Văn nghệ trong nước
Nghệ sĩ sau ánh hào quang: Nửa thế kỷ của chú bé xiếc rong
09:13 | 21/05/2009
Nghệ thuật xiếc của khu vực phía đang có hai đơn vị mạnh nhất là xiếc TP.HCM và xiếc Long An. Mấy ai biết cả hai đơn vị đều do công lao gầy dựng chủ lực của NSND Thái Mạnh Hiển.
Nghệ sĩ sau ánh hào quang: Nửa thế kỷ của chú bé xiếc rong
NSND Thái Mạnh Hiển trong một tiết mục xiếc - Ảnh: Tư liệu

Quê của Thái Mạnh Hiển ở Hải Phòng, đất cảng có rất nhiều người tứ xứ ghé ngang hoặc đến sinh sống. Trong đó, người Hoa chiếm không ít. Người Hoa có một nghề khá hấp dẫn là biểu diễn võ thuật. Nhóm của họ thường được dẫn dắt bởi một ông già Tàu, thu nạp vài đệ tử, truyền công luyện võ, rồi đi khắp các thị thành, làng quê biểu diễn. Chỉ cần dừng lại ở một góc chợ, một bãi sân, lập tức dân chúng vây quanh, và lát sau thảy tiền vô chiếc nón nỉ thưởng cho các võ công.

Họ không chỉ biểu diễn võ thuật, mà từ võ thuật họ biến thành những màn xiếc với các động tác khéo léo, nguy hiểm nhưng thật sự hấp dẫn. Trẻ em lẫn người lớn đều mê. Và trong đó có chú bé Thái Văn Hiển mới 7, 8 tuổi đã bái ông già Tàu làm sư phụ, xin ông truyền dạy nghề xiếc võ. Ước mơ của chú bé chỉ là được đi theo gánh xiếc rong mà thôi, chứ đâu có ngờ...

“Chỉ thấy vui với nghề”

Năm 1945, thủ đô giải phóng. Năm 1947, Thái Mạnh Hiển (nghệ danh của Thái Văn Hiển) xin vào Đoàn xiếc Vũ đài Thủ đô Anh dũng. Nhưng lúc ấy ông mới 12 tuổi, và tay nghề chưa bao nhiêu, phải đợi đến năm 1955 ông mới được vào chính thức. Năm 1956, Đoàn xiếc Vũ đài Thủ đô Anh dũng đổi tên đoàn thành Đoàn xiếc Nhân dân T.Ư, nay là Liên đoàn xiếc VN.

Thái Mạnh Hiển trở thành một nghệ sĩ thực thụ, thậm chí năm 1972 ông còn giữ chức chủ nhiệm khóa đào tạo diễn viên, và lên cả Phó phòng nghệ thuật của liên đoàn.


NSND Thái Mạnh Hiển
Ảnh: Tư liệu

“Đoàn xiếc TP.HCM bây giờ đã “mất” đi nhiều con thú làm xiếc, vì không có tiền nuôi chúng. Xiếc mà không có thú coi như mất đi phân nửa sự hấp dẫn. Nhất là khán giả thiếu nhi, coi xiếc là sự giáo dục lành mạnh, và càng xem thú biểu diễn các em càng yêu thương động vật, không nỡ sát hại. Chúng ta phải tính thế nào để giữ thú chứ không nên tiết kiệm như thế mà quên đi chức năng giáo dục trẻ thơ. Hồi cả nước còn nghèo mà mình nuôi nổi, giờ khá giả hơn sao lại bỏ đi!” - NSND Thái Mạnh Hiển.

Nhưng ông tâm sự: “Thời đó rất ít thầy dạy nghề xiếc. Tôi cũng chỉ được tập huấn với các đoàn Trung Quốc thường sang VN trong vài tháng rồi về. Mỗi đoàn dạy mình một ít, rồi mình phải tự mày mò tập thêm, sáng tạo thêm những động tác mới, những màn biểu diễn mới. Học qua sách báo nước ngoài, học qua tivi, nhưng động não suy nghĩ nhiều lắm để tự nâng mình lên. Tôi thường tập mỗi ngày mười mấy tiếng đồng hồ, có khi tới 1-2 giờ sáng. Sức trẻ mà, không thấy mệt, chỉ thấy vui với nghề, say sưa, yêu đời”.

Ông cười nhớ lại thời ấy làm việc cơ bắp rất nặng, thế mà lãnh lương tem phiếu bao cấp kham khổ, không biết làm sao ông và bạn bè vẫn vượt qua được. Trung bình mỗi người chỉ được mua vài lạng thịt mỗi tháng, còn nghệ sĩ xiếc được ưu tiên đến… 2 ký rưỡi. Thi thoảng thì được thêm ký nữa, đã là mừng. Và một ít trứng, cá, bột ngọt, đường… Vẫn đủ sức lên sân khấu, thật lạ!

Ông lại cười: “Nhưng đó là thời đẹp nhất, lý tưởng nhất. Ai cũng như ai, sống hết lòng vì cuộc đời, vì nghệ thuật. Tuổi trẻ đầy khát vọng!”.

Tỉnh “chịu chơi”

Năm 1982 ông được lệnh vào Nam, làm Trưởng đoàn xiếc Long An. Long An là một tỉnh “chịu chơi”, dám bỏ kinh phí xây dựng đoàn xiếc đi lưu diễn quanh năm, tận các vùng xa, rồi qua các tỉnh khác, cho đến bây giờ vẫn còn “sống được”.

Nhưng hồi ấy Long An không biết tìm ai để gầy dựng, đào tạo, phải cầu viện tới Trung ương. Trung ương cử Thái Mạnh Hiển vào , và 10 năm gắn bó với mảnh đất đồng bằng sông Cửu Long ông đã đào tạo nhiều học trò, làm nên một đơn vị xiếc vững mạnh. Có những em y như tuổi thơ của ông, cũng mê nghề nhưng vụng dại, ngơ ngác, ông tuyển về chăm chút từng li từng tí, biến họ thành “nghệ sĩ”. Vì vậy bây giờ ông về thăm Long An là như “về nhà”, được chào đón chu đáo.

Năm 1993, ông được phân công làm Trưởng đoàn xiếc TP.HCM, cũng làm đơn vị này nở mày nở mặt với nhiều chuyến biểu diễn nước ngoài thành công. Coi như mấy chục năm trong nghề, ông vừa dạy học trò, vừa sáng tạo tiết mục mới, vừa là đạo diễn dàn dựng nhiều chương trình. 

Gia đình xiếc

Ông nghỉ hưu năm 2000, giờ yên ổn ở nhà với vợ. Vợ ông, bà Hồng Nga, cũng giã từ sân khấu xiếc. Trên tường nhà có treo bức ảnh bà đang dùng chân tung hứng và xoay chiếc dù hoa rất đẹp. Đây là động tác rất khó, được khen ngợi nhiều, vì chiếc dù có trọng lượng nhẹ, lại không cân bằng giữa cán và thân dù, nên không dễ giữ thăng bằng, nói gì phải xoay. Chính vì vậy mà bà nổi tiếng.

Hai ông bà lại có niềm vui là hai người con tên Thái Kiều Oanh, Thái Đức Thủy đang nối nghiệp mình, là diễn viên xiếc của Đoàn xiếc TP.HCM. Căn nhà xinh xắn, bài trí đẹp, rõ ràng là một tổ ấm. Đặc biệt hơn cả là tấm ảnh ông hồi rất trẻ đang đứng cạnh Bác Hồ và đồng nghiệp. Bức ảnh này do một diễn viên Trung Quốc tình cờ chụp khi ông và các bạn biểu diễn cho Bác Hồ xem, rồi họ mang luôn về nước. Mấy chục năm sau, một người bạn đi tham quan bên ấy, gặp được, thế là xin chụp lại rồi mang về cho ông. Ông quý tấm ảnh hơn vàng, coi như một dấu son quan trọng trong đời.

                                                                                                                       Theo TNO

Các bài mới
Các bài đã đăng