Văn nghệ trong nước
Lời cuối với các nhà văn xứ Quảng đã đi xa
09:42 | 11/08/2016

Nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương vừa bất ngờ cho ra mắt công trình sưu khảo Lời cuối với nhà văn đã đi xa, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Vì điều kiện hạn chế về tư liệu nên ông mới sưu tập được điếu văn, văn tế, lời tiễn biệt cuối cùng với 107 nhà văn cận và hiện đại, nhưng cũng đủ tái hiện phong phú, sinh động bức tranh văn học Việt qua cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn tiêu biểu, trong đó có nhiều nhà văn xứ Quảng.

Lời cuối với các nhà văn xứ Quảng đã đi xa

Đây là việc làm có ý nghĩa, thể hiện tấm lòng của “vua tư liệu” Trần Thanh Phương đối với những đồng nghiệp đã vĩnh viễn nằm xuống, sau công trình Còn là tinh anh xuất bản năm 2013 ông viết về những ngày tháng cuối cùng của các nhà văn. Trước khi bắt tay vào sưu khảo công trình mới, ông đã cùng vợ là nhà giáo Phan Thu Hương làm mâm cơm thắp nhang cúng các nhà văn để xin phép. Khi sách hoàn thành, ông cũng làm tương tự, với tất cả lòng thành kính những người đã khuất. Cuốn sách Lời cuối với nhà văn đã đi xa dày gần 600 trang, bìa cứng, in đẹp, trang trọng, chỉ dành để tặng chứ không bán.

Trần Thanh Phương đã dày công tập hợp điếu văn, văn tế, lời tiễn biệt, rồi sắp xếp hệ thống lại theo thời điểm người mất. Ông cho biết khi sách tái bản sẽ tiếp tục bổ sung. Qua tác phẩm Lời cuối với nhà văn đã đi xa đã hiện lên hình ảnh nhiều nhà văn tiêu biểu thời cận đại và đương đại như: Nguyễn Đình Chiểu, Dương Khuê, Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Lê Văn Trương, Nguyễn Bính, Trần Hữu Trang, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Nguyễn Trọng Oánh, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Hữu Loan, Chính Hữu, Vũ Cao,… cho đến các nhà văn mới qua đời gần đây như Dũng Hà, Hoài Anh, Thái Vũ, Nguyễn Quang Sáng, Tô Hoài, Anh Đức, Trang Thế Hy, Thanh Giang, Trần Thanh Giao,…

Trong số 107 nhà văn có mặt trong sách, nhiều người sinh trưởng ở xứ Quảng, gốc Quảng hay từng gắn bó với đất Quảng, đã lần lượt ra đi như Lưu Quang Vũ, Huỳnh Lý, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng, Trinh Đường, Thu Bồn, Khương Hữu Dụng, Võ Quảng, Tế Hanh, Nguyễn Khắc Phục,…
 

Vợ chồng Trần Thanh Phương trong buổi ra mắt sách mới đầu tháng 7-2016. Ảnh:P.H
Vợ chồng Trần Thanh Phương trong buổi ra mắt sách mới đầu tháng 7-2016. Ảnh:P.H


Đọc lại điếu văn về các nhà văn giúp chúng ta hiểu hơn tài năng, nhân cách và hành trình sáng tạo văn học nghệ thuật của một đời người. Có thể chính xác hoặc chưa hoàn toàn chuẩn xác, nhưng đó là tình cảm chân thành của người còn lại trước linh cữu người vừa từ biệt thế giới này để trở về cát bụi.

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ quê cha xứ Quảng nhưng sinh ngày 17-4-1948 ở Vĩnh Phú, bị một tai nạn giao thông khủng khiếp tại Hải Dương, qua đời cùng vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và con thơ Lưu Quỳnh Thơ ngày 29-8-1988. Trong điếu văn do đạo diễn Dương Ngọc Đức - Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đọc tại lễ truy điệu ngày 31-8-1988 tại Hà Nội có đoạn: “Hôm nay, trên bản đồ địa lý đất nước, hiếm có một tỉnh có các đơn vị nghệ thuật nào mà chưa từng dàn dựng một vài vở của Lưu Quang Vũ hoặc chèo, kịch dân ca, cải lương, hoặc kịch nói. Thế mạnh của một người làm thơ, viết văn, làm báo nhanh nhạy đã được anh huy động khi sáng tác các kịch bản. Có thể nói Lưu Quang Vũ đã tạo dựng được cả một khuôn mặt sân khấu mới mẻ, có sức hấp dẫn bằng hàng loạt vở về đề tài hiện đại”.

Ở một đoạn khác của điếu văn, đạo diễn Dương Ngọc Đức cho biết Lưu Quang Vũ “gồng trên đôi vai rộng khỏe” cùng lúc chương trình tiết mục của bốn năm mươi đoàn, nghĩa là xấp xỉ một phần ba số đơn vị sân khấu cả nước bấy giờ, và nhận định: “Hiếm có một tác giả đương đại nào có ảnh hưởng sâu rộng đến sân khấu như Lưu Quang Vũ. Sự phong phú của đề tài, sự giàu có màu sắc tư tưởng chủ đề, đã làm cho Lưu Quang Vũ thành một tác giả nhận được nhiều đơn đặt hàng nhất. Sân khấu thủ đô Hà Nội, sân khấu TP. Hồ Chí Minh nhiều dịp chứng kiến sự chiếm lĩnh hầu hết vở diễn của Vũ trên sân khấu.

Chắc chắn là còn nhiều vở chưa thật hay, nhưng cái mà Vũ đem tới cho sân khấu là những vở diễn, những nhân vật đã thực sự đi vào cuộc sống, sống trong lòng công chúng rộng rãi. Những người viết lịch sử sân khấu mai sau, khi viết về sân khấu nước ta thập kỷ 80 này, nhất định sẽ phải xếp Lưu Quang Vũ vào loại những tác giả có vị trí quan trọng nhất cả về số lượng lẫn chất lượng”.

Đối với Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà văn Huỳnh Lý (sinh ngày 5-6-1914 ở Hội An, từ trần ngày 21-5-1993 ở Hà Nội), trong lễ truy điệu ông tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, PGS Nguyễn Văn Long đọc điếu văn có đoạn: “Cuộc đời 80 năm với 50 năm hoạt động trong ngành giáo dục-đào tạo, Giáo sư Huỳnh Lý là một mẫu mực người trí thức trung thực, một nhà giáo đầy tâm huyết và tài năng, và bao trùm lên tất cả là một con người rất chân tình, nhân hậu, luôn sống trọn nghĩa vẹn tình và dành mọi tình thương yêu chăm chút cho đồng nghiệp, cho bạn, cho bao thế hệ học sinh của mình”.

Ở một đoạn điếu văn khác, PGS Nguyễn Văn Long cho rằng GS - nhà văn Huỳnh Lý đã để lại di sản có ý nghĩa với những công trình nghiên cứu, biên soạn, tham khảo về văn học Việt Nam; những cuốn sách giáo khoa môn văn các cấp phổ thông, những bản dịch tác phẩm văn học Pháp đã trở nên thân thuộc với bạn đọc nhiều thế hệ, như Những người khốn khổ của Victor Hugo, Ơ-giê-ni Gơ-răng-đê của Honore de Balzac, Không gia đình của Hector Malot,…

Qua đời 2 năm sau nhà văn Huỳnh Lý là nhà văn Lê Khâm - Phan Tứ (sinh ngày 20-12-1930 ở Quế Sơn, Quảng Nam và mất ngày 17-4-1995 tại Đà Nẵng). Nhà thơ Hữu Thỉnh bấy giờ là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc điếu văn trong lễ truy điệu nhà văn Phan Tứ: “Vẫn biết anh bị bệnh nặng từ lâu, nhưng tin anh mất đã làm tất cả chúng ta bàng hoàng xúc động. Chúng ta đau đớn vì đã mất một nhà tiểu thuyết nổi tiếng mà tên tuổi và sự nghiệp của anh có vị trí rất quan trọng trong nền văn học của đất nước.

Phan Tứ là một nhà văn lớn về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Phan Tứ đã sống một cuộc sống mẫu mực, trong sáng, giản dị và dũng cảm, sự thống nhất giữa con người và tác phẩm Phan Tứ đã tạo nên vẻ đẹp của một nhân cách văn học đầy kính trọng”. Trong điếu văn, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nói đến những cương vị mà nhà văn Phan Tứ từng nắm giữ, có công phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ nhà văn trẻ từ chiến trường Khu V…

Một gương mặt văn xuôi tiêu biểu khác của người xứ Quảng là nhà văn Nguyễn Văn Bổng (sinh ngày 1-1-1921 ở Đại Lộc, Quảng Nam và mất ngày 9-7-2001 ở Hà Nội). Bấy giờ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam đọc điếu văn có đoạn: “Nói đến Nguyễn Văn Bổng, trước hết chúng ta nói đến một nhà văn của xứ Quảng anh hùng, giàu bản sắc, một nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, một bút lực dồi dào với những tác phẩm tràn đầy nhựa sống; là nói đến một khối lượng lớn những tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký có giá trị mà tiêu biểu là Con trâu, Rừng U Minh, Tiểu thuyết cuộc đời…”.

Ở một đoạn khác “chuyên gia điếu văn” Hữu Thỉnh còn nhận định hùng hồn: “Nói đến Nguyễn Văn Bổng là nói đến một nhà văn chiến sĩ vào Nam ra Bắc, xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, sống trọn một cuộc đời đầy biến động và thử thách khắc nghiệt, đi cùng lịch sử đất nước, luôn có mặt ở nơi mũi nhọn, những điểm nóng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước”.

Còn nhiều điếu văn hay và xúc động nữa về các nhà văn xứ Quảng, mà nhờ công phu của “vua tư liệu” Trần Thanh Phương qua cuốn sách Lời cuối với nhà văn đã đi xa đã giúp chúng ta lưu giữ được một trong những nguồn tài liệu quý mà không phải ai cũng nhớ đến.

Theo PHAN HOÀNG - báo Đà Nẵng

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng