Văn nghệ trong nước
Bảo tàng ở Việt Nam: Nhiều mà vẫn thiếu!
22:10 | 18/05/2009
Đa phần các bảo tàng ở nước ta hiện nay đều thiên về lịch sử xã hội, về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Chúng ta đang rất thiếu những bảo tàng mà xã hội thực tế cần là bảo tàng về lịch sử tự nhiên, khoa học kĩ thuật… Bên cạnh đó, hoạt động của các bảo tàng hiện nay đều thể hiện sự bị động, thiếu chuyên nghiệp.
Bảo tàng ở Việt Nam: Nhiều mà vẫn thiếu!
Bảo tàng Dân tộc học là một trong số ít bảo tàng luôn dẫn đầu về lượng khách tham quan-Ản

Mới đây, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi tọa đàm về thực trạng và giải pháp cho các bảo tàng Việt Nam. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm hướng tới Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5). Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa về những thách thức đối với hoạt động bảo tàng ở nước ta hiện nay.

- Thưa bà, hiện nước ta có quá nhiều bảo tàng nhưng hoạt động lại không hiệu quả, khách tham quan ít ỏi. Thực trạng này xem ra vẫn chưa có giải pháp?

Nước ta có 64 tỉnh, thành phố, mà tỉnh thành nào cũng có quyết định thành lập bảo tàng. Cái khó nhất đặt ra hiện nay chính là với các bảo tàng ở các tỉnh. Đa phần các bảo tàng tỉnh đều trong tình trạng hoạt động chưa đồng bộ, đã thành lập nhưng chưa có trưng bày thường xuyên, có nơi chỉ là trưng bày tạm, phải đi thuê địa điểm. Một số tỉnh thành lập bảo tàng có địa điểm rồi nhưng cái lõi bên trong lại chưa chuyên nghiệp, trưng bày hết sức cứng nhắc, giống nhau. Nhiều người đã bảo đi đến tỉnh nào cũng thấy như tỉnh nào nên họ không thích đến bảo tàng.


"Các bảo tàng ở nước ngoài đều có những chương trình giáo dục, quảng bá trên website và luôn có chương trình mới hàng tháng, nhưng bảo tàng của ta lại rất ít" - TS Lê Thị Minh Lý.(Ảnh: Khánh Nguyên)


Ngoại trừ một số bảo tàng nổi tiếng như Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học là những bảo tàng luôn dẫn đầu về lượng khách tham quan, còn lại đa phần các bảo tàng đều trong tình trạng ít khách. Ngay như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, dù ở vị trí rất đẹp của thủ đô, ngay gần Văn Miếu nhưng cũng vắng khách, đặc biệt du khách nước ngoài. Khách tới bảo tàng ở nước ta phần đông vẫn là khách du lịch trong nước.

- Đây chỉ là một trong số những yếu kém của hệ thống bảo tàng ở nước ta, ngoài ra, theo bà, các bảo tàng còn đang đứng trước những thách thức lớn nào khác?

Khi các bảo tàng ra đời đều được xác định có hai chức năng là nghiên cứu và giáo dục khoa học, sau đó được bổ sung thêm chức năng phục vụ nhu cầu giải trí và thưởng thức của công chúng để mở rộng phạm vi hoạt động của bảo tàng. Nhưng điều quan trọng nhất của bảo tàng vẫn phải là giáo dục, phải làm một cách không chính thức tạo ra cơ hội cho công chúng được học tập suốt đời. Tuy nhiên, hầu hết các bảo tàng ở Việt thực hiện chức năng này đều rất khó khăn.

Các bảo tàng ở nước ngoài đều có những chương trình giáo dục, quảng bá trên website và luôn có chương trình mới hàng tháng, nhưng bảo tàng của ta lại rất ít. Gần đây mới chỉ có Bảo tàng Dân tộc học Việt là có chương trình giáo dục nhằm vào mục tiêu là học sinh phổ thông. Các bảo tàng khác cũng có nhưng chỉ là theo các chương trình kỉ niệm, sự kiện chứ không phải giáo dục xuất phát từ chức năng, sưu tập của bảo tàng mà đưa ra, đặc biệt lại không gắn kết được mạng quan hệ với các trường học để dùng bảo tàng như một địa chỉ cho công tác giáo dục.

Một thách thức nữa với các bảo tàng chính là mới chỉ thiên về quá khứ. Bảo tàng đâu chỉ có quá khứ, bảo tàng ngày nay phải là thiết chế tạo ra các sợi dây, các mạch gắn kết quá khứ với hiện tại. Chúng ta có sưu tập, nói câu chuyện của quá khứ đấy nhưng chúng ta phải giải quyết dược vấn đề mà xã hội đang đặt ra, đặc biệt các vấn đề nóng, trọng tâm của xã hội như đói nghèo, môi trường, tệ nạn xã hội…. Phải làm thế nào để dù đó là bảo tàng cổ vật hay bảo tàng địa phương cũng phải gắn được những câu chuyện ấy. Quốc tế họ đã làm rất tốt, sáng tạo nhưng ở ta mới chỉ đang chập chững, thậm chí khiên cưỡng và vụng về.

Thêm nữa, các dịch vụ ở bảo tàng của ta hiện nay rất yếu. Không thể tìm ra nổi một sản phẩm lưu niệm để mang về khi đi thăm bảo tàng bởi nó không có đặc trưng. Các shop của bảo tàng hiện nay đang bán hàng chợ, bảo tàng nào cũng giống nhau. Các bảo tàng chưa biết phát huy thế mạnh văn hóa để từ đó tạo ra những sản phẩn lưu niệm đặc trưng. Ngoài ra, các dịch vụ khác lại được vận dụng, thậm chí vận dụng một cách sai lệch như kinh doanh đám cưới, hoặc làm những dịch vụ không để phục vụ công chúng trực tiếp của bảo tàng. Vấn đề này chúng ta cần phải mạnh dạn nhìn nhận để có sự thay đổi.

Thách thức cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến chính là cơ sở hoạt động của bảo tàng hiện rất yếu. Bãi gửi xe không có, rồi đường đi lối lại không có chỉ dẫn rành mạch, khoa học, khách tham quan bảo tàng như vào lò nung,… Các thông tin cụ thể về hiện vật trưng bày cũng thiếu hoặc không viết chuyên nghiệp khiến du khách không thích thú…

- Vậy theo bà, cần có những giải pháp nào để các bảo tàng vượt qua những khó khăn này?

Bảo tàng muốn có khách thì phải tăng cường hoạt động chứ không thể cứ nằm im với những trưng bày thường trực trong 10 năm không hề thay đổi. Phải luôn luôn thay đổi, ngoài những trưng bày thường trực thì cần phải có những trưng bày chuyên đề, có thể tạo ra các hoạt động trình diễn. Chúng ta có 54 dân tộc với một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú thì tại sao lại không tạo cơ hội để trình diễn. Đây chính là cách tạo ra sự sống động cho bảo tàng. Hơn nữa, bảo tàng cũng cần phải quảng bá, phải để khách biết đến mình, biết mình hay thì họ mới đến. Để thu hút khách quốc tế cần phải thiết lập được một hành trình văn hóa, gắn bảo tàng với các di tích. Khách đến thăm quan bảo tàng có thể đến những chỗ khác nữa.

Các bảo tàng cũng không thể chỉ hài lòng với việc đón khách, tiếp khách hoặc giữ các sưu tập mà phải nghiên cứu để tìm ra làm thế nào gắn sưu tập của mình, vấn đề của mình với những vấn đề mà xã hội đang đặt ra. Vừa rồi có Bảo tàng Phụ nữ Việt đã rất thành công khi tổ chức triển lãm “Gánh hàng rong”. Họ đã bằng ngôn ngữ bảo tàng, trao máy ảnh cho những người phụ nữ để họ tự nói lên tiếng nói của mình, những tâm tư nguyện vong và bảo tàng giúp họ làm triển lãm… Cần phải có sự bắc nối như vậy thì hoạt động của bảo tàng mới sôi động và được đông đảo du khách quan tâm.

Bên cạnh hoạt động thu hút khách, bảo tàng cũng không được quên chức năng giáo dục của mình. Cần phải có chiến lược bắt tay với các nhà giáo dục để họ thấy rằng, bảo tàng sẽ là một công cụ để giảng dạy rất tích cực. Bảo tàng phải đề xuất ý tưởng với bên giáo dục, đồng thời dạy học sinh phải chủ động, có kế hoạch mà không phải theo kiểu phong trào. Các chương trình giáo dục phải có sự kết hợp của nhân viên bảo tàng. Các cán bộ bảo tàng ngoài chuyên môn cũng cần có trình độ sư phạm để có thể kết hợp các chương trình giáo dục. Hiện chúng tôi cũng đang tiến hành kế hoạch này.

- Đưa hoạt động của bảo tàng gắn với du lịch, đây được xem là một giải pháp khá ưu việt để vừa thu hút khách du lịch vừa tạo “nguồn thu” cho các bảo tàng. Năm ngoái, Bộ cũng đã chỉ đạo vấn đề này, nhưng xem ra, đến nay sự hợp tác này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan?

Theo tôi, vấn đề ở đây chính là các công ty lữ hành. Bảo tàng phải nâng cao năng lực của mình nhưng các công ty lữ hành cũng phải nhận thức được rằng bên cạnh lợi nhuận cần đạt được mục tiêu về văn hóa. Nhưng dường như các công ty lữ hành vẫn chỉ chú ý nhiều hơn đến lợi nhuận, họ thiếu tầm nhìn chiến lược. Bởi một khi anh đạt được mục tiêu về văn hóa thì du khách sẽ quay lại, nếu chỉ đạt được mục tiêu về kinh tế thì khách sẽ chỉ đến một lần. Các tour du lịch hiện nay vẫn chỉ là thăm quan một cách phổ thông theo kiểu giải trí, chưa đạt được thăm quan theo các hành trình văn hóa.

Một vấn đề đang tồn tại đó là nhiều công ty du lịch do bị quản lý nên họ đưa đến điểm này, điểm kia nhưng khi đến tay hướng dẫn viên thì bị cắt xén chương trình. Có khi họ dẫn khách vào những điểm du lịch không mất tiền như Chùa Một Cột, Bảo tàng Hồ Chí Minh,... Rất ít người tuân thủ theo đúng yêu cầu. Thậm chí có bảo tàng phải trả % lợi nhuận cho người dẫn khách tới, đây là điều sẽ “bóp chết” các bảo tàng. Bởi vậy, các nhà lãnh đạo cần đặt ra yêu cầu với du lịch Việt có tính bền vững hơn.

- Thực trạng hiện nay là có bảo tàng thu vé vào cửa, có bảo tàng không. Xin bà cho biết rõ hơn về điều này, đã có quy định gì về việc thu vé của các bảo tàng chưa?

Hiện nay chuyện thu vé hay không thì Nhà nước chưa bắt buộc mà hầu hết do các bảo tàng tự đề xuất. Có bảo tàng đề nghị thu 2 mức cho khách trong nước và ngoài nước. Xuất phát từ đặc thù bảo tàng ở nước ta, tôi nghĩ không nên có chính sách đồng loạt về việc này. Những bảo tàng có tính đặc trưng xã hội như bảo tàng bác Tôn… có tính phổ thông thì không nên thu vé để có thể phổ biến tới đông đảo người dân. Những bảo tàng mang tính chuyên nghiệp như bảo tàng Mỹ thuật, bảo tàng Điêu khắc Chăm… thì nên thu. Đây sẽ là nguồn thu để quay trở lại phục vụ cho chính bảo tàng.

- Xin cảm ơn bà!

Hiện nay, nước ta có 127 bảo tàng, trong đó có 7 bảo tàng quốc gia (6 bảo tàng quốc gia nằm tại Hà Nội, 1 bảo tàng quốc gia tại TP Thái Nguyên là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam). Có 26 bảo tàng thuộc lĩnh vực quân đội. Sau khi Luật di sản văn hóa ra đời, cho phép tư nhân được thành lập bảo tàng thì hiện đã có 8 bảo tàng tư nhân chính thức có giấy phép hoạt động. Trong số đó có 2 bảo tàng được đánh giá cao về chuyên môn là bảo tàng y học cổ truyền Fi tô ở TP. HCM và bảo tàng Cội nguồn ở Phú Quốc. 

Tuy vậy, theo TS Lê Thị Minh Lý, hiện đa phần các bảo tàng ở nước ta là bảo tàng về lịch sử xã hội, về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Chúng ta đang rất thiếu những bảo tàng mà xã hội thực tế cần là bảo tàng về lịch sử tự nhiên, khoa học kĩ thuật… Đây là những bảo tàng sẽ góp phần rất tích cực trong công tác giáo dục. Chính phủ đã phê duyệt đề án Quy hoạch bảo tàng đến năm 2020 mà Bộ VH,TT&DL trình lên. Theo đó sẽ bổ sung, khuyến khích thành lập những bảo tàng mang tính chuyên ngành vẫn đang thiếu hụt như bảo tàng thiên nhiên, bảo tàng lịch sử tự nhiên; đồng thời hạn chế những bảo tàng mang tính xã hội mới.

 

                                                                                                                   Theo Toquoc

Các bài mới
Các bài đã đăng