Văn nghệ trong nước
Khuyến khích phim nội không có nghĩa là cấm phim ngoại
08:19 | 22/05/2009
"Khi thị trường điện ảnh VN phát triển mạnh như Trung Quốc, đủ năng lực sản xuất 1000 phim mỗi năm thì khi đó việc đặt ra quota mới có giá trị thực tế", theo ông Trần Vũ Hoài, Tổng Giám đốc Hãng phim Thiên Ngân.
Khuyến khích phim nội không có nghĩa là cấm phim ngoại
Lượng phim ngoại nhập đa dạng, đáp ứng được thị hiếu của số đông.

Không nên nhìn nhận phim ngoại như một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của phim nội
 
Phía sau việc gỡ bỏ hạn ngạch nhập phim ngoại là gì? Tác động của nó tới thị trường điện ảnh VN ra sao? Ông Trần Vũ Hoài, Tổng Giám đốc Hãng phim Thiên Ngân, hãng phim "đứng vững" cả ở mặt trận nhập phim và sản xuất phim phân tích:

- Trong bối cảnh hiện nay, việc cởi bỏ hạn ngạch nhập phim nên được coi là một biện pháp tích cực giúp phát triển thị trường.

Thị trường điện ảnh VN hiện nay rất nhỏ bé (xét cả về doanh số bán vé, số rạp và số ghế bình quân đầu người) và chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào hai thành phố lớn là HN và TP.HCM. Do vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là phát triển thị trường trước khi giải quyết các vấn đề khác.

Cởi bỏ hạn ngạch nhập phim là việc cần phải làm. Vì một thị trường phim muốn phát triển thì phải có sản phẩm và phải có kênh phân phối. Đây là hai yếu tố quan trọng (trong số nhiều yếu tố quan trọng khác), có quan hệ mật thiết, cần được phát triển thì mới có thể phát triển thị trường.

Trong khi nguồn sản xuất phim trong nước chưa mang lại được sự đa dạng, chưa thoả mãn được hết nhu cầu của người xem, thì việc có nguồn phim nhập ngoại bổ sung là một việc không thể không làm. Hạn chế nguồn phim này bằng quota là không thực tế.

- Với tư cách là một nhà nhập phim và cũng kiêm luôn sản xuất phim, anh có cho việc nhập phim ngoại ồ ạt sẽ đe doạ đến nền sản xuất phim trong nước?
 
- Chúng ta không nên đơn giản nhìn nhận phim ngoại như một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của phim nội bởi đây là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau, ít nhất là hiện nay và trong 5 tới 10 năm nữa. Bỏ qua sự khác biệt về hình thức, về văn hóa, về trình độ kỹ thuật, phim nội và phim ngoại nhập rất khác nhau ở TÍNH KINH TẾ.

Hay nói cách khác, bài toán kinh tế của việc nhập một bộ phim và sản xuất một bộ phim là hai bài toán hoàn toàn khác nhau. Không có bài toán nào dễ hơn bài toán nào. Nhưng hai bài toán khác nhau không mang tính loại trừ nhau, vì thị trường đang cần cả hai loại hình sản phẩm này.

Tôi không nghĩ việc nhập nhiều phim ngoại sẽ làm cho các nhà làm phim trong nước không sản xuất được phim. Nếu các nhà sản xuất phim trong nước sản xuất được phim hay, thu hút được khán giả, giải quyết tốt bài toán kinh tế của phim nội (trong đó có yếu tố thời điểm chiếu…) thì không thể bị phim ngoại đe doạ.

Sự không công bằng chỉ xảy ra khi có cái bị cấm và có cái không bị cấm

- Vậy anh có đồng ý với quan điểm: việc cho nhập phim ngoại không giới hạn sẽ kích thích sự phát triển điện ảnh trong nước, các nhà sản xuất phim sẽ phải tìm cách làm những bộ phim hấp dẫn hơn, chất lượng hơn để kéo khán giả đến với mình?

- Cạnh tranh luôn là yếu tố tốt vì cạnh tranh bao giờ cũng mang lại lợi ích cho khán giả, vì cạnh tranh giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Để phát triển thị trường điện ảnh VN thì yếu tố cạnh tranh là rất quan trọng. Có thể 10 năm nữa bài toán sẽ khác.

Khi các nhà sản xuất phim VN đủ sức sản xuất và phát hành thành công 50 hay 100 phim mỗi năm thì có nghĩa là thị hiếu của khán giả đã thay đổi. Khi đó dù không hạn chế nhập phim ngoại người ta cũng sẽ tự động giảm bớt việc nhập phim ngoại, vì khi khán giả đã rất thích xem phim VN.

- Một số nhà sản xuất đưa ra lập luận rằng một bộ phim VN có chi phí sản xuất cao cũng chỉ khoảng 1 triệu USD, trong khi một bộ phim ngoại có chi phí lên tới 100-200 triệu USD nhưng khi nhập về VN chỉ có giá vài chục ngàn USD và như vậy là sự cạnh tranh giữa phim nội và phim ngoại sẽ không công bằng. Quan điểm của anh thế nào?

- Mọi người có thể nghĩ: nếu không có phim của nước ngoài thì 100% khán giả hiện nay sẽ đi xem phim nội. Nhưng không phải. Thị trường không vận hành theo kiểu tĩnh tại như vậy. Có một triệu lượt người xem đi xem 100 bộ phim không có nghĩa là khi thị trường chỉ có 10 phim nội cũng sẽ thu hút được đúng 1 triệu người xem tới rạp. Sự không công bằng chỉ xảy ra khi có cái bị cấm và có cái không bị cấm.

- Cuối cùng, theo anh, việc nhập phim không giới hạn có cần phải đưa ra bất cứ chế tài nào để khuyến khích phim nội không?

- Nếu muốn khuyến khích phim nội thì nó phải được thực hiện bằng một cách khác. Phim nội có thể được khuyến khích phát triển thông qua các biện pháp hỗ trợ gián tiếp, phi hành chính như: miễn thuế, hỗ trợ cho thuê thiết bị làm phim, đào tạo đội ngũ làm phim, hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất phim và xây dựng rạp…

Khuyến khích phim nội không có nghĩa là cấm phim ngoại, vì trong bối cảnh hiện nay, điều đó sẽ làm cho thị trường trong nước không phát triển được. Khi thị trường điện ảnh VN phát triển mạnh như Trung Quốc, đủ năng lực sản xuất 1000 phim mỗi năm thì khi đó việc đặt ra quota mới có giá trị thực tế.

                                                                                                       Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng