Văn nghệ trong nước
Tranh và hình họa của một bậc thầy
08:50 | 19/05/2009
Phó giáo sư - họa sĩ Trần Văn Phú đã gắn bó với công việc giảng dạy tại Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM từ năm 1975 cho đến nay, đặc biệt là những đóng góp của ông trong việc xây dựng nền móng cơ bản cho khoa tại chức của trường.
Tranh và hình họa của một bậc thầy
Lớp học chữ Nôm (1997 - sơn dầu)

Nhằm tri ân, tôn vinh một người thầy đã có một sự nghiệp đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, nhà trường đã tổ chức triển lãm “Tranh và hình họa” của họa sĩ Trần Văn Phú (tại số 5 Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh, từ 7-5 đến 15-5-2009).

Phòng triển lãm khai mạc trong không khí ấm cúng của tình thầy trò, giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của vị họa sĩ lão thành, được ông sáng tác trong nhiều thời kỳ, với nhiều chất liệu tạo hình: bút sắt, chì than, mực nho, màu nước, màu bột, than thỏi, khắc gỗ, sơn dầu, có cả tranh cổ động, tranh minh họa, truyện tranh…


Nữ sinh Trung Quốc thăm họ hàng ở Việt
(1959 - than thỏi)


Sinh năm 1932 tại Gò Công Tây, Tiền Giang, năm 22 tuổi chàng trai Trần Văn Phú tập kết ra miền Bắc. Năm 1958, tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật, họa sĩ trẻ Trần Văn Phú đã có một thời gian dài làm việc, sáng tác ở Quảng Ninh.

Đã đến được nhiều nơi trên khắp đất nước, nhưng chính vùng đất, cảnh vật và con người vùng đất mỏ đã in dấu đậm nét trong cuộc đời họa sĩ Trần Văn Phú. Điều đó thể hiện rõ nét qua những bức chân dung công nhân mỏ than, những ông già, bà cụ, thiếu nữ, em bé… cho đến cảnh sắc địa phương: đảo Cô Tô, bờ sông Tiên Yên, Yên Sở, bến thuyền Móng Cái, sông Kalong…

“Vạn vật ở đây từ màu sắc cho đến hình dáng đều rất lạ, khác hơn những nơi khác tôi có dịp đến và đã vẽ qua. Quảng Ninh có rừng, có núi mà còn có cả biển. Thị xã ngày ấy không to, phố xá lại ở ven sông, in bóng xuống mặt nước. Tôi còn nhớ mãi có một người cao lớn nhanh nhẹn mặc chiếc áo mưa bộ đội đã dẫn tôi đi vẽ các căn cứ cách mạng xưa… Những năm tháng ấy biết bao nhiêu tình!” - ông bồi hồi nhớ lại.


Cô dâu người Sán Chỉ (1960 - màu bột)


Thành công nhất của họa sĩ Trần Văn Phú lại là mảng ký họa và tranh minh họa, tranh truyện. Với truyện tranh, đó là quy pháp tạo hình, kỹ thuật xử lý bố cục, nhất là kỹ thuật phân cảnh rất hiện đại, chẳng hạn một số quyển truyện tranh về lịch sử như Tráng sĩ Ngàn Có, Giặt áo chiến trên sông Bạch Đằng, Hội nghị Diên Hồng… mà nhiều họa sĩ làm truyện tranh phải nhìn nhận “là độc nhất vô nhị, đến nay vẫn chưa có người theo kịp”.

Một học trò thân cận của ông nhận xét: “Mảng ký họa từ 1955 đến 1965 của thầy Phú là cái nhìn của một thanh niên trưởng thành từ miền Nam cảm nhận cuộc sống khác lạ ở miền Bắc, với một chút gì đó như tò mò, ngỡ ngàng, hào hứng, và ông đã cố gắng ghi chép tất cả những nét đẹp cùng với sự khác lạ từ phong cảnh đến cách sống, sinh hoạt của người dân, nhất là đồng bào vùng cao phía Bắc”. Còn lão họa sĩ cho rằng “Ký họa cốt ghi chép, lưu giữ cái ấn tượng sắp mất đi và ấn tượng về sự sinh sôi nảy nở càng ngày càng phát triển”.


Bến Xuân Ninh - Móng Cái (1962 - màu nước)


Có thể nói hơn 100 tác phẩm được triển lãm chỉ là một phần nhỏ trong sự nghiệp sáng tác hơn 50 năm của họa sĩ Trần Văn Phú, nhưng cũng đủ để người xem hình dung về hành trình nghệ thuật của ông, người luôn tìm cách thể hiện những sự phức tạp bằng ngôn ngữ nghệ thuật giản dị, có khi là những sơ đồ, họa đồ mang tính khái quát cao.

Điều này cũng lý giải vì sao ông minh họa cho rất nhiều đầu sách mà không bao giờ trùng lặp hình ảnh hay ý tưởng. Mỗi tranh minh họa của ông đều là những sáng tác mới. Ông còn cho thấy một tình yêu sâu sắc với nghề nghiệp suốt từ tuổi thanh niên cho đến ngày nay. Đó là một thứ “đạo” mà nhiều thế hệ học trò đã cố gắng học hỏi nơi thầy Phú.
 
                                                                             Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Các bài mới
Các bài đã đăng