Văn nghệ trong nước
Thế hệ nhà văn sau 1975: 'Ra ngõ gặp anh hùng'
09:37 | 11/05/2016

Hội thảo quốc gia Thế hệ nhà văn sau 1975 vừa được Trường ĐH Văn hóa Hà Nội tổ chức, đã khởi phát, định danh những gương mặt và thành tựu của lớp người sáng tác, được xem là thế hệ hậu chiến, thế hệ đương nhiệm, “ra ngõ gặp anh hùng” ở chặng đường đổi mới của tiến trình văn học Việt Nam.

Thế hệ nhà văn sau 1975: 'Ra ngõ gặp anh hùng'
TS Chu Văn Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Chung - Vietnamnet

Dự phần vào thời đại mới, không chỉ gõ cửa, thế hệ nhà văn sau 1975 với bút lực sung mãn phục sinh và phóng chuyển đời sống và mỹ cảm văn học - xã hội đang còn những thiếu khuyết, chông chênh.

 

Tiếp sức không mệt mỏi

Dẫn nhập của hội thảo Thế hệ nhà văn sau 1975, chỉ ra rằng lịch sử văn học bao giờ cũng là cuộc chạy tiếp sức không mệt mỏi của các thế hệ văn học. Mỗi chặng lớn luôn có sự góp mặt của nhiều thế hệ khác nhau.

Các thế hệ vừa có tiếp bước, vừa có song hành, vừa có đan xen, chuyển hóa trên hành trình văn học để kiến tạo nên hệ thẩm mỹ thời mình. Thế hệ nhà văn sau 1975, đã để lại nhiều thành tựu cần soi chiếu, bàn định thấu đáo trong tiến trình văn học.

Mặc dù công cuộc đổi mới được làm nên bởi nhiều nhà văn thuộc cả về thế hệ trước và sau 1975, nhưng lực lượng chính, đông đảo nhất và trực tiếp kiến tạo những giá trị mới, đặc biệt là hệ mỹ học mới, lại chủ yếu thuộc về những người xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau 1975.

 
Nếu xét độ tuổi, phần lớn họ sinh vào những năm 1950, 1960. Nếu xét thời điểm đăng đàn, họ có mặt ngay từ lúc tinh thần đổi mới đang được khởi dựng cho đến khi thành cao trào, “họ nỗ lực thoát khỏi những khuôn thước của văn học thế hệ trước đó” - PGS.TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa đánh giá.

Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện với hàng loạt truyện ngắn đình đám mà cú sốc đầu tiên là Tướng về hưu, Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Dương Kiều Minh với Củi lửa, Nguyễn Lương Ngọc với Ngày sinh lại, và đặc biệt là Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều. 

Những mâu thuẫn giằng xé giữa đời sống thực tiễn và vai trò nhà văn, những đau khổ, dằn vặt thấm thía trong từng tác phẩm. Nó hiện diện phong phú trong các chủ đề văn học chống tiêu cực, văn học chấn thương, văn học giải ảo, văn học nữ quyền, văn học sinh thái, văn học đồng tính… vừa tiếp ứng nhau, vừa nhất loạt ra đời trong chặng đường này.

Chưa bao giờ những khuất khúc, những bí mật ẩn sau trong vùng mờ của bản thể gồm cả tâm trí, tâm linh lẫn bản năng lại được soi rọi bạo dạn, sắc sói như chặng này.

“Những người đọc quen thụ hưởng tiếng nói vui vẻ, quen đinh ninh, hoan hỉ mới là tích cực còn bi kịch là không tích cực, sẽ khó mà tiếp nhận được nét cao quý của loại bi cảm nhân bản, những bi cảm nâng cao phẩm tính con người như vậy” - TS Chu Văn Sơn nhận định.

Những day dứt bản thể

Y Ban trong I am đàn bà đã đẩy thân phận người phụ nữ lên đến kịch tính vào một tình huống trăm nỗi éo le với một người đàn ông bệnh tật. Đó là những day dứt bản thể trong Lam chướng của Nguyễn Bình Phương, bóng dáng dòng tộc kinh điển của Thùy Dương trong Chân trần, trong Vàng son thạch thủy khí của Võ Thị Xuân Hà.

Bên cạnh đó, không thể không ơn huệ những cây bút lớp trước như Việt Phương, Lưu Quang Vũ, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Lựu, Hoàng Ngọc Hiến… 

 

Bàn luận đa chiều về thế hệ nhà văn sau 1975

Bàn luận đa chiều về thế hệ nhà văn sau 1975

Hội thảo khoa học quốc gia 'Thế hệ nhà văn sau 1975' được tổ chức hôm qua (28/4) tại ĐH Văn hóa Hà Nội với 85 tham luận chủ yếu của các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu trên địa bàn cả nước.

 

Sự tiếp nối đã làm phong phú thêm mạch ngầm trữ tình trong văn học Việt Nam làm cho bức tranh văn học – thế hệ thêm khởi sắc, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng đa dạng, nhiều chiều của người đọc.

“Cái quan trọng là tiếng nói của mình, cái giọng riêng biệt của mình không thể tìm thấy trong cổ họng bất kỳ người nào khác. Muốn có được giọng ấy thì phải có cái cổ họng được cấu tạo một cách đặc biệt. Đó chính là đặc điểm phân biệt chủ yếu của một tài năng độc đáo” (Turgenev)

Chưa đạt đến sự mẫu mực của thể loại, song sự nỗ lực cách tân của thế hệ nhà văn sau 1975, dường như họ mang những xúc cảm, tâm trạng cá nhân lẫn xã hội để rốt ráo làm một cuộc cách mạng. Từ văn xuôi đến thơ đều mang hơi thở của thời đại. Những cung bậc cảm xúc được bày tỏ chân xác đến kiệt cùng, trang viết nào cũng thấm đẫm những triết luận thời cuộc.

Theo Thể thao & Văn hóa

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng