kết thúc.

“Có thể nói nghệ sĩ của các bạn rất tài năng, tuy nhiên chưa quen với việc hát hợp xướng. Nếu để thay đổi ngay thì có lẽ cần một sự giáo dục lâu dài”

Ebbe Munk


Sau đêm diễn, CTV Tuổi Trẻ đã trao đổi với nhạc trưởng Ebbe Munk (ảnh) - người đã dẫn dắt 150 thành viên của dàn hợp xướng hoàng gia Copenhagen, Ðan Mạch từ năm 1991.
 
* Tại sao ông lại chọn Trống cơm làm tiết mục mở màn và kết thúc? Các nghệ sĩ Ðan Mạch tập Trống cơm có khó lắm không?

- Trên tinh thần hợp tác chung của nghệ sĩ hai nước, chúng tôi muốn chọn ra một ca khúc chung để biểu diễn, và Học viện Âm nhạc quốc gia VN đã gợi ý ca khúc này. Trống cơm là ca khúc rất hay, giai điệu lạ, nhiều màu sắc. Chúng tôi đã tập Trống cơm từ tháng hai tới nay.

Cũng không phải là dễ, vì nghệ sĩ hai nước đều chưa quen với cách phát âm của nhau. Mặt khác, các nghệ sĩ VN nói tiếng Anh chưa tốt nên tôi gặp khó khăn trong khi giao tiếp, giảng dạy, chỉ huy với họ. Tuy nhiên, đây là một kinh nghiệm tập luyện tuyệt vời cho chúng tôi.

* Ở Ðan Mạch những hình thức âm nhạc truyền thống quý giá như hát hợp xướng được gìn giữ như thế nào, thưa ông?

- Tôi nghĩ việc gìn giữ truyền thống hát hợp xướng là điều vô cùng cần thiết, vì hợp xướng là hình thức âm nhạc hàng đầu khi giọng hát chính là những nhạc cụ tuyệt vời. Có những thứ âm nhạc dù đã có lịch sử phát triển hàng nghìn năm nhưng không được quan tâm đúng mức vẫn có thể biến mất. Ở Ðan Mạch chúng tôi có hẳn trường dạy hợp xướng.

Các cậu bé - vâng, tôi giải thích thêm là tại sao chỉ có các cậu bé mà không có các cô bé, đơn giản vì đó là truyền thống của hình thức hát hợp xướng từ khi có mặt trên trái đất - được tuyển chọn vào trường từ năm 9 tuổi, và phải mất ít nhất 2-4 năm khổ luyện mới được đứng vào dàn hợp xướng hoàng gia Copenhagen. Ngoài ra, chúng tôi được chính phủ hỗ trợ, ủng hộ rất nhiều. Lương của người chỉ huy cũng như biểu diễn trong dàn hợp xướng rất cao, bên cạnh sự tài trợ của nhiều tổ chức tư nhân.

Dàn hợp xướng là một trong số những hiện thân của giá trị âm nhạc truyền thống lâu đời nhất của châu Âu, trong đó dàn hợp xướng hoàng gia Copenhagen (Copenhagen Royal Chapel Choir) là đại diện duy nhất của vùng Scandinavia trong lĩnh vực này. Báo Le Figaro đã đánh giá dàn hợp xướng này ngang hàng với dàn hợp xướng Vienna Boys và dàn hợp xướng của Đại học Kings ( Cambridge ), coi đây là một trong những dàn hợp xướng hay nhất châu Âu.


                                                                                                                        Theo TT

Các bài mới
Các bài đã đăng