Văn nghệ trong nước
Ngẫm về mảng văn học đắt khách
15:45 | 22/02/2016

Gần đây, nhiều tác phẩm du ký được xuất bản và tạo nên xu hướng chủ yếu nhờ màn ra mắt rầm rộ và xuất hiện nhiều trên truyền thông.

Ngẫm về mảng văn học đắt khách

 Sách du ký đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho thị trường sách Việt nói chung, đồng thời mang đến niềm tin cho những người làm sách. Điều đáng nói là ngay cả những cuốn sách du ký của nước ngoài khi được dịch và xuất bản ở Việt Nam lại bán không chạy bằng những tác phẩm du ký thuần Việt.

Sự trở lại ấn tượng

Đi sâu tìm hiểu văn học du ký, chúng ta thấy thể loại này đã xuất hiện trong lịch sử văn học Việt Nam từ rất sớm. Ngay từ văn học trung đại, truyền thống ghi chép về “cái có thật” đã xuất hiện trong các bài thơ, bài phú với nội dung ghi chép lại những sự kiện, danh lam thắng cảnh trong các cuộc du hành của những người lữ khách. Tuy nhiên trong một thời gian dài, dường như dòng văn học này đã bị lãng quên.

Giữa lúc thị trường văn học Việt Nam đang vùng vẫy tìm cách tiếp cận độc giả trẻ thì sách du ký gần như là mảng văn học duy nhất chinh phục được đối tượng này.
 

Những năm gần đây, sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống đã tạo nên biến động đáng kể trên thị trường sách. Khi những người cầm bút dám thay đổi định kiến, thói quen để thể hiện đam mê của mình thì tác phẩm của họ cũng chuyển sang một khuynh hướng khác: năng động hơn, thoáng hơn. Mảng văn học du ký “nở rộ” cũng do sự phát triển và phổ biến của hình thức du lịch “phượt” trong giới trẻ hiện nay. Giới chuyên môn nhận định, văn học du ký như một luồng gió mới thổi vào thị trường sách văn học. Các tác giả ngày càng hứng thú kể lại những chuyến đi, còn độc giả thì hào hứng khi được trải nghiệm qua những trang văn đầy ắp thông tin thú vị. Phần lớn số đông chọn cách đọc những tác phẩm viết về các chuyến đi để tận hưởng sự sống động theo từng bước chân người viết và gieo vào lòng mình cảm hứng sống, chắt lọc kinh nghiệm sống.
 

Nhưng để có được sự đón nhận của độc giả là một thử thách không dễ dàng bởi không phải bất cứ chuyến đi nào cũng trở thành câu chuyện hấp dẫn nếu không có cách diễn đạt và lối dẫn dắt độc đáo, mới mẻ. Điều đáng ghi nhận trong thời gian qua là sách du ký thuần Việt áp đảo cả sách du ký gắn mác ngoại. Điển hình, cuốn Trên đường được in 1.000 cuốn vào năm 2008 và không tái bản, bản dịch cũng ít được nhắc đến trên báo chí và không tạo được hiệu ứng truyền thông mặc dù đây là tác phẩm có tầm ảnh hưởng quốc tế, không chỉ trong quốc gia quê nhà (Mỹ). Trong khi đó, những tác phẩm du ký thuần Việt như Venise và những cuộc tình Gondola của Dương Thụy, Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương và Bánh mỳ thơm, café đắng của Ngô Thị Giáng Uyên... đều rất “đắt khách”. Không thể phủ nhận thực tế: Người Việt Nam thích đọc về người Việt Nam. Vài năm trở lại đây, sách du ký được coi là dạng sách truyền cảm hứng sống cho mọi người.
 

Sách du ký có phải là văn học?

Có thể nhận thấy một điều, hầu hết các tác giả của sách du ký Việt Nam có tuổi đời khá trẻ. Họ năng động và ưa thích “xê dịch”. Câu chuyện trong mỗi cuốn sách du ký đều được nhìn nhận và đánh giá qua con mắt của những người trẻ. Với công cụ là ngôn ngữ và vốn sống được tích lũy tương đương với tuổi đời của mình, các tác phẩm du ký trở nên dễ đọc và phù hợp với giới trẻ. Các tác giả và độc giả trẻ, theo một cách nào đó, trở thành những người bạn cùng chí hướng. Một vấn đề dễ nhận thấy, các tác giả này phần nhiều không phải là cây bút chuyên nghiệp, ý tưởng viết lách chỉ xuất hiện trong cuộc hành trình khám phá của họ. Chính vì vậy, cách hành văn trong các tác phẩm du ký này thường giản dị, ít được chau chuốt và có phần vụng về nhưng lại mang dấu ấn cá nhân rõ nét. Sự không trọn vẹn đó cũng góp phần làm sách du ký hấp dẫn hơn nhiều mảng văn học khác, bất chấp những quan điểm trái chiều.
 

Đồng ý rằng, ký là thể loại gần gũi với nhiều cây bút không chuyên. Người ta khó có thể tiếp cận tiểu thuyết và truyện ngắn nhưng dễ dàng làm quen và viết những tác phẩm ký, du ký cũng không phải ngoại lệ. Hơn nữa, không phải tất cả những tác phẩm du ký ăn khách đã xuất bản đều có chiều sâu. Nhưng có lẽ, nghi vấn “sách du ký có phải văn học đích thực hay không” không còn quá quan trọng nữa, bởi giữa lúc thị trường văn học Việt Nam đang vùng vẫy tìm cách tiếp cận độc giả trẻ thì sách du ký gần như là mảng văn học duy nhất chinh phục được đối tượng này. Hy vọng, văn học du ký - một thể loại văn học tồn tại từ rất lâu đời trong lịch sử không bị nhấn chìm trước sự lấn át của nhiều loại hình văn hóa giải trí sôi động hiện nay.

Theo Việt Sơn - suckhoedoisong

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng