Văn nghệ trong nước
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: 'Ai nói xấu, tôi chỉ cười cho qua'
10:28 | 19/02/2016

Tác giả của truyện "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cho biết, nhờ viết truyện cho trẻ em, ông được thanh lọc tâm hồn nên đối diện với thị phi rất nhẹ nhàng.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: 'Ai nói xấu, tôi chỉ cười cho qua'
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: Hải An

Liên tục có truyện mới xuất bản, Nguyễn Nhật Ánh có lẽ là nhà văn viết đều và khỏe nhất hiện nay. Bí quyết gì để nhà văn Quảng Nam "30 năm vẫn chạy tốt"? Sau buổi ra mắt truyện Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã chia sẻ với Zing.vn làm sao để ông giữ được tâm hồn trẻ thơ của mình.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: 'Ai nói xấu, tôi chỉ cười cho qua'
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt truyện Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng. Ảnh: Hải An

Tôi viết sách bằng cảm hứng

- Trong "Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng", ông miêu tả chi tiết tính cách, tình cảm… của 5 con chó. Hẳn nhà văn phải quan sát chúng rất kỹ và dành nhiều thời gian bên chúng?

- Tôi viết truyện bắt đầu từ cảm hứng. Phải nói rằng khi tôi viết Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng là tình cảm của mình với chúng, chứ không phải quan sát chúng. Con vật gần gũi, sinh hoạt trong gia đình, tự nhiên hình ảnh, thói quen, tính cách của nó tự động lưu giữ trong ký ức. Khi cần viết thì viết ra thôi.  

Điều này giống như một đứa bé khi làm văn tả ông ngoại em. Trước đó, bé không chú ý quan sát ông ngoại của mình đâu nhưng vì gắn bó thân thiết, tình cảm nhiều quá thì sẽ viết được. Ở cuốn sách này cũng thế, khi có tình cảm dạt dào với các con vật của mình thì tôi viết. Thực tế, cái gì cố tình quan sát để viết là sẽ gượng gạo. 

- Nhiều năm qua, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường là người vẽ sách của ông nhưng lần này, ông giao cho cô bé mới 18 tuổi. Điều gì khiến ông mạo hiểm như vậy?

- Tôi muốn đổi mới cuốn sách của mình nên quyết định làm việc với một bạn trẻ chiến thắng trong cuộc thi Vẽ bìa sách Nguyễn Nhật Ánh do Tủ sách Kính vạn hoa tổ chức. Ban đầu, chúng tôi nghĩ chắc khó kiếm được người vẽ nhưng bạn Hải Lam vẽ khá ổn. Sau khi xem những bản vẽ đen trắng của cô bé này, tôi quyết định mời. 

Có điều, Hải Lam còn trẻ, mới 18 tuổi nên trong quá trình thực hiện cũng gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười. Chẳng hạn, gần đến ngày đi in, 18 bức vẽ đã hoàn thành nhưng lúc đó mới phát hiện Hải Lam để hình size rất nhỏ (vẽ bằng máy) nên không in được. Không còn cách nào khác buộc phải vẽ lại.

Thế nhưng, khi tôi gọi điện, gửi mail, Hải Lam không trả lời, chắc vì áp lực quá. Trong lúc lo lắng đó, tôi ước giá như trước đây mình học vẽ luôn để có thể tự làm tất cả. Sau đó, tôi phải nói lại với Hải Lam giảm số lượng tranh xuống còn 6 và vẽ dần dần, trước tiên là 2 bìa rồi tới hình minh họa.

- Ông hoàn thành cuốn truyện trong bao lâu?

- Thời gian tôi viết khoảng 7-8 tháng. Tuy nhiên, hôm nào cảm hứng không dồi dào lắm thì tôi chuyển sang viết cuốn khác. Hiện nay, tôi còn 2 cuốn đang viết dở. Sắp tới, sẽ xuất bản thêm cuốn khác, cuốn nào thích thú hơn thì ra mắt trước.

Viết cả chủ nhật và ngày Tết

- 30 năm qua, ông sáng tác liên tục và đều tay. Ông duy trì cảm hứng sáng tác thế nào?

- Làm sao để duy trì cảm hứng sáng tác, đó là câu hỏi của mỗi người viết. Như tôi, tôi viết mỗi ngày, kể cả chủ nhật, ngày Tết. Vấn đề không phải mình ham viết để kiếm tiền, hơn cả thói quen, sự lao động, đó là niềm vui, lòng yêu nghề. Một ngày mà tôi không viết thì rất áy náy, khó chịu. Mà tôi phải viết trong thời gian nhất định. Chẳng hạn tôi viết vào khung giờ sáng, 8h-12h hoặc 9h-13h, chứ không đảo lộn thời gian.

Cố định thời gian để cơ thể mình quen với việc sáng tạo, cứ vào thời điểm đó trong ngày là được kích thích. Đây không chỉ còn là kỷ luật lao động mà thành thói quen, niềm yêu thích. Nếu viết sách mà không có hứng thú, cảm xúc thì như người làm khổ sai, rất khó chịu. 

- Cuộc sống luôn bộn bề với bao lo toan, suy nghĩ. Nhà văn viết cho trẻ em nếu không có tâm hồn trẻ thơ thì những trang viết sẽ bị khô cứng, gượng gạo. Ông giữ tâm hồn trẻ thơ như thế nào suốt 30 năm qua?

- Trong cuộc sống, tinh thần dễ bị tác động bởi nhiều thứ. Nếu mình không tỉnh táo, gạt bỏ thị phi thì khó giữ được tâm tịnh. Mỗi khi đọc tin ai đó nói gì không hay về mình, tôi chỉ cười và cho qua. Thời gian qua, tôi dính phải những chuyện không đâu. Ví dụ, một nhà toán học tung tin tôi thuê 20 người viết để tôi đứng tên. Tôi chỉ phì cười và bỏ qua. Nếu phản ứng lại cũng được nhưng thấy không cần thiết.

Ngoài ra, việc mình viết cho trẻ em, sống trong thế giới đẹp đẽ của tuổi thơ cũng giúp tâm hồn được gột rửa, thanh sạch. Tôi từng nói một câu khi tham dự Liên hoan Văn học quốc tế thiếu nhi ở Thụy Điển: “Hạnh phúc lớn nhất của nhà văn viết cho trẻ thơ là được tắm hai lần trên một dòng sông tuổi thơ – điều mà những người khác không làm được”. 

- Ông là nhà văn trẻ em có số lượng bạn đọc đông đảo nhất hiện nay. Sách của ông luôn là best-seller và được tái bản nhiều lần nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, vì viết cho trẻ em nên Nguyễn Nhật Anh chưa có tầm vóc của một nhà văn lớn. Ông nghĩ gì về điều này?

- Khen chê là một phần của cuộc sống nói chung và văn chương nói riêng. Dù tôi có lao động, làm việc cật lực cỡ nào thì vẫn có ý kiến trái chiều. Tôi không cần chứng minh, phản biện mà để tác phẩm, bạn đọc của tôi trả lời. Nhà văn trả lời bằng tác phẩm hay hơn nói phải không?

Theo NewsZing

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng