Văn nghệ trong nước
Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Yến Lan
15:46 | 02/03/2016

Nhà thơ Yến Lan tham gia nhóm “Bàn Thành tứ hữu” cùng với các nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn và là một trong “Tứ kiệt đất Bình Định” thời đó. Ngay từ những trang viết đầu tiên, Yến Lan đã trở thành một cây bút chuyên nghiệp với phong cách riêng, giọng điệu riêng, tư tưởng riêng. 

Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Yến Lan
Nhà thơ Hữu Thỉnh

Sáng ngày 01-3-2016, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Yến Lan và cuộc hội thảo về thơ ông được tổ chức trọng thể.

Đến dự Lễ kỷ niệm có ông Vũ Công Hội – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phùng Quang Trung – Trưởng phòng Văn học, Cục Nghệ thuật biểu diễn; nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và nhà văn Trần Quang Khanh đại diện lãnh đạo Hội VHNT Bình Định; các con, cháu của nhà thơ Yến Lan cùng đông đảo bạn đọc nhiều thế hệ yêu mến nhà thơ… Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội; các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đều tham gia với những ý kiến phát biểu, tham luận rất sâu sắc.

Trong bài phát biểu khai mạc buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá cuộc đời hoạt động văn chương và những đóng góp quan trọng của nhà thơ Yến Lan vào công cuộc xây dựng chính quyền mới cũng như nỗ lực đổi mới văn chương Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng tháng 8 (năm 1945): Yến Lan được sinh ra, trưởng thành ở mảnh đất Bình Định – một trung tâm chính trị của nhiều vương triều nên ông đã hấp thu được những tinh hoa, dư ba văn hóa của nhiều thời đại lịch sử. Cảm quan văn hóa, cảm quan nhân thế và cảm quan về sự biến đổi thời cuộc của ông rất mạnh mẽ, vì thế nỗi hoài cổ trong thơ ông là nét đặc sắc không thể có được ở những nhà thơ khác. Nhà thơ Yến Lan tham gia nhóm “Bàn Thành tứ hữu” cùng với các nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn và là một trong “Tứ kiệt đất Bình Định” thời đó. Ngay từ những trang viết đầu tiên, Yến Lan đã trở thành một cây bút chuyên nghiệp với phong cách riêng, giọng điệu riêng, tư tưởng riêng. Không chỉ say mê sáng tác, nhà thơ Yến Lan còn là một cán bộ văn hóa của chính quyền mới, ông có thời gian dài công tác tại cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam (NXB Văn học – tiền thân của NXB Hội Nhà văn hiện nay). Tư chất của người cán bộ văn hóa trong ông hòa quyện cùng dòng cảm xúc lai láng trước thời cuộc đã làm nên các tác phẩm mang suy tư về thế sự như “Bài ca hợp tác thôn tôi”. Hơn tất cả những phẩm chất của người nghệ sĩ, Yến Lan là một người làm nghề rất kĩ, những năm tháng cuối đời, ông đã “nén” thơ lại, trở về thể thơ tứ tuyệt Đường thi mang nhiều tư tưởng lớn và những suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu sắc. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Yến Lan bằng một hội thảo để thế hệ cầm bút sau ông đánh giá, nhận thức một cách toàn diện, đầy đủ về sự nghiệp sáng tác, về giá trị và những đóng góp của ông cho nền văn học Việt Nam.
 

Các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình tham gia hội thảo

Phần hội thảo diễn ra khá sôi nổi với những bản tham luận: “Đặc sắc Yến Lan” của nhà thơ Vũ Quần Phương, “Thơ Yến Lan và những triết lý về kiếp sống “vô thường”” của PGS. TS Lưu Khánh Thơ, “Vầng trăng trên bến My Lăng” của nhà phê bình Lê Thành Nghị… Một số ý kiến phát biểu của các nhà thơ: Nguyễn Trọng Tạo, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Thanh Mừng đã giúp bạn đọc hình dung tương đối đầy đủ về con người, nhân cách, tầm tư tưởng trong thơ của nhà thơ Yến Lan.

Nhà thơ Lâm Huy Nhuận (con trai nhà thơ Yến Lan) đã xin phép cha trình bày bài thơ thuở sinh thời Yến Lan tâm đắc nhất: “Bình Định 1935” với giọng ngâm đầy cảm xúc. Có nhiều người lần đầu tiên được nghe trọn vẹn bài thơ mà trước đây chỉ thuộc được một vài câu có hình ảnh đẹp, thi tứ lạ đã không khỏi sửng sốt và thán phục tài tiên liệu chính xác về thế sự và nhân sinh của nhà thơ Yến Lan.

Nhà văn Trần Quang Khanh (Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Định) cho biết, ngay trong chiều ngày 02-3-2016, Hội VHNT Bình Định sẽ tổ chức lễ dâng hương tại khu tưởng niệm nhà thơ Yến Lan, sau đó sẽ diễn ra cuộc tọa đàm thơ Yến Lan với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, bạn đọc trên quê hương Bình Định. Tối cùng ngày, vào lúc 19h30, đêm thơ Yến Lan mang tên “Còn mãi Bến My Lăng” được tổ chức ngày tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định (nơi sinh của nhà thơ Yến Lan).
 

Bàn chủ tọa, từ trái sang: nhà thơ Hữu Thỉnh, bà Lâm Bích Thủy, nhà thơ Trần Đăng Khoa


Trong cuộc hội thảo tổ chức tại Hội Nhà văn Việt Nam, bà Lâm Bích Thủy đại diện gia đình nhà thơ Yến Lan có lời cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Hội Nhà văn và những tình cảm yêu mến của bạn đọc nhiều thế hệ dành cho cha mình. Cũng trong dịp này, bà muốn “cải chính” một số thông tin về nhà thơ Yến Lan:

- Nhà thơ Yến Lan sinh ngày mùng 2 tháng 3 năm Đinh Tỵ (tức ngày 22-4-1917), chứ không phải ngày 02-3-1916. Những ngày tháng chính xác này được nhà thơ Yến Lan viết trong một bức thư gửi ông Đinh Tiến Dũng ngày 13-3-1988 (bức thư được bà Thủy photocopy mang đến hội thảo).

- Vở kịch thơ “Bóng giai nhân” là tác phẩm của một mình nhà thơ Yến Lan chứ không phải kịch viết chung với nhà thơ Nguyễn Bính như lâu nay các tài liệu vẫn ghi. Để chứng minh cho điều này, bà Lâm Bích Thủy đã mang đến hội thảo bài viết của nhà thơ Hoàng Cầm “Về tác giả kịch thơ Bóng giai nhân” (bản viết tay được photocopy) khẳng định đây là vở kịch của nhà thơ Yến Lan, trong bài viết có trích thư Nguyễn Bính gửi con gái (nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu): “Hồng Cầu! Con tìm cách cải chính ngay đi: rằng bố đây, Nguyễn Bính, không phải tác giả kịch thơ Bóng giai nhânđâu!”

 

Kết thúc cuộc hội thảo về thơ Yến Lan, nhà thơ Hữu Thỉnh đưa ra một số ý kiến:

- Cần phải cải chính ngày tháng năm sinh của nhà thơ Yến Lan theo đúng sự thật được xác minh từ nguồn tài liệu đáng tin cậy nhất. Từ nay trên tất cả các văn bản liên quan đến nhà thơ Yến Lan sẽ ghi ông sinh ngày 22-4-1917.

- Thống nhất thông tin được cải chính: kịch thơ “Bóng giai nhân” là tác phẩm của nhà thơ Yến Lan viết độc lập.

- Cần phải làm một tuyển tập thơ Yến Lan đầy đủ các tác phẩm kể từ khi mới sáng tác đến những năm cuối đời, trong đó phần phụ lục in các bản tham luận tham gia hội thảo thơ Yến Lan được tổ chức tại Hà Nội và Bình Định.

- Hội Nhà văn Việt Nam cùng Hội VHNT Bình Định và chính quyền tỉnh Bình Định xúc tiến việc xây dựng nhà lưu niệm nhà thơ Yến Lan, trong đó cần có sự đóng góp, giúp đỡ của gia đình nhà thơ về tư liệu, hiện vật trưng bày.

- Đề nghị đặt lại tên đường Yến Lan trên một con đường khác lớn hơn để xứng đáng với tầm vóc thi ca của ông (tại tỉnh Bình Định).

- Đặt tên một trường tiểu học là “Trường tiểu học Yến Lan” để ghi nhận những năm tháng trẻ tuổi ông từng là tham gia dạy học tại quê nhà.

 

Lễ kỷ niệm và hội thảo nhân 100 năm sinh nhà thơ Yến Lan kết thúc tốt đẹp. Nhiều dự định ghi nhớ tài năng, đóng góp của ông với văn học Việt Nam sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Theo Vanvn

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng