Văn nghệ trong nước
Con đường "máu và hoa" bất tử
14:27 | 15/05/2009
Con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, con đường huyết mạch nối liền đất nước là "kỳ công, kỳ tích, kỳ quan của ý chí, nghị lực và tinh thần sáng tạo phi thường của dân tộc Việt ".
Con đường
Đường Trường Sơn huyền thoại.

50 năm kể từ ngày mở đường (19.5.1959), đường Trường Sơn vẫn được khám phá qua những thước phim.

Có thể do tính chất bảo mật tuyệt đối cho con đường vận chuyển vũ khí, lương thực... nối liền miền Bắc với chiến trường miền Nam mà những thước phim tư liệu về nó được quay rất ít và trước năm 1975 thì hầu như không có phim nào nói về con đường này.

Sau khi thống nhất đất nước, rải rác trong những phim về chiến tranh, cả tài liệu, phim truyền hình và phim truyện, hình ảnh đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được thể hiện qua những thước phim tư liệu, qua "hồi ức" của nhân vật trong phim, không nhiều, nhưng cũng đủ nói lên tinh thần và linh hồn con đường huyền thoại.

Năm 1998, Điện ảnh quân đội đã làm phim tài liệu "Trường Sơn hùng tráng" - đạo diễn Cao Nguyên Dũng, tái hiện lịch sử con đường này một cách hệ thống và tương đối đầy đủ cho đến lúc đó.

Với 60 tập (10 phút/tập), "Huyền thoại Trường Sơn" của Đài Truyền hình TPHCM được hình thành ý tưởng từ giữa năm 2008 và thực hiện từ tháng 9.2008 đến đầu tháng 4.2009 phát sóng.

Nội dung của phim trải dài qua nhiều địa điểm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tây Nguyên, Huế, một phần của nước Lào... và cố thu hết những "chấm đỏ trên bản đồ chiến sự", giúp người xem hôm nay có cái nhìn tương đối cụ thể về một Trường Sơn hào hùng của dân tộc.

Phim "Tướng Đồng Sĩ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại" - đạo diễn Nguyễn Hải Anh, Hãng phim TFS - Truyền hình TPHCM, 5 tập (20 phút/tập), được chiếu trong dịp kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn.

Tướng Đồng Sĩ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - là người góp công lớn trong việc tạo những kỳ tích tổ chức thế trận giao thông liên hoàn, giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn để bảo vệ con đường, kiến trúc sư hệ thống "đường hầm màu lam", kiến tạo lý thuyết quân sự trong việc xây dựng "Binh chủng hợp thành", rất đặc thù của QĐNDVN.

Phim còn kể lại qua những câu chuyện hồi ức, những thước phim tư liệu về hàng trăm ngàn chiến sĩ, TNXP... Trường Sơn anh dũng, lập nên những chiến tích bất tử, làm thất bại những kế hoạch ngăn chặn con đường tiếp viện Bắc - của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn...

Trong dòng phim truyện, có lẽ không thể quên phim "Người sót lại của rừng cười" - đạo diễn Trần Phương, Hãng Phim truyện VN. Một phim rất hiếm về chiến tranh nói về những nữ TNXP Trường Sơn, một lực lượng chính để mở đường, giữ đường, bảo vệ con đường luôn thông suốt, an toàn. Họ trong trắng hồn nhiên, hy sinh cả tuổi xuân, đầu đội bom, tay lấp hố bom giữ con đường được bình yên...

Năm 1999, có thêm "Ngã ba Đồng Lộc" - đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Hãng Phim truyện VN, là bản hùng ca về 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc ở "túi bom" khốc liệt nhất đầu con đường Trường Sơn huyền thoại.

Năm 2007, phim "Sinh mệnh" - đạo diễn Đào Duy Phúc, là một cái nhìn khác về con đường Trường Sơn, ngoài ranh giới mong manh, khốc liệt giữa sống và chết trong chiến tranh lại nảy sinh những mầm sống của ngày mai, như cái nhìn về tương lai... Phim đã giành giải báo chí tại giải Cánh diều của Hội Điện ảnh VN.

Một con đường như bản anh hùng ca bi tráng góp vào chiến thắng cuối cùng, ngày miền hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Những người làm phim VN vẫn còn mắc nợ với con đường, với những người đã hy sinh để làm nên con đường huyền thoại bất tử này. Những thước phim đã làm vẫn chưa đủ để xứng với tầm cỡ con đường mang tên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

                                                                                                                      Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng