Văn nghệ trong nước
Nhận thức chuẩn, nhưng thực thi khó!
09:18 | 13/05/2009
Sáng 12.5, Viện Phim VN đã tổ chức tọa đàm về "Trao đổi kinh nghiệm về công tác khai thác, sử dụng và phát huy giá trị tư liệu hình ảnh động" với sự tham dự của các nghệ sĩ điện ảnh, đại diện Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh, các hãng phim, Hội Di sản văn hóa VN, Py ban UNESCO VN...
Nhận thức chuẩn, nhưng thực thi khó!
"Tải hàng ra chiến trường" - ảnh tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ (tác giả khuyết danh)

Theo khuyến cáo của UNESCO về lưu trữ: Bảo tồn phim ảnh được xác định là loại hình di sản đặc biệt quý giá không những của mỗi dân tộc, mà là của cả nhân loại.

Hình ảnh động là di sản văn hoá dân tộc

Về giá trị hình ảnh động - ở đây chủ yếu là phim điện ảnh, các đại biểu đề cập rất nhiều, tựu trung lại nó là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu lịch sử dân tộc và lịch sử nền điện ảnh VN.

Đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc đã chia sẻ kinh nghiệm đi tìm tư liệu lưu trữ để thực hiện ba bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin", "Đường về tổ quốc" và "Hồ Chí Minh - chân dung một con người". Với nỗ lực của ông và đoàn làm phim, họ đã xác định chính xác ngày Bác đặt chân tới Liên Xô (cũ) lần đầu tiên qua việc tìm được tấm hộ chiếu, thị thực nhập cảnh ở Đức, Nga của Bác lúc bấy giờ lấy tên là Chen Vang (tức Trần Vương)...

Cũng chính đạo diễn Bùi Đình Hạc đã tìm thấy những thước phim tư liệu đặc biệt quý giá tại Viện Phim VN về Bác Hồ: Cảnh Bác đi chiến dịch, cởi trần mặc quần đùi, vớt nước suối lau người, tự mặc lấy quần áo... và đưa vào dựng trong phim "Hồ Chí Minh - chân dung một con người". Về sau, những tư liệu này trong phim đã được trên 70 nước sử dụng.

Giá trị của hình ảnh động còn được PGS-TS Đào Xuân Chúc nhấn mạnh: Việc lưu trữ tư liệu phải chính xác, ông dẫn ra trường hợp hình ảnh Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập có nhiều "phiên bản" khác nhau do có việc cắt ghép chiếc micro vào ảnh.

Đầu tư và mở rộng cửa ở Viện Phim VN

Một thực tế đáng buồn là việc bảo quản, khai thác giá trị hình ảnh động ở ta chưa tốt. Nhưng theo TS Nguyễn Danh Ngà - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VHTTDL) thì "thiếu thời gian, không ngân sách, lưu trữ hình ảnh động và âm thanh trong tình trạng báo động khẩn cấp" đã là lời cảnh báo từ Hội nghị lần thứ 60 các viện lưu trữ phim quốc tế và lần thứ 8 của Hiệp hội Nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương đưa ra. Và ông Ngà cho rằng: VN vẫn được đánh giá là hơn hẳn các quốc gia khác ở Đông Nam Á về công tác lưu trữ phim.

Tuy nhiên, thực tế đó chưa thấm vào đâu khi theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, tại Viện Phim ở Fukuoka (Nhật Bản), có mua lại và lưu trữ 20 phim VN có thể bảo quản trong vòng 600 năm! Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nêu lên thực tế: Trong khi hàng ngàn bản DVD phim nước ngoài chất lượng cao được bày bán công khai ở các cửa hàng băng đĩa trên toàn quốc thì chỉ có 10 phim VN.

Về việc khai thác và sử dụng hình ảnh động sao cho hiệu quả, các đại biểu đều nhất trí đề cao vai trò của Viện Phim. Viện Phim VN phải là nơi luôn mở rộng cửa cho những ai muốn tìm hiểu về điện ảnh VN và điện ảnh thế giới.

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh nói: "Tôi tha thiết đề nghị Bộ VHTTDL có khoản ngân sách riêng dành cho Viện Phim để làm đĩa DVD (phụ đề tiếng Anh) những phim hay của VN và phát hành rộng rãi trong và ngoài nước". PGS-TS Đỗ Văn Trụ - Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa VN - nói: Viện Phim VN cần đẩy mạnh việc sưu tầm các phim VN và cần đầu tư, mở rộng quan hệ với nhiều viện phim nước ngoài, trao đổi tư liệu để có thêm nhiều phim tư liệu về VN do nước ngoài sản xuất.

Ông Phạm Văn Họa - Phó GĐ Fafilm VN - đề cập tới việc đổi mới nâng cấp quy mô các rạp chiếu phim để góp phần phát huy giá trị hình ảnh động. Trong đó có việc đổi mới mô hình rạp, cụm rạp chiếu phim và quy hoạch mạng lưới rạp, thực hiện đa dạng hóa các mô hình và cải tiến phương thức hoạt động...

Có thể nói, hội thảo đã có nhiều ý kiến thiết thực và hiệu quả, dù phương thức lên đọc tham luận (trong khi đã phát cho đại biểu) không phải là tối ưu.

                                                                                                                     Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng