Văn nghệ trong nước
Dư âm Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14
08:58 | 24/02/2016

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 với chủ đề “Đất nước - cánh buồm Xuân” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 22-2-2016 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) là sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân. 

Dư âm Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14
Người lớn tuổi chen chân trong ngày thơ

Đặc biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều bài viết và hình ảnh phản ánh không khí của Ngày Thơ cùng những nhận xét, đánh giá của dư luận về sự kiện này. VanVN.Net xin trích giới thiệu một số nhận xét, đánh giá trên đây, trên một số tờ báo điện tử trong nước.

Với tiêu đề Ngày thơ Việt Nam cuốn hút công chúng, báo Nhân dân điện tử sau khi tường thuật chương trình Ngày thơ ở sân thơ chính, sân thơ trẻ và khu vực Hồ Văn, còn cho biết: Lần đầu tiên, báo Nhân Dân hằng tháng có quầy giới thiệu ấn phẩm tại Ngày thơ Việt Nam, tổ chức ngày 22-2 tại Văn Miếu, Hà Nội. Ấn phẩm của Nhân Dân hằng thángmang tên “Dưới vòm sữa mẹ”, dày 300 trang, tập hợp các tác phẩm thơ của 30 nhà thơ từng xuất hiện trên báo, như Nguyễn Sĩ Đại, Đỗ Thị Tấc, Nguyễn Ngọc Tư, Bình Nguyên Trang, Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Vĩnh Tiến… qua lời giới thiệu của nhà thơ Hữu Việt.

 

Bài Sức sống của một sân thơ trên báo Hà Nội mới dẫn ý kiến của nhà thơ Anh Ngọc: “Đối với người Việt Nam, thơ không chỉ là thơ, mà nó còn là một cách nói. Có thể nói đó là một điều đặc biệt. Có dân tộc yêu hội họa, có dân tộc yêu điện ảnh, có dân tộc yêu kịch… thì chúng ta là một dân tộc yêu thơ. Việc Hội Nhà văn tổ chức Ngày hội Thơ ca đều đặn, suốt 14 năm thì có thể nói, tôi rất vui. Dù ai nói gì thì tôi cũng cảm nhận, hôm nay trên toàn bộ nước Việt Nam, thơ thực sự được tôn vinh, được khẳng định. Qua 14 năm liên tục mà vẫn còn rất sôi động, tôi hoàn toàn có thể hy vọng Ngày Thơ Việt Nam sẽ còn tồn tại rất lâu dài, cũng có thể các thế hệ sau này của chúng ta sẽ coi Ngày thơ Việt Nam là một lễ hội giống như Lễ hội làng Lim, hát quan họ, ví dặm, ca trù của lịch sử…”.

 

Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam miêu tả: “Liên khúc thơ Mùa xuân - Đất nước - Tình yêu với những cảm xúc dâng trào tha thiết trên các miền quê từ phiên chợ tình Khâu Vai ở vùng biên ải phía Bắc đến hội Xuân quan họ miền Kinh Bắc, từ sông Lô khúc trường ca kháng chiến năm xưa vọng về với sông Lam khúc ruột miền Trung... Sự thể hiện của các nhà thơ nữ Nguyễn Thị Mai, Đỗ Bạch Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Ngọc Hà cũng đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả”.

 

Báo Bắc Ninh cho biết: “Không gian trưng bày của Hội Văn học nghệ thuật Bắc Ninh (tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 ở Văn Miếu-Hà Nội) thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, du khách tham dự ngày thơ với nội dung trưng bày phong phú gồm: các tác phẩm văn, thơ, tượng, điêu khắc, băng đĩa dân ca Quan họ, tranh dân gian Đông Hồ, gốm Phù Lãng… Ngoài ra hai hội viên Hội VHNT tỉnh là nhà thơ Uyên Hà và nhà thơ Nguyễn Như Hạo cũng đại diện góp mặt tại Sân thơ trẻ với các tác phẩm thơ xuất sắc giới thiệu với công chúng về văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc nói chung và thi ca Bắc Ninh nói riêng. Qua 14 lần tổ chức, Ngày thơ Việt Nam thực sự trở thành lễ hội thi ca có ý nghĩa trong đời sống VHNT của đất nước, tôn vinh các nhà thơ và người yêu thơ trong những ngày đầu năm mới”.

 

Với tiêu đề Sự trở lại ấn tượng của sân thơ thiếu nhi, báo Dân Trí viết: “Lần đầu tiên, sân thơ thiếu nhi đường hoàng đứng cạnh sân thơ trẻ và thơ trăm miền tại Ngày Thơ Việt Nam 2016 diễn ra sáng nay, ngày 22/2 tại Hà Nội. Với chủ đề “Reo vang bình minh”, nhiều tiết mục do các em nhỏ trình diễn và sáng tác đã gây ấn tượng mạnh với người xem…

Nằm trong chủ đề chung “Đường Xuân”, sân thơ thiếu nhi mở màn với phần trình diễn ấn tượng có tên “Reo vang bình minh” của các bạn nhỏ đến từ trường THCS Nguyễn Tri Phương và các thành viên CLB Đọc sách cùng con. Phần trình diễn của các em nhỏ thu hút sự chú ý của báo giới, trong đó nhiều sự quan tâm dành cho con gái út của diễn viên Chiều Xuân là Hồng Khanh, cô bé từng tham gia Giọng hát Việt nhí cũng đọc trích đoạn thơ trong phần trình diễn “Reo vang bình minh” này”.

 

Báo Phụ nữ news “giật” hàng tít lớn: Tết Nguyên Tiêu, hàng nghìn người trảy hội Ngày Thơ Việt Nam. Bài báo cho biết: “Ở Hà Nội, Ngày Thơ diễn ra đông đảo so với các năm… Ngay từ sáng, người yêu thi ca chen chân tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Khu vực diễn ra ngày hội được trang hoàng rực rỡ. Lá cờ Tổ quốc cùng cờ Thơ, bóng bay, thơ viết trên lụa... hòa trong sắc đỏ rợp trời. Năm nay, do thời tiết tạnh ráo và dễ chịu hơn các năm, sự kiện thi ca tầm quốc gia thu hút đông người dân tham dự hơn. Sau lễ khai mạc, tại các sân khấu, các tiết mục ngâm đọc, trình diễn thơ lần lượt diễn ra. Trên sân thơ truyền thống, thay vì chỉ có các tiết mục văn nghệ, ngâm thơ như mọi năm, các tác giả lão thành cùng nhau đọc liên khúc về biển đảo - biên cương. Những vần thơ mang âm hưởng hào hùng, thể hiện vẻ đẹp và tình yêu Tổ Quốc được ngân lên qua giọng đọc của các tên tuổi: Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến...

   

Bài Trời đẹp nhưng vắng khách yêu thơ của báo Tuổi Trẻ cũng nhận xét: “Không khí ngày hội thơ năm nay khá tưng bừng ngay từ cổng vào khi sắc đỏ gần như nhuộm khắp không gian Văn Miếu. Nhất là cổng dẫn vào ngày thơ cũng như hồ Thiên Quang Tỉnh thêm phần nên thơ khi được trang trí hàng trăm chiếc nón bài thơ.

Triển lãm tôn vinh các nhà thơ chống Pháp với các nhà thơ như Hồ Chí Minh, Minh Huệ, Nông Quốc Chấn, Phạm Hổ, Lê Đạt, Trần Dần, Vũ Cao… cũng được dựng quanh hồ Thiên Quang Tỉnh.

Vẻn vẹn trong vòng 30 phút, các em thiếu niên, thanh niên đến từ CLB đọc sách cùng con, một số trường phổ thông ở Hà Nội đã đọc thơ, kể chuyện bằng thơ, hát thơ phổ nhạc... Sự hồi hộp, hồn nhiên của các em kéo khách thơ đến và ở lại”…

“Ở phía Hồ Văn, hoạt động của các CLB thơ khá đông đúc với hơn chục “lều thơ”. Nhưng, điều thú vị ở đây là “lều âm nhạc” của CLB VHNT Nguồn Việt với 13 chiếc cồng, chiêng được trưng bày để bất cứ ai cũng có thể thưởng thức âm nhạc cồng chiêng…”.

Báo Tuổi Trẻ còn đăng kèm bài viết trên đây là những bức ảnh diễn tả sự tấp nập đông vui của hàng nghìn người chen chân trên các sân thơ.

Quang cảnh ở sân thơ truyền thống

 

Báo Sài Gòn Giải phóng nhận xét Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 tổ chức ở Văn Miếu là “Rộn ràng, bay bổng” và miêu tả: “Sân khấu chính được tập trung cho các tiết mục trình diễn thơ với chủ đề “Đất nước - Cánh buồm xuân”. Cánh buồm là một hình tượng văn học thể hiện cho sự tiến lên, vươn mình lớn mạnh giữa biển lớn của đất nước Việt Nam, cũng chính là hướng về biển đảo quê hương của người dân Việt Nam. Đặc biệt, ngày thơ năm nay, lần đầu tiên ra mắt liên khúc thơ Biển đảo, biên cương do các nhà thơ: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý trình bày cùng một số ca khúc về Trường Sa do các ca sĩ nổi tiếng trình diễn. Nếu không khí của sân thơ truyền thống vừa trang nghiêm, sâu sắc, giàu ý nghĩa thì sự xuất hiện của các em thiếu nhi trong ngày thơ đã đem đến những màu sắc mới. Chỉ vẻn vẹn 30 phút nhưng liên khúc thơ của các em đã gieo vào lòng người xem những âm điệu tươi mới, trong trẻo, hồn nhiên”.

 

Báo Petro Times cho rằng Ngày thơ Việt Nam 2016 là “Nơi hội ngộ khách thơ” với những dẫn chứng: “Ngay từ sớm, hàng trăm người đã đổ về sân thơ truyền thống, sân thơ trẻ và sân thơ thiếu nhi. Những khách thơ lâu không gặp mặt, được dịp hội ngộ trong ngày thơ lần này, ai cũng tay bắt mặt mừng, tươi cười đọc cho nhau nghe những vần thơ mình mới sáng tác…”.

 

Báo An ninh Thủ đô cũng viết: “Chưa đến giờ khai mạc nhưng đường vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã chật kín người. Xung quanh khu vực giếng Thiên Quang, người xem dễ nhận thấy là những tấm panô lớn trưng bày, giới thiệu tiểu sử của các tác giả thời kỳ kháng chiến chống Pháp như Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Quang Dũng…”.

Và “Hai nhà thơ nước ngoài có mặt tại Ngày thơ Việt Nam là André Velter (Pháp) - người từng giành giải thưởng Goncourt năm 1996 và nhà thơ Jean-Pierre Orban (Bỉ) - giải thưởng Sách châu Âu 2015 vừa trình diễn ở Sân thơ Truyền thống cũng lại tiếp tục “chiêu đãi” khán giả ở Sân thơ Trẻ. Dứt màn trình diễn, hai ông vui vẻ khoe những tập thơ được đồng nghiệp Việt Nam tặng và hứa sẽ có dịp quay trở lại Việt Nam…”. 

    

Báo Thanh niên cho biết: Theo ước tính… có khoảng 4.500 người tới tham dự. Với chủ đề chính Đất nước-Cánh buồm xuân, các nhà thơ đã đọc liên tiếp các tác phẩm thơ về biển đảo, đất nước. Trong số đó, được đón chờ có bản giao hưởng thơ Biên cương với 3 bài thơ Đỉnh núi, Tây Bắc và Lính thời bình của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Cùng đọc thơ theo kiểu “tiếp sức” với ông Khoa còn có các nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý.

   …. Reo vang bình minh là tên gọi của sân thơ thiếu nhi. Một câu chuyện kịch đã được kể để các em nhỏ cùng nhau đọc thơ. Cùng tham dự có khoảng ba trăm bạn nhỏ tới từ nhiều trường phổ thông khác nhau. Trong 10 gương mặt dự sân thơ trẻ năm nay có đến 8 gương mặt mới. Nhà thơ ít tuổi nhất là Ngô Gia Thiên An mới học lớp 11, với giọng thơ rất độc đáo”.

 

Báo Tiền phong cũng rút hàng tít “Ngàn người chen chân đến Văn Miếu nghe liên khúc thơ” và nhận xét: “Ngày thơ năm nay đem lại nhiều nét mới, độc đáo, mang đến sự hấp dẫn với người yêu thơ. Sân thơ truyền thống phần nhiều là khán giả đầu hai thứ tóc, đông chưa từng thấy. Cùng lúc, khán giả sân thơ thiếu nhi phía trong toàn các em học sinh THCS mặc nguyên đồng phục đến nghe thơ. Các tiết mục thơ thiếu nhi kéo dài chỉ 30 phút, các em vẫn nán lại tiếp tục nghe Thơ trẻ”.

     

Báo Thể thao & văn hóa “chơi chữ”: Có sân thơ thiếu nhi, ngày thơ không sợ già và nhận định: Năm nay, việc sân thơ Thiếu nhi kết hợp với sân thơ Trẻ là một thay đổi khiến nhiều người chờ đợi là sẽ trẻ hóa Ngày Thơ. Trong khi sân thơ Truyền thống (dành cho các nhà thơ lớn tuổi và những tác phẩm quen thuộc) vẫn rất truyền thống, nhiều độc giả cũng đến sân thơ Trẻ và sân thơ Thiếu nhi để tìm kiếm sự mới mẻ.

Theo vanvn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng