Văn nghệ trong nước
Nhà thơ Huy Cận với Hưng Yên
18:02 | 06/06/2016

Là  một trong những cây đại thụ của thơ ca Việt Nam từ trước Cách mạng Tháng Tám đến nay, nhà thơ Huy Cận (1919 - 2005) đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong nghành văn hóa, từng là Bộ trưởng đặc trách văn hoá - thông tin, đại biểu Quốc hội một số nhiệm kỳ, viện sĩ hàn lâm thơ thế giới.

Nhà thơ Huy Cận với Hưng Yên

Nhà thơ Huy Cận đã nhiều lần về công tác ở Hưng Yên. Với ông đi công tác cũng là đi sáng tác luôn. Năm 1958 ra vùng mỏ đi thực tế từ 3-6 tháng ông có tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng”. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, về Hưng Yên ông có tập “Những năm sáu mươi”. Những bài thơ viết về Hưng Yên của ông đã in sâu trong lòng bạn đọc. Đến nay nhiều người vẫn còn nhớ, như những bài “Gái Bãi Sậy sông Hồng”. Viết về chị Tám (nữ du kích Hoàng Ngân) (11-1966), ông có những câu:

Đơn giản có gì đâu

Con gái vùng du kích

Tuổi bẻ gãy sừng trâu

Đòn gánh dồn đánh địch…

Hoặc:

Con bà Trưng, bà Triệu

Gái Bãi Sậy, sông Hồng

Trăm chị, nghìn chị Tám

Vai đảm gánh non sông

Trong bài “Cô gái Hưng Yên đi khai hoang Tây Bắc”:

Mắt đen hạt nhãn cười tinh nghịch

Tóc quấn trần trông rất có duyên

Người ta thường nói con gái mắt đen huyền, chỉ có Huy Cận mới phát hiện ra mắt đen hạt nhãn - vừa sáng tạo độc đáo, vừa rất “Hưng Yên”. Nhà thơ đã lấy hạt nhãn, một thành phần chủ thể trong quả nhãn để tả màu sắc của mắt - Con gái Hưng Yên. Mắt đen như hạt nhãn thì còn gì đen hơn, đẹp hơn. Mắt đen như hạt nhãn là một trong tiêu chuẩn người đẹp của đất Hưng Yên rồi. đã thế các cô còn “cười tinh nghịch” nữa mới vui nhộn, đỏng đảnh đáng yêu của con gái Hưng Yên xứ nhãn lồng.

Tháng 11-1966, lúc bấy giờ nhà thơ Huy Cận còn là Thứ trưởng Bộ Văn hoá (sau này là Bộ trưởng), ông về công tác ở Ty văn hoá - thông tin tỉnh Hưng Yên. Nhân chuyến đi này, ông kết hợp thăm một số cơ sở kinh tế nông nghiệp. Lúc về nhà khách nghỉ, Huy Cận viết bài thơ “Đàn ong di động Hưng Yên“. Viết xong, ông mời đồng chí Hoàng Trị là Phó trưởng Ty văn hoá - thông tin phụ trách văn nghệ sang nghe bản thảo của bài thơ. Huy Cận đọc đến câu:

Đàn ong di động Hưng Yên

Mùa hoa dời tổ trăm miền tìm hoa

Phó trưởng Ty mạnh dạn mạn phép Thứ trưởng, chữa ngay chữ “tổ” thành chữ “đõ”. Huy Cân tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi lại: “Sao ông lại chữa như vậy”. Ông Hoàng Trị lý giải: “Thưa thứ trưởng, tổ ong là con ong trực tiếp làm tổ ở trên cây, chứ ong đàn người ta nuôi trong hòm gỗ, nó làm sáp trên cầu ong thì gọi là đõ ong”.

Huy Cận còn phân vân, chiều hôm sau ông Hoàng Trị dẫn nhà thơ ra thăm quan một xí nghiệp nuôi ong gần đấy. Lúc này Huy Cận mới phân biệt đõ ong và tổ ong. Nhà thơ tâm đắc, gật đầu nói với phó trưởng ty:

Cả đời vẫn cứ phải học, học đến lúc chết phải không đồng chí?

Cả hai cùng cười thông cảm

Bài thơ đó, sau này Huy Cận cho in trong tập “Những năm sáu mươi” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1968, ông vẫn để y như đồng chí Phó trưởng ty văn hoá - thông tin đã chữa.

Ai cũng biết tác giả “Lửa thiêng” nổi danh từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước là Huy Cận, tài thơ đến như thế, lại là thủ trưởng cao cấp của vị phó trưởng ty kia mà vẫn cứ khiêm tốn học hỏi cấp dưới. Dù Huy Cận từng tốt nghiệp trường Canh Nông thời Pháp thuộc một trong cây đại thụ của phong trào thơ mới 1930-1945, nhưng với cấp dưới tuy không được tài thơ như ông, ông vẫn khiêm tốn học hỏi, tiếp thu ở họ điều đúng, để cốt có thơ hay, sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực.

Theo báo Văn Nghệ

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng